Quản lý giá xăng: Hãy bỏ kiểu xin-cho

Sự kiện: Giá xăng

Giá xăng dầu ở nước ta thời gian qua tăng nhiều hơn giảm, bất hợp lý và gây nhiều hệ lụy. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế quản lý, điều hành tồn tại khá nhiều lỗ hổng, phải sớm sửa đổi cho phù hợp.

Nhà nước giao quyền cho doanh nghiệp tự định giá bán xăng dầu nhưng doanh nghiệp phải chờ cơ quan quản lý gật đầu thì mới được điều chỉnh giá bán lẻ. Đây là kiểu xin - cho, rất khó tránh nảy sinh tiêu cực.

Xăng dầu là vật tư thiết yếu, mang tính chiến lược đối với sự phát triển của đất nước, là yếu tố đầu vào của nhiều hoạt động sản xuất và tiêu dùng xã hội nên sự điều chỉnh giá xăng dầu có ảnh hưởng tới chi phí sản xuất của hầu hết các ngành và hoạt động kinh tế, làm tăng giá hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ, từ đó làm cho mặt bằng giá tăng, lạm phát tăng.

Chính sách đã bị lợi dụng

Cơ chế quản lý, điều hành giá xăng dầu hiện nay đang thực hiện theo Nghị định 84/NĐ-CP. Căn cứ theo nghị định này, định giá xăng dầu sẽ được chia thành 3 bước. Thực tế, trên thị trường kinh doanh xăng dầu hiện nay chưa có sự cạnh tranh thực sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp (DN) đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu. Điều này được thể hiện ở chỗ thị phần chiếm lĩnh thị trường; lợi thế hạ tầng kỹ thuật; năng lực về cầu cảng và kho chứa; mạng lưới phân  phối; vốn… của các DN kinh doanh xăng dầu có sự chênh lệch lớn.

Theo Bộ Công Thương, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) hiện chiếm trên 20%, Saigon Petro chiếm 8%, còn Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chiếm gần 60% thị trường xăng dầu cả nước. Như vậy, kinh doanh xăng dầu vẫn còn trong tình trạng độc quyền, chưa có một thị trường cạnh tranh thực sự. Với một thị trường còn mang tính độc quyền, Nhà nước để cho DN tự quyết định giá trong biên độ giá đầu vào tăng từ 0%-7%, dù là biên độ nhỏ, là trái với cơ chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường.

Quản lý giá xăng: Hãy bỏ kiểu xin-cho - 1

Người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng vào cách định giá xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối

Tại Pháp lệnh Giá 2002 có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2012 và trong Luật Giá vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 đã chỉ rõ: Trên thị trường có 2 chủ thể định giá: Nhà nước và DN. Đối với những sản phẩm trên thị trường cạnh tranh thì giá do DN tự quyết định; còn đối với sản phẩm trên thị trường độc quyền, giá do Nhà nước quyết định. Như vậy, một số cơ quan hành pháp hữu quan đã không thực thi đúng những điều mà luật pháp đã quy định, dẫn đến việc điều hành giá xăng dầu lủng củng, gây bức xúc trong dư luận và những hệ lụy cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Lợi dụng vị thế độc quyền và trong biên độ cho phép, DN xăng dầu đã tự quyết định giá, có thể xé nhỏ biên độ trong thời gian quy định để tăng giá mỗi khi giá thế giới tăng. Điều này đã được thực tế chứng minh: Khi giá xăng dầu thế giới bắt đầu tăng, DN luôn kêu lỗ và đòi tăng giá với mức cao. Nhưng khi giá xăng dầu thế giới giảm, đặc biệt giảm rất sâu, các DN kinh doanh xăng dầu chưa bao giờ chủ động giảm giá; chỉ trước sức ép của công luận và cơ quan quản lý, các DN mới chịu giảm nhưng mức giảm rất thấp, nhỏ giọt.

Thực trạng này đã gây thiệt hại cho các DN khác và người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh cộng đồng DN gặp rất nhiều khó khăn bởi chi phí cao, hàng tồn kho lớn, thu nhập người lao động không tăng kịp sự biến động của giá cả, sức mua suy kiệt... Hậu quả là làm cho chi phí đầu vào của các DN trong toàn xã hội tăng lên, giá thành sẽ tăng và lạm phát sẽ quay trở lại.

Quản lý nửa vời        

Cơ chế quản lý giá hiện nay còn nửa vời, cụ thể là Nhà nước tham gia một phần trong quản lý giá, giao quyền cho DN định giá trong biên độ từ 0%-7% nhưng vẫn phải yêu cầu DN báo cáo và chờ quyết định của cơ quan quản lý mới được điều chỉnh giá bán lẻ trong nước. Đây là kiểu xin - cho.

Mà xin - cho thì rất khó tránh nảy sinh tiêu cực! Cơ chế điều hành như vậy không thể theo kịp diễn biến của giá thế giới, buộc các DN phải găm hàng, chờ thời điểm giá tăng mới bán. Thực tế thời gian qua cho thấy DN đã tìm trăm phương ngàn kế trì hoãn để chờ giá lên. Thông thường, các DN phải đẩy mạnh bán ra để thu lợi nhuận, vậy tại sao DN kinh doanh xăng dầu lại găm hàng? Đây là lỗi trong cơ chế quản lý giá.

Điều hành giá xăng dầu trong điều kiện phải nhập khẩu khoảng 70% và giá xăng dầu thế giới luôn biến động phức tạp thì trong từng thời kỳ, cơ quan quản lý cần phải biết điều tiết linh hoạt, kịp thời các khoản thuế, phí, những khoản phải nộp khác… để giảm áp lực tăng giá bán, kiềm chế lạm phát, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, khoan sức dân.

Bởi lẽ trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, những khoản trên chiếm tỉ lệ tương đối lớn. Chưa bao giờ giá xăng trong nước lại tăng đến 23.600 đồng/lít như hiện nay nhưng Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính giải thích lý do chưa giảm thuế nhập khẩu hiện hành (12%) là vì còn thấp hơn so với barem thuế 20% (?!). Kiểu lý giải này là cứng nhắc, chưa linh hoạt, thiếu nhạy bén với tình hình khó khăn của DN và người tiêu dùng.

Vì sao chưa giảm thuế?

Thực tế, đầu năm nay, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, mức thuế nhập khẩu bằng 0%; còn hiện nay, cộng đồng DN đang điêu đứng, sức mua của người tiêu dùng cạn kiệt, tại sao Nhà nước không thể giảm vài phần trăm thuế suất nhập khẩu để giữ giá xăng dầu, qua đó tháo gỡ bớt khó khăn cho DN và khoan sức dân. Muốn có nguồn thu, phải tạo ra nguồn thu và nuôi dưỡng nguồn thu. Trong những thời điểm cần thiết, việc nhạy bén, linh hoạt trong điều chỉnh thuế, phí và giá là một trong những nội dung quan trong trong điều hành giá xăng dầu.

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu độc quyền được tự quyết định giá thì không bao giờ biết chia sẻ lợi ích mà luôn định giá cao để có lợi nhuận tối đa, thu vén lợi ích về cho mình.

PGS-TS NGÔ TRÍ LONG (Nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học giá cả - Bộ Tài chính)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Người Lao Động
Giá xăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN