Quảng Nam- Quảng Ngãi: Dừng các cuộc họp để chống bão
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tỉnh Quảng Ngãi đã ban bố lệnh cấm tàu thuyền ra khơi từ 14 giờ ngày 12-9.
Trưa 12-9, Trung tâm Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Ngãi đã có công điện khẩn gửi các đơn vị chức năng liên quan trên địa bàn về tình hình đối phó với áp thấp nhiệt đới.
Ngư dân bãi ngang ven biển Quảng Ngãi đưa tàu thuyền lên bờ tránh áp thấp nhiệt đới
Theo công điện, để chủ động đối phó với diễn biển của áp thấp nhiệt đới và diễn biến mưa lũ, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân trên địa bàn, Ban chỉ huy PCTT&TKCN yêu cầu các sở ngành, quận, huyện khẩn trương tạm dừng tất cả các cuộc họp chưa cần thiết, tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và diễn biến mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Tuyệt đối nghiêm cấm tất cả các tàu thuyền xuất bến ra biển, kể cả tuyến vận tải hành khách Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại kể từ 14 giờ ngày 12-9 cho đến khi có thông tin cuối cùng về áp thấp nhiệt đới.
Yêu cầu 343 tàu thuyền/2.293 lao động đang hoạt động trên các vùng biển tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương vào bờ trước 15 giờ ngày 12-9. Tăng cường theo dõi, kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở núi, sạt lở bờ sông, bờ biển… chẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để chủ động triển khai các biện pháp di dời, sơ tán dân, tổ chức thu hoạch lúa vụ hè thu, bố trí lực lượng trức canh tại các khu vực nguy hiểm.
Ngư dân huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đưa tàu thuyền lên bờ tránh áp thấp nhiệt đới
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 10 giờ ngày 12-9, tổng số tàu thuyền đang hoạt động trên biển1.182 tàu cá/9.982 ngư dân. Trong đó, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có 79 phương tiện/821 lao động, vùng biển Trường Sa có 190 phương tiện/3.251 lao động, vùng biển phía Bắc có 399 phương tiện/2.557 lao động, vùng biển phía Nam có 171 phương tiện/1.060 lao động, vùng biển Quảng Ngãi 343 phương tiện/2.293 lao động. Trong số các vùng biển, vùng nguy hiểm được xác định là các tàu thuyền đang hoạt động ở vùng biển tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi cho biết do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tại tỉnh Quảng Ngãi từ đêm 11-9 và rạng sáng 12-9 đã có mưa vừa đến mưa rất to. Dự báo trong chiều và tối 12-9 sẽ có mưa vừa đến mưa to tiếp tục xuất hiện ở Quảng Ngãi, đề phòng mực nước ở các sông có khả năng lên cao.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã ban hành công điện gửi các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP trên địa bàn chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố huy động tất cả mọi lực lượng, phương tiện và mọi biện pháp để chủ động ứng phó; phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang và các đơn vị liên quan trên địa bàn chỉ đạo thực hiện khẩn trương, đồng bộ các biện pháp phòng chống. Chỉ đạo khẩn trương tổ chức các biện pháp thu hoạch lúa vụ Hè Thu theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”.
Người dân ở tỉnh Quảng Nam đội mưa thu hoạch sắn
Yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nghiêm cấm tất cả các tàu, thuyền của tỉnh ra khơi, thường xuyên thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của áp thấp nhiệt đới, bão để chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn, không đi vào phạm vi ảnh hưởng hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan đơn vị chằng chống nhà cửa, bảo vệ cơ sở vật chất, giúp đỡ người dân phòng chống mưa bão. Lực lượng công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải triển khai lực lượng tại các vị trí ngập sâu trên tuyến Quốc lộ 1A và các tuyến giao thông huyết mạch để hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến… Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các trường ĐH, CĐ chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học cho đến khi bão tan. Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố…
Đồng thời, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các ngành, địa phương, đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục; thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo dõi, chỉ đạo…
Theo ghi nhận của phóng viên, từ đêm 11 đến trưa ngày 12-9, tại tỉnh Quảng Nam có mưa lớn liên tục và xảy ra trên diện rộng. Lo ngại tình hình mưa lũ, người dân ở ven biển đã tập trung lực lượng di chuyển tàu thuyền, ngư lưới cụ lên bờ. Do trời mưa lớn, nhiều diện tích hoa màu của người dân bị ngập trong nước.
Trong sáng 12-9, người dân tỉnh Quảng Nam phải đội mưa thu hoạch nông sản. Tại nhiều cánh đồng trồng sắn ở xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, chúng tôi ghi nhận sự hối hả của nông dân nhổ sắn, chở sắn về nhà. Nhiều nông dân cho biết họ phải nhổ gấp dù sắn chưa đến kỳ thu hoạch bởi sợ mưa lớn gây ngập, khiến sắn bị hư hỏng.
Theo bản tin lúc 11 giờ của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hồi 10 giờ ngày 12-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,0 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam-Phú Yên khoảng 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 8-9. Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 22 giờ ngày 12-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Nam - Bình Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10. Đường đi và vị trí cơn bão Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10; biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 10 giờ ngày 13-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10; biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi từ đêm nay có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9-10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Ngoài ra, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận-Cà Mau có mưa dông và gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, sóng biển cao từ 2-3m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1. Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hường di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên từ hôm nay (12-9) đến ngày 14-9 có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa, khu vực Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông kèm gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1. |