Quay cuồng bên "núi" việc: Một ngày với CBCC phường, xã
L.T.S: Số liệu điều tra cơ sở hành chính năm 2021 do Bộ Nội vụ vừa công bố cho thấy trung bình cả nước cứ 72 người dân có 1 cán bộ nhà nước. Tỉ lệ này tại TP HCM là 118 người, thuộc nhóm cao nhất nước. Phóng viên Báo Người Lao Động đã đến các phường, xã ở TP HCM để cùng "làm việc", ghi nhận, trò chuyện và thấy cán bộ công chức (CBCC) đang quay cuồng bên "núi" việc
Dù đã sau 19 giờ, nhiều UBND phường vẫn sáng đèn, nhiều cán bộ còn miệt mài bên đống hồ sơ để kịp tiến độ công việc.
Hơn 7 giờ 30 phút ngày 6-7, phóng viên có mặt tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP HCM). Trong căn phòng nhỏ, 4 nữ cán bộ đang làm việc không ngơi tay trong khi hàng chục người dân ngồi đợi đến lượt được gọi tên. Chừng 1 giờ sau, hàng ghế chờ trong phòng đã nhanh chóng được lấp đầy, nhiều người đến sau phải đứng đợi. Phía bên ngoài, những hàng ghế đá cũng không còn một chỗ trống.
Một người làm việc bằng 4 người
Lượng người dân đến quá đông, 4 nữ cán bộ công chức (CBCC) vừa đọc hồ sơ, nhập liệu vừa hướng dẫn người dân bổ sung giấy tờ. Với khoảng 5-6 loại con dấu trên bàn làm việc, chị Phan Thị Ngọc Hiếu (thủ quỹ, văn thư lưu trữ) vừa thoăn thoắt đóng dấu cho người dân vừa phải liên tục nhắc nhở họ ổn định trật tự. Cứ cách 5-10 phút, chị Hiếu lại ôm một xấp giấy tờ vào phòng lãnh đạo trình ký.
Còn chị Nguyễn Thị Như An (tư pháp, hộ tịch) liên tục trả lời người dân về một số thủ tục hành chính. Kể cả trong lúc đi ngang qua hành lang trình ký giấy tờ, chị cũng phải nhiều lần dừng lại để giải thích cặn kẽ thắc mắc của người dân rồi mới có thể trở lại công việc.
Hơn 11 giờ 30 phút, dù đã hết giờ làm việc, người dân cũng về hết nhưng 4 nữ CBCC vẫn cặm cụi với công việc. Vừa sắp xếp lại núi hồ sơ trên bàn, chị Hiếu vừa nói: "Tôi tranh thủ giờ nghỉ trưa giải quyết cho hết phần việc sáng nay. 13 giờ bắt đầu làm việc lại rồi, nếu không giải quyết xong thì công việc bị dồn qua buổi chiều, lúc này sẽ vất vả hơn".
Cán bộ công chức phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân, TP HCM) làm không ngơi tay để bảo đảm trả kết quả cho người dân đúng quy định. Ảnh: ANH VŨ
Tại UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, mới 7 giờ ngày 7-7, CBCC gần như đã có mặt đông đủ. Sau 30 phút, cổng UBND phường vừa mở đã có 4-5 người dân đến lấy số thứ tự giải quyết thủ tục hành chính. Đến 8 giờ 30 phút, nơi đây đã kín chỗ, CBCC chạy ra chạy vào như con thoi để nhận, trả hồ sơ, giấy tờ.
Chị Phạm Thị Ngọc Dung - giải quyết hồ sơ sao y, chứng thực tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả - liên tục tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra đối chiếu bản gốc, nhập máy tính và trình ký. Trong buổi sáng, chị Dung tiếp nhận và giải quyết gần 100 hồ sơ, chưa kể các hồ sơ chưa thể giải quyết, cần tư vấn.
Theo chị Dung, trước khi thành phố giảm cán bộ không chuyên trách, công việc của chị chủ yếu là đóng dấu văn bản, việc tiếp nhận sao y, đối chiếu sao y, trình ký có 3 người khác phụ trách. "Giờ đây 1 người phải làm việc bằng 4 người, chưa kể còn đăng ký và cập nhật thông tin lên website" - chị Dung nói.
Ở Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Xóa đói giảm nghèo, Dân số gia đình và trẻ em, có 3 CBCC phụ trách, người dân liên tục ra vào hỏi chuyện, hồ sơ tràn ngập, chắn cả lối đi. Kế đó, Phòng Tài chính - Kế toán, chị Huỳnh Thị Thúy Hồng miệt mài gõ bàn phím; bên góc tường một kệ lớn hồ sơ dày cộm đã và chưa giải quyết, trên bàn cũng đầy ắp hồ sơ. "Phường có 27 khu phố nhưng cũng chỉ 1 người phụ trách, tôi phải làm đến 20 giờ mới bảo đảm tiến độ" - chị Hồng vừa nhấc tập hồ sơ vừa nói.
Tranh thủ "cày" đêm và cuối tuần
Hơn 19 giờ ngày 6-7, phóng viên quay lại trụ sở làm việc của UBND xã Vĩnh Lộc A. Dù đã hết giờ làm việc từ lâu, cơ quan này vẫn sáng đèn. Đi một vòng, chúng tôi thấy nhiều CBCC còn miệt mài bên đống hồ sơ trước mặt.
Chị Nguyễn Thị Như An cho biết ngoài thời gian trực tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả, chị còn phải xử lý vô số công việc khác. "Sau giờ tiếp dân, tôi phải làm báo cáo, đi xác minh tại các ấp. Có khi 1 tuần tôi phải đi xác minh 10 trường hợp. Vì nhân sự ít nên không có ai giải quyết công việc thay. Mỗi lần như vậy thì việc dồn lại, phải tranh thủ làm ngày, làm đêm cho xong. Hầu như ngày nào cũng 22-23 giờ tôi mới về, sớm lắm thì 19-20 giờ" - chị An bộc bạch.
Vừa cặm cụi làm, anh Bùi Bá Công Thanh (địa chính xây dựng) vừa trả lời chúng tôi lý do "chưa chịu về nhà". Theo anh Thanh, sau giờ hành chính, anh phải ngồi lại cơ quan giải quyết hồ sơ chuyên môn để kịp tiến độ công việc. "Ngoài ra, cuối tuần phải dành thời gian đi tuần tra địa bàn, tiếp dân hoặc giải quyết các công việc còn tồn đọng. Công việc bận rộn, việc chăm sóc, nuôi dạy con nhỏ phải giao lại cho vợ tôi và nhờ cha mẹ giúp đỡ thêm" - anh Thanh cho hay.
Tương tự, 19 giờ ngày 7-7, tại UBND phường Bình Hưng Hòa A, Phòng Tài chính - Kế toán do chị Huỳnh Thị Thúy Hồng đảm nhận và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội do chị Lý Thị Thanh Thúy phụ trách vẫn làm việc, trên bàn là tập hồ sơ dày cộm.
Từ chiều, quận Bình Tân đón cơn mưa nặng hạt, phường không có văn thư nên chị Thúy phải đem tập hồ sơ lên quận trình ký, sau đó ghé qua địa bàn để kiểm tra, về cơ quan đã hơn 17 giờ. Chưa kịp uống nước, chị lập tức tiếp dân để giải đáp thắc mắc, rồi mở máy tính, giải quyết công việc tồn đọng. Đưa mắt nhìn vào chồng hồ sơ còn chưa giải quyết, chị Thúy nói: "Một ngày làm việc của tôi bắt đầu lúc 6 giờ 30 phút và kết thúc sớm nhất cũng 20 giờ. Làm như thế này chứ ông xã ở nhà đợi cơm". Trước kia, vợ chồng chị Thúy đều là CBCC nhà nước. Sau này, khối lượng và áp lực công việc tăng, nhà có 2 con nhỏ, chồng chị phải nghỉ làm để có thời gian chăm sóc gia đình.
Góp thêm câu chuyện, ông Trần Bá Tấn (phụ trách văn hóa - xã hội phường Bình Hưng Hòa B) cũng cho biết 1 ngày làm việc của ông trung bình từ 10-12 giờ do phải kiêm nhiệm thêm công tác thanh niên, y tế. Nếu ngày làm không kịp phải tranh thủ đêm và cuối tuần.
Còn tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, sau vài lần đến đây, trưa thứ bảy (9-7), khi kết thúc công việc ngoài giờ ở trụ sở UBND phường, chị Trần Thị Mỹ Dung mới có thể trò chuyện với chúng tôi. Chị Dung cho biết phường có 9 khu phố, chia đều cho 3 CBCC địa chính. "Người ta nói "đặc sản" của Hiệp Bình Chánh là tình hình xây dựng luôn phức tạp, bởi nơi đây có 2 dự án "treo" lâu năm là ga Bình Triệu và công viên hồ điều tiết, trải rộng đến 4 khu phố. Vì vậy, hầu hết thời gian, chúng tôi phải đi kiểm tra địa bàn để bảo đảm quản lý trật tự xây dựng" - chị Dung bắt đầu câu chuyện.
Trừ sáng thứ hai đi họp giao ban, những ngày còn lại trong tuần, chị Dung đều đi địa bàn để kiểm tra, xử lý các công trình xây dựng… Đến 16 giờ, chị trở lại trụ sở UBND phường xử lý hồ sơ hành chính do bộ phận tiếp nhận chuyển giao, để bảo đảm trả kết quả cho người dân trong vòng 3 ngày. Mảng địa chính có rất nhiều việc như: cấp số nhà, liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác nhận vị trí nhà đất để mua bán, giải quyết tranh chấp khiếu nại… Xây dựng cũng là một phần trong công việc nhưng địa bàn phức tạp nên được chú trọng hàng đầu. "Ngoài chuyên môn, việc viết báo cáo tháng, quý, trả lời văn bản cho tòa án, nguồn gốc đất… chiếm rất nhiều thời gian" - chị Dung thông tin.
Công việc của bộ phận tư pháp - hộ tịch
Theo ông Trương Công Dũng (phường Bình Hưng Hòa A), trong một tuần làm việc, CBCC tư pháp - hộ tịch phải giải quyết các đầu việc: Phối hợp thi hành án (cưỡng chế, xác minh điều kiện thi hành án, vận động tự nguyện thi hành án...); phối hợp tòa án, phòng công chứng, thừa phát lại (định giá, niêm yết, tống đạt, thẩm định, kê biên...); quản lý đối tượng thi hành án ngoài xã hội (cải tạo không giam giữ, án treo); chứng thực, sao y; đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn; nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi; xác nhận tình trạng hôn nhân; cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch; chứng thực chữ ký, hợp đồng giao dịch...; các thủ tục liên thông (đăng ký khai sinh - cấp BHYT - đăng ký hộ khẩu...); xác nhận ủy quyền lĩnh lương hưu, BHXH; xác minh, xác nhận giảm trừ gia cảnh để miễn giảm thuế thu nhập cá nhân...; thực hiện nhiệm vụ khác do lãnh đạo phường phân công.
(Còn tiếp)
Nguồn: [Link nguồn]
Với 44.500 hồ sơ liên quan đến các thủ tục đất đai đã tiếp nhận, các phòng chức năng của TP Thủ Đức đang rơi vào tình trạng quá tải.