Quận Tây Hồ nói gì về việc xử lý nước thải hồ Tây
Để tránh ô nhiễm cho Hồ Tây, từ năm 2010 UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trạm thu gom, xử lý nước thải hồ Tây với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay, xung quanh bờ hồ Tây vẫn còn hàng chục miệng cống, xả nước thải trực tiếp xuống hồ.
Cống xả thải có đường kính trên dưới 1 mét trên phố Thụy Khuê hàng ngày đang xả thải trực tiếp ra hồ Tây. Ảnh: Anh Trọng.
Với tổng số kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng, năm 2010 UBND thành phố Hà Nội phê duyệt và giao cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền và Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Môi trường SFC Việt Nam làm chủ đầu tư dự án xây dựng trạm xử lý nước thải hồ Tây. Dự án được chia làm hai giai đoạn và đầu tư theo hình thức BT.
Cụ thể, trong giai đoạn 1 (triển khai từ năm 2010 đến 2012) với tổng kinh phí đầu tư hơn trên 600 tỷ đồng, nhà đầu tư triển khai các hạng mục: Xây trạm xử lý nước thải tại phường Nhật Tân với công suất 15.000m3/ngày đêm. Với công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học hiếu khí bùn hoạt tính tuần hoàn, sau khi đi vào hoạt động nhà máy có nhiệm vụ bảo vệ, cải thiện môi trường, không gây ô nhiễm cho nước hồ Tây.
Đến tháng 4/2015, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt bổ sung thêm 312 tỷ đồng cho dự án xây dựng trạm xử lý nước thải hồ Tây (giai đoạn 2). Theo đó, với tiến độ xây dựng từ quý 1 đến quý 3/2015, nhà đầu tư thực hiện các hạng mục mở rộng hệ thống thu gom nước thải, xây dựng các tuyến cống, trạm bơm thu gom nước thải từ các lưu vực thuộc phạm vi thu gom nước thải của dự án và khu vực phía Tây Nam và một phần phía Nam thuộc lưu vực Hồ Tây (có diện tích khoảng 154,5ha) và nước thải từ một số cống thoát nước hiện có đang xả trực tiếp ra hồ Tây. Một số khu vực khác của hồ Tây còn lại sẽ thuộc dự án Hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây đảm nhiệm.
Nhiều cống ngầm đang xả thải trực tiếp ra hồ Tây. Ảnh: Anh Trọng.
Xong dự án tiền tỷ, nước thải vẫn tuồn ra hồ
Tuy nhiên, khảo sát xung quanh bờ hồ Tây những ngày qua, PV Tiền Phong những ghi nhận, vẫn còn hàng chục ống cống xả nước thải trực tiếp ra hồ Tây. Trong đó, cống xả tại khu vực số 2 – 4 phố Thuỵ Khuê có đường kính rộng trên 1 mét, và khu vực số 8 đến số 10 có 3 cống đường kính khoảng 50cm đang xả nước thải đen ngòm ra hồ Tây.
Ông Đỗ Hùng Vương, Phó trưởng ban quản lý hồ Tây cũng cho biết, trong các cống đang xả nước thải xuống hồ Tây, hiện có các ống tại khu vực đường Thuỵ Khuê và Nguyễn Đình Thi là lớn nhất. “Riêng ống tại số 2 và 4 phố Thuỵ Khuê tồn tại từ thời thuộc Pháp đang thu gom nước thải từ khu vực Ba Đình xả thẳng ra hồ Tây”, ông Vương nói.
Về tiến độ và hiệu quả dự án xây dựng trạm xử lý nước thải hồ Tây, trao đổi với PV Tiền Phong hôm nay (10/10), lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết, hiện đã cơ bản xong và đang chờ các Sở ngành liên quan của thành phố nghiệm thu, đánh giá hiệu quả của dự án.
Với tình trạng cá chết vẫn tồn tại trên hồ, đại diện lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho rằng, cá chết trên hồ Tây cơ bản không còn, nhưng hiện mặt hồ vẫn có cá nổi lên đó là do một lượng ít cá chết trước đó bị chìm, nay mới nổi lên.
Hiện quận vẫn đang chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai công tác thu gom, vớt cá chết để đảm bảo vệ sinh môi trường.