Quanh hai văn bản gây “bão” của Bộ VHTTDL
Trong vòng ba ngày, Bộ VHTTDL liên tiếp phát ra hai văn bản đối chọi nhau liên quan ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - người đến nay vẫn bày tỏ quan điểm “quyết không lùi bước” để bảo vệ Sơn Trà.
Ông Huỳnh Tấn Vinh tiếp tục giữ lập trường bảo vệ Sơn Trà đến cùng. Ảnh: Nguyên Khánh.
Nửa đêm 3/6, dư luận xôn xao về văn bản số 2383 do Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ký hôm 2/6. Đây là văn bản về phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh tại Tọa đàm “Phát triển Du lịch bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà” do Bộ VHTTDL, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hôm 30/5.
Tại tọa đàm, ông Vinh trình bày quan điểm cũng như kiến nghị về bản quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà, trong đó có đoạn ông cho rằng quy hoạch vi phạm một số điều luật như Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2014.
Cho rằng việc phát ngôn như trên là “chủ quan, thiếu cơ sở và làm cho dư luận hiểu sai vấn đề”, lãnh đạo Bộ đề nghị “Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng xem xét sự việc trên đồng thời có biện pháp xử lý; yêu cầu ông Huỳnh Tấn Vinh có văn bản giải trình, trả lời Bộ VHTTDL trước ngày 15/6 để Bộ báo cáo cấp có thẩm quyền”.
Ngay tại tọa đàm hôm 30/5, các vị chủ trì đưa ra tinh thần cầu thị muốn lắng nghe ý kiến xung quanh bản quy hoạch Sơn Trà, sau khi ông Vinh phát ngôn ông Nguyễn Văn Tuấn-Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch- lưu ý ông Vinh cân nhắc xem lại phát ngôn.
Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là văn bản của Bộ ngày 2/6 không đưa ra lập luận bác lại quan điểm của ông Huỳnh Tấn Vinh, cũng không có bất cứ lời nói lại cho rõ nào, thay vào đó là yêu cầu khá bất ngờ “xử lý” phát ngôn của ông Vinh.
Sáng 4/6, Văn phòng Bộ VHTTDL lại phát đi văn bản thu hồi văn bản 2383 vẫn do Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái chỉ đạo. Trong đó lãnh đạo Bộ thừa nhận văn bản hôm 2/6 “có một số nội dung chưa phù hợp dễ gây hiểu lầm. Bộ VHTTDL tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp khách quan và khoa học về vấn đề Quy hoạch Sơn Trà để đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn và phát triển”.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái cũng yêu cầu Tổng cục Du lịch làm rõ trách nhiệm quá trình tham mưu ban hành văn bản và báo cáo lãnh đạo Bộ trước ngày 05/6/2017. Bộ cũng nhận trách nhiệm về những sơ suất tại nội dung văn bản nêu trên.
Trước khi nhận được văn bản này, ông Huỳnh Tấn Vinh thẳng thắn: “Dù có bị trói tay bịt miệng, tôi vẫn nói: Bảo vệ báu vật Sơn Trà cho con cái chúng ta là lẽ phải nên tôi không lùi bước”. Sau đó ông Vinh cũng “dịu” lại khi nói rằng Bộ VHTTDL rút văn bản rồi và hiểu ra vấn đề.
“Mong rằng Bộ có những bước đi tiếp theo phù hợp để bảo vệ màu xanh cho Sơn Trà”, ông Vinh nói. Theo lộ trình, trong ba tháng sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ VHTTDL tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan ban ngành, chuyên gia về Sơn Trà để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
Ông Vinh là người quyết liệt bảo vệ quan điểm phải bảo tồn Sơn Trà như là lá phổi xanh của Đà Nẵng, là báu vật của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Ông lí luận: “Du khách đến với Việt Nam để làm gì nếu như rừng nguyên sinh, những sinh vật sống ở đó mất đi thay vào đó là những tòa nhà cao bê tông. Dù những tòa nhà đó có đẹp lung linh hiện đại, nhưng môi trường và hệ sinh thái đa dạng của bán đảo Sơn Trà mất đi thì điều đó không còn ý nghĩa. Khách du lịch tìm đến không phải vì những khối bê tông, họ tìm đến Việt Nam để thưởng thức khu rừng sinh thái đa dạng ấy”.
Ông còn cho rằng thành phố Đà Nẵng có thể thương thảo với các nhà đầu tư, nhất là ở khía cạnh tác động tới môi trường nghiêm trọng. Không riêng ông Vinh, một số chuyên gia nhấn mạnh xu thế du khách trả thêm tiền để tìm đến khách sạn thân thiện môi trường, du lịch phát triển bền vững.
Công ty CP Biển Tiên Sa khẳng định việc thi công các công trình ở bán đảo Sơn Trà đã được cơ quan chức năng cấp phép.