Quản lý giá xăng dầu gây bất bình
“Qua nhiều lần tăng giá cho thấy các doanh nghiệp đồng loạt tăng giống nhau cả về thời điểm và mức tăng. Đây là điều bất thường”.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) đưa ra nhận định trên tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội của Quốc hội, ngày 30/10. Bà Nga nêu ra hàng loạt bất cập: “Thực tế hiếm có một lĩnh vực nào mà tất cả các bên liên quan đều có rất nhiều bức xúc, người tiêu dùng bất bình vì giá tăng nhanh giảm chậm, chất lượng kém. Doanh nghiệp, đại lý kêu lỗ, quản lý nhà nước lúng túng, ngân sách thất thu”.
Trước thực trạng hành lang pháp lý cho kinh doanh xăng, dầu rất yếu và thiếu, đại biểu Nga đề nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành luật hoặc pháp lệnh về kinh doanh xăng, dầu nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các bên, đặc biệt là ràng buộc trách nhiệm của Quốc hội trong giám sát thi hành để bảo vệ tốt hơn quyền của người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp đồng loạt tăng giá cùng một thời điểm và mức tăng (Ảnh minh họa)
“Qua nhiều lần tăng giá cho thấy các doanh nghiệp đồng loạt tăng giống nhau cả về thời điểm và mức tăng. Đây là điều bất thường. Có nhiều dấu hiệu nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường đã vi phạm Luật Cạnh tranh về cấm thỏa thuận ấn định giá làm hạn chế cạnh tranh” nữ đại biểu nói.
Theo đại biểu Lê Thị Nga, đáng lẽ người tiêu dùng là đối tượng để các doanh nghiệp đầu mối chăm sóc cạnh tranh thì ngược lại đại lý bán lẻ mới là đối tượng giành nhau giữa các doanh nghiệp. Nếu bắt tay nhau để thống nhất giá thì các doanh nghiệp và đại lý đều có lợi, họ chẳng dại gì cạnh tranh giảm giá cho dân để giảm lợi của chính mình. Vì vậy, khi giá thế giới giảm, doanh nghiệp luôn trì hoãn giảm giá bán lẻ nhưng lại chạy đua tăng chiết khấu để lôi kéo đại lý.
Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét lại thẩm quyền điều chỉnh giá của doanh nghiệp trong điều kiện còn chưa giám sát tốt nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Trước truy vấn của nữ đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định cho đến giờ phút này, tất cả mọi công việc đều thực hiện theo quy trình. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận việc để Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương thì cũng có câu chuyện vừa đá bóng vừa thổi còi. “Chúng tôi cũng đã tiếp tục kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét để có thể tới đây tách Cục Quản lý cạnh tranh ra khỏi Bộ Công thương và nó chỉ nằm trực thuộc Hội đồng cạnh tranh” Bộ trưởng Hoàng cho biết.