“Quan” tỉnh xây biệt thự không phép

Sự kiện: Thời sự

Theo điều tra của phóng viên Báo Người Lao Động, tại Đắk Lắk và Đồng Nai, nhiều cán bộ tỉnh thoải mái xây biệt thự trên đất nông nghiệp nhưng không bị xử lý

Từ nhiều nguồn tin, phóng viên Báo Người Lao Động đã tìm hiểu và phát hiện biệt thự xây dựng không phép của ông Nguyễn Văn Đấu, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai.

Công trình hoành tráng trên đất nông nghiệp

Biệt thự của ông Nguyễn Văn Đấu rộng 2.000 m2 tại ấp Trần Hưng Đạo, xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Bên trong gồm một ngôi nhà chính khá đẹp mắt, bên phải và phía sau là nhà nghỉ mát được làm kiên cố bằng xi măng và gỗ. Xung quanh là vườn cây, diện tích sân khá rộng và có cả các cột đèn cao áp chiếu sáng. Bao quanh biệt thự là tường cao 2 m, chắn tầm mắt từ bên ngoài nhìn vào.

Theo tài liệu phóng viên có được, ông Đấu mua 2 thửa đất trên đã lâu và xây các công trình bên trong vào năm 2015. Người dân nơi đây cho biết khu vực này là đất quy hoạch nông nghiệp, không ai được xây dựng nhà ở và các công trình kiên cố. “Chẳng hiểu sao cán bộ tỉnh lại có thể xây biệt thự được, còn chúng tôi xây nhà thì bị xử lý ngay” - một người dân thắc mắc.

“Quan” tỉnh xây biệt thự không phép - 1

Khu biệt thự 2.000 m2 của ông Nguyễn Văn Đấu, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai Ảnh: XUÂN HOÀNG

Theo hồ sơ của cơ quan liên quan thuộc UBND huyện Thống Nhất, khu biệt thự của ông Nguyễn Văn Đấu nằm trên 2 thửa đất do ông Đấu đứng tên: thửa 15 tờ 34 và thửa 71 tờ 34 thuộc sơ đồ đất xã Xuân Thạnh. Theo ông Hà Tấn Hải, cán bộ địa chính xã Xuân Thạnh, năm 2015, ông Đấu có đến UBND xã đề nghị làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do khu đất nằm trong khu quy hoạch nông nghiệp nên không thể chuyển đổi. Sau đó, xã nghe thông tin trên đất của ông Đấu có xây một số công trình kiên cố nhưng vì nhiều lý do, đến nay xã vẫn chưa thể kiểm tra.

Ông Phạm Hà Đông - Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch UBND xã Xuân Thạnh - thừa nhận chính quyền xã có nắm được thông tin về những công trình có dấu hiệu vi phạm trên đất của ông Đấu. UBND xã đang xin ý kiến cấp trên để xác minh, làm rõ.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên vào chiều 3-4, ông Đấu phân trần: “Thằng rể của anh nó làm, đừng có nêu tên anh. Thời gian, hoàn cảnh nó thay đổi, xung quanh có ai xây nhà có giấy đâu, tại sao lại không bảo vệ cán bộ…”.

Biết trái phép nhưng... để đó

Trở lại vụ xây biệt thự trái phép của ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, đến nay các cơ quan chức năng tỉnh này vẫn chưa có biện pháp xử lý rốt ráo. Biệt thự này xây 2 tầng vào năm 2012, rộng hơn 170 m2, bên cạnh có cả hồ bơi, hồ nuôi cá...

Ông Phạm Tân - Chủ tịch UBND phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nơi ông Kỷ xây biệt thự - cho rằng đang chờ chỉ đạo của cấp trên. Trước đó, UBND phường đã ra quyết định buộc gia đình ông Kỷ phải tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép nhưng không được thực hiện. UBND phường đã báo cáo vụ việc lên UBND TP và UBND TP cũng phải xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh.

Theo ông Tân, khu vực gần nhà ông Kỷ có nhiều nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Trong đó có nhà của bố một cán bộ biên phòng và nhà của ông Xuân, nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk. Căn nhà này rộng khoảng 120 m2, xây từ năm 1996.

Tiếp xúc với phóng viên, một người tự giới thiệu nguyên là cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết căn nhà của ông rộng 200 m2, xây dựng từ năm 2006. Khu vực gần nhà ông có nhiều nhà của cán bộ, công chức chủ yếu làm trong trại tạm giam. “Khu vực này là đất nông nghiệp nhưng nếu chính quyền cấm thì phải thực hiện lúc người dân xây dựng, chứ không phải để họ sống ổn định nhiều năm rồi mới cưỡng chế” - người này nói.

“Hiện chúng tôi đang tiến hành rà soát toàn bộ khu vực để báo cáo UBND TP xin ý kiến chỉ đạo. Phía đối diện nhà ông Kỷ đã quy hoạch đất ở, nếu không thực hiện cưỡng chế nhà ông Kỷ thì phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ về mục đích sử dụng đất” - ông Tân cho biết.

Đường đẹp đi qua nhà

Theo ghi nhận của phóng viên, đi qua trước mặt khu biệt thự của ông Nguyễn Văn Đấu là con đường thuộc diện xã hội hóa giao thông nông thôn (nhà nước chi 80%, người dân góp 20% kinh phí) “đấu nối” ngay cổng nhà. Khu vực này nhà rất thưa thớt nhưng đoạn đường vòng xây dựng khá lớn, khoảng gấp 3 lần quy chuẩn về đường bê-tông nông thôn. Đoạn đường dài 1 km, có 7-8 hộ dân sinh sống, trồng trọt. Trong khi đó, đoạn đường đi qua nhiều nhà dân hơn, cắt bên cạnh khu đất nhà ông Đấu, dài chỉ 500 m nhưng rất lầy lội, người dân đi lại khổ sở đã đề xuất xây dựng nhiều lần nhưng vẫn chưa được chính quyền địa phương chấp thuận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Hoàng - Cao Nguyên (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN