Quan tài diễu phố: Gia đình nạn nhân không muốn tử hình bị cáo
Sáng nay 6/9, chị gái của nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh, đại diện gia đình bị hại, nêu rõ không muốn "đẩy các bị cáo vào con đường cùng bị tử hình" vì "không muốn 6 gia đình khác bị đau đớn nữa" song yêu cầu các bị cáo phải có hình thức bồi thường để khắc phục hậu quả tối đa.
Sáng nay 6-9, phiên tòa TAND tỉnh Vĩnh Phúc xét xử sơ thẩm vụ án mạng tại Quán Tiên (phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) xảy ra vào đêm 14, rạng sáng 15-3-2013 bước sang ngày thứ 2. Hôm nay, thời tiết mát mẻ, không mưa nên người dân kéo đến tòa án theo dõi vụ án đông gần gấp đôi ngày mở đầu phiên xét xử. Nhiều người muốn trực tiếp được lắng nghe tòa tuyên án đối với các bị cáo.
Chị Nguyễn Minh Thương - vợ nạn nhân Tuấn Anh - yêu cầu HĐXX xử đúng người, đúng tội
Sáng sớm nay, sau khi dẫn giải các bị cáo vào tòa, bà Nguyễn Thị Hải (mẹ của nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh) đã bị ngất. Vì thế, đại diện gia đình một lần nữa xin Hội đồng xét xử (HĐXX) được hoãn tòa. Yêu cầu này một lần nữa bị HĐXX bác bỏ vì không đủ điều kiện để hoãn tòa.
Buổi sáng, HĐXX tiếp tục xét hỏi các bị cáo, nhấn mạnh về nhận thức của các bị cáo về hành vi của mình. Hầu hết các bị cáo đều tỏ ra ăn năn, hối hận cho hành động bộc phát của mình. Bị cáo Hiệp cũng nhận đã sai lầm khi không tố cáo sớm hành vi phạm tội của các bị cáo khác, làm cản trở điều tra của cơ quan công an.
Hàng trăm người dân chen chúc theo dõi phiên toà ngoài hàng lang
Thậm chí, bị cáo Phùng Mạnh Tuấn còn “khoe” mình từng nhận được bằng khen của chủ tịnh tỉnh về việc xung phong đi làm nghĩa vụ quân sự.
HĐXX cũng yêu cầu các bị cáo nêu ý kiến về việc bồi thường dân sự. Các bị cáo đều muốn được bồi thường vì muốn giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Vị chủ tọa đề nghị gia đình bị hại nêu mong muốn gia đình. Đại diện cho gia đình bị hại cho biết, gia đình cũng không muốn các bị cáo bị tử hình hay chung thân vì gia đình bị đã trải qua nỗi đau mất người thân nên cũng không muốn chứng kiến cảnh tượng tương tự với như gia đình các bị cáo.
Chị Nguyễn Thu Thuỷ (chị gái anh Tuấn Anh) - thay mặt cho bà Nguyễn Thị Hải - đại diện hợp pháp của gia đình - nói: “Gia đình tôi không muốn đẩy các bị cáo vào con đường cùng, bị tử hình vì gia đình tôi cũng đã khổ rồi, tôi không muốn 6 gia đình khác bị đau đớn, khổ cực nữa. Tôi chỉ muốn gia đình các bị cáo phải có hình thức bồi thường để khắc phục hậu quả tối đa cho gia đình tôi. Vì cả gia đình tôi trông chờ vào em tôi. Giờ em tôi mất rồi, khổ thân 2 đứa cháu tôi…”
Các bị cáo cúi gằm mặt khi nghe người nhà nạn nhân nói
Chị này tiếp lời: “Em tôi còn sống thì phải nuôi bà nội tôi, mẹ tôi và các con. Khoản tiền gia đình tôi phải bỏ ra từ ngày em tôi mất là không ít nên gia đình tôi đề nghị theo như đơn, bồi thường hơn 221 triệu chi phí tìm kiếm và mai táng. Ngoài ra đề nghị bồi thường tổn thất tinh thần. Đề nghị xem xét hưởng tiền 1 lần chứ không phải đươc nhận tiền hàng tháng để tránh việc đau lòng khi tháng nào cũng phải nhớ đến”.
Sau ý kiến này, HĐXX rất trân trọng lời nói của đại diện gia đình người bị hại, cho rằng đây là bài học cho các bị cáo và những người khác phải suy ngẫm.
Luật sư Lê Thị Oanh được HĐXX mời thay mặt cho gia đình đưa ra yêu cầu bồi thường dân sự cho biết gia đình mong muốn làm sáng tỏ vụ án. Để có thể quyết định hình phạt với các bị cáo, gia đình đã có đơn yêu cầu điều tra bổ sung với vụ án. Khi vụ việc đã sáng tỏ thì mới đề cập vấn đề dân sự.
Luật sư Oanh cũng đề nghị HĐXX căn cứ theo quy định pháp luật, đảm bảo mọi mặt về vật chất và tinh thần cho gia đình bị cáo. “Gia đình cũng đồng ý quan điểm bà Hải, mở lòng cho các bị cáo và các bị cáo phải giúp đỡ để xét xử đúng người, đúng tội” - Luật sư Oanh nói.
Phóng viên báo Người Lao Động Online đang có mặt tại Vĩnh Phúc tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa.