Quần soóc đi làm - có đứng đắn không?
“Đứng đắn, lịch sự... đôi khi không phải ở quần áo mà hình thành từ phong cách của từng người”.
Đó là ý kiến của Nhà thiết kế Đức Hùng, sau khi khampha.vn đăng tải loạt bài “mặc quần soóc đi làm”.
Là nhà thiết kế thời trang, ông nghĩ sao về đề xuất mặc quần soóc đi làm của ĐBQH Dương Trung Quốc?
Tôi không bất ngờ với đề xuất này! Có thể, tôi là người làm nghệ thuật và văn hóa nên nhìn vấn đề có phần thoáng. Cá nhân tôi ủng hộ chuyện mặc quầm soóc đi làm.
Ông đã bao giờ mặc quần soóc đi làm hay đến công sở chưa?
Tôi từng mặc quần soóc đi dự những cuộc họp chính thức. Ví dụ như đi đấu thầu hợp đồng về nghệ thuật và may mặc.
Tuy nhiên, việc đầu tiên khi xuất hiện, tôi có kèm theo lời xin lỗi, bởi người Việt Nam chưa quen với quần soóc ở nơi trịnh trọng như vậy. Tất nhiên lời xin lỗi mang tính chất văn minh, không vì có lỗi.
Ông có để ý khi mặc quần soóc đến cuộc họp như vậy, người xung quanh có thái độ thế nào?
Tôi nghĩ, mọi người thoải mái thôi. Có thể, tôi là nghệ sỹ nên đôi khi người ta dễ chấp nhận được tính nghệ sỹ của mình.
Nhà thiết kế Đức Hùng: "Tôi từng mặc quần soóc đi dự những cuộc họp chính thức"
Chiếc quần soóc trước đây được sử dụng khá phổ biến trong công sở, Bác Hồ cũng đã từng sử dụng khi tiếp khách quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay ít ai mặc quần soóc đi làm. Ông nghĩ sao về sự thay đổi này?
Theo tôi biết, mặc soóc là trào lưu văn hóa Châu Âu. Ở nước ta, thời Pháp thuộc sử dụng phổ biến.
Quần soóc công sở sau này biến mất, điều đó cũng là trào lưu của thời trang. Bản chất của thời trang, sản phẩm sáng tạo chỉ có bắt đầu chứ không có kết thúc. Chuyện thanh lọc và trôi theo dòng chảy xu hướng là điều tất yếu.
Tại sao quần soóc mất đi? Bởi có thể lúc đó, một xu hướng mới nổi lên làm người ta quên lãng đi chiếc quần soóc. Tuy nhiên, nếu quần soóc thu hút giới mộ điệu thời trang, một ngày nào đó sẽ sống lại.
Ví dụ, một sản phẩm thời trang thành xu hướng, khi đó, sản phẩm ấy tràn ngập thị trường. Có thể bản thân người ta không thích thú sản phẩm ấy nhưng vẫn phải dùng.
Có quan niệm mặc quần soóc là không đứng đắn, ông nghĩ sao về điều này?
Tôi không nghĩ thế! Đứng đắn, văn minh đôi khi không ở quần áo. Cũng không có nghĩa mặc quần soóc đi làm mất lịch sự. Lịch sự hình thành từ phong cách của từng người chứ không phải ở bộ trang phục.
Tôi thấy nhiều người có suy nghĩ cũng lạ, coi áo sơ mi có cổ mới lịch sự. Tôi chẳng hiểu tại sao đi lấy cái cổ áo ra để chứng minh lịch sự.
Tuy nhiên sử dụng quần soóc đi làm phải khác với quần soóc mặc đi chơi. Cụ thể, các chi tiết ở trong đó tạo ra được sự lịch lãm. Thậm chí, quần soóc thiết kế theo phong cách cổ điển, mặc cùng những đồ sơ mi và đồ vest... có thể khẳng định, bộ đồ đó lịch sự.
Tuy nhiên, quần soóc cũng không nên xuất hiện ở lễ tang, lễ cưới và ở những thời khắc trọng đại.
Theo NTK Đức Hùng, các chi tiết ở quần soóc đi làm phải được sự lịch lãm (Ảnh minh họa)
Theo ông bộ quần soóc đi làm theo kiểu dáng nào để khác với đồ đi chơi?
Quần soóc đi làm dáng ôm suông, túi hông chéo và hai túi hậu theo phong cách như quần của comple. Chắc chắn phải có dây lưng, đi giầy, chân đi tất hè; mặc với áo sơ mi và bên ngoài có thể có áo gile.
Thưa ông, có ý kiến lo ngại mặc quần soóc đi làm dễ để lộ những khuyết điểm cơ thể, khiến người lao động thiếu tự tin khi làm việc?
Đúng là mặc quần soóc dễ bị lộ nhược điểm của cơ thể, cho nên cần am hiểu thời trang, có gu thời trang nhất định, thích tự làm đẹp bản thân...
Nhìn chung người Hàn Quốc, Nhật Bản... họ đẹp, tinh tươm và sạch sẽ. Bởi họ yêu bản thân, hình thể và biết tự làm đẹp.
Chiếc quần soóc cũng vậy, quần soóc có đẹp đến mấy mà chủ nhân lôi thôi mặc vào vẫn thấy xấu. Do vậy, cần có ý thức về hình ảnh bản thân.
Vì sao các nhà thiết kế ít có các cuộc trình diễn về quần ống ngắn?
Có chứ! Tôi thấy trên thế giới có khá nhiều. Sắp tới, tôi sẽ ra bộ sưu tập áo vest đi với quần soóc dành cho tất cả các đối tượng. Mặc quần soóc với vest hoặc sơ mi cộc tay, tôi nghĩ sẽ cực kỳ văn minh và đẹp.
Ông có tin rằng chiếc quần soóc sẽ trở lại công sở sau nhiều năm vắng bóng?
Trang phục không thể gượng ép, tuy nhiên, cũng cần có người tiên phong cho sự sống của nó. Có thể xuất phát từ người có chuyên môn, cá tính trong công việc và thời trang.
Ví dụ như ĐB Quốc hội Dương Trung Quốc thích mặc quần soóc, bản thân ông ấy là người cá tính, thích sự khác biệt và muốn bảo vệ việc mặc soóc là đúng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Có rất nhiều ý kiến khác nhau của giới công chức bàn xung quanh vấn đề có nên khuyến khích mặc quần soóc nơi công sở hay không. Đón đọc kỳ tiếp theo Dân công sở nói gì về quần soóc? vào 10h00 ngày 25/8 |