Quặn lòng xóm “Lương Sơn Bạc” ngày giáp Tết

Sở dĩ người ta gọi xóm chạy thận với cái tên nghe có vẻ rất hảo hán là xóm "Lương Sơn Bạc" bởi nơi đây có đến hàng chục người không thân quen nhưng vì hoàn cảnh buộc phải quy tụ cùng nhau bên một xóm nhỏ để chống chọi với bệnh tật.

Dãy nhà trọ lụp xụp của xóm chạy thận nằm khuất sau Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình). Những ngày cuối năm, xóm nhỏ càng trở nên vắng lặng khi ngoài kia ai nấy đều đang tất bật mua sắm Tết, đoàn tụ với gia đình, còn họ ngày ngày vẫn lặng lẽ đến bệnh viện chạy chữa bệnh tật.

Ngôi nhà thứ hai

Chúng tôi tìm đến dãy nhà trọ của những bệnh nhân chạy thận nằm khuất sau bệnh viện vào những ngày cuối năm. Khi hỏi về xóm chạy thận, hầu như người dân xung quanh ở đây ai cũng biết và nói về họ bằng giọng điệu rất thương cảm và sẻ chia.

Gọi là xóm chạy thận nhưng thực ra đó là một dãy nhà trọ khá lụp xụp được những người mắc bệnh thận thuê để tiện chữa trị. Những bệnh nhân ở đây hầu hết đều có hoàn cảnh rất khó khăn, quanh năm suốt tháng họ ở đây và coi nhà trọ như ngôi nhà thứ hai của mình để tá túc chữa bệnh.

Quặn lòng xóm “Lương Sơn Bạc” ngày giáp Tết - 1

Anh Lê Ngọc Vương (bên phải), một bệnh nhân đã chạy thận và gắn bó với xóm nhỏ tới 13 năm

Gặp chúng tôi, anh Lê Ngọc Vương (26 tuổi, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa) hỏi vui: "Anh vô xóm Lương Sơn Bạc mần chi?". Thấy tôi ngờ ngợ, anh Vương lý giải rằng, dân đây gọi xóm chạy thận  là xóm "Lương Sơn Bạc" bởi nơi đây những người không quen biết cùng nhau quay quần sớm tối, họ cùng chung một căn bệnh và cùng sẻ chia, động viên nhau vượt qua tháng ngày.

Anh Vương kể: Năm 13 tuổi, anh bị phát hiện mắc chứng thận và từ đó đến nay anh đã gắn bó với xóm để tiện chữa chạy. Cùng ở với anh Vương là bà Cao Thị Thoại (65 tuổi, mẹ anh Vương). Suốt 13 năm qua, bà Thoại bỏ không ngôi nhà ở quê để đến đây ở trọ chăm con bệnh tật.

Bà Thoại cho biết để có tiền trang trải cuộc sống, hàng ngày bà phải đi lượm ve chai về bán, mỗi ngày chỉ kiếm được 15-20 ngàn đồng. Trong khi đó, mỗi tháng tiền nhà trọ mất 500-600 ngàn đồng, chưa kể tiền ăn, uống. Còn tiền thuốc chữa chạy cho anh Vương trung bình mỗi tháng hết khoảng 4 triệu đồng.

Quặn lòng xóm “Lương Sơn Bạc” ngày giáp Tết - 2

Bà Cao Thị Thoại (mẹ anh Vương) hằng ngày lượm ve chai để có tiền trang trải cuộc sống và chạy chữa thuốc men cho con

"Khi mà bệnh tật của con thuận thì mỗi tháng hết khoảng 4 triệu tiền thuốc, còn không thuận tốn kém nhiều hơn nữa. Bố nó mất rồi, giờ hai mẹ con lượm ve chai tá túc ở đây sống chung với bệnh tật. Còn tiền thuốc có mấy anh chị hỗ trợ, nhưng cũng thiếu trước hụt sau, vất vả lắm", bà Thoại tâm sự.

Khi được hỏi về đón Tết cổ truyền, bà Thoại buồn bã: "Như tụi tui đây làm gì có Tết. Quanh năm suốt tháng ở đây để chạy chữa bệnh tật. Năm ni phải đến 29 Tết mới được về nhà hương khói cho tổ tiên rồi chiều mồng 1 phải vô lại viện để chạy thận cho thằng Vương".

Cạnh bên phòng bà Thoại là phòng chị Nguyễn Thị Thương (35 tuổi, xã Lê Hóa, huyện Tuyên Hóa) là một bệnh nhân chạy thận  đã gắn với xóm nhỏ này gần 9 năm trời. Lúc chúng tôi đến, chị vừa mới đến bệnh viện chạy thận trở về, trên tay còn dán đầy băng y tế. Chị khó nhọc, lê từng bước chân vào xóm trọ.

Với chị Thương, quảng thời gian 9 năm trời ròng rã chạy thận đã lấy đi tất cả tuổi thanh xuân của chị. Nỗi đau bệnh tật hiện rõ trên gương mặt, vóc dáng khiến làn da chị nhăn nheo, trông già trước tuổi.

Chị Thương chia sẻ: "Lịch chạy thận mỗi tuần 3 lần, những ngày nghỉ "chạy", mọi người trong xóm đều tranh thủ đi lượm ve chai, chị cũng đi lượm ve chai có tiền trang trải sinh hoạt và mua thuốc bồi dưỡng mới hy vọng kéo dài thêm sự sống. Cả năm cư dân trong xóm chẳng sắm sửa được cái gì thì lấy đâu ra tiền lo chuyện sắm Tết".

Chẳng biết xóm chạy thận hình thành từ bao giờ, nhưng lúc đỉnh điểm cũng có gần 30 người cùng trú chân, họ nương tựa vào nhau, cùng nhau cố gắng giành lấy sự sống từng ngày với thần chết. Ở cái xóm này, người lớn tuổi đã ngoài 70, người ít tuổi cũng đôi mươi trai tráng. Họ đến từ khắp các miền quê và đều bất hạnh chịu đựng căn bệnh nghiệt ngã đeo đẳng.

Mong có một cái Tết trọn vẹn

Đã gần 5 năm nay, bà Trần Thị Luyện (74 tuổi, xã Duy Ninh, Quảng Ninh) phải vật lộn với căn bệnh thận hành hạ. Cứ gần Tết, người con gái ở quê lại lên đón bà về ăn Tết nhưng với bà đó là những ngày khó khăn nhất. Bà nói rằng, mình già rồi, không biết còn chống chọi với bệnh tật được đến bao lâu nhưng cứ làm khổ con cháu thế này bà thấy thương các con lắm.

Quặn lòng xóm “Lương Sơn Bạc” ngày giáp Tết - 3

Mới 35 tuổi nhưng vì tật bệnh, khuôn mặt chị Nguyễn Thị Thương hốc hác, già dặn

"Giờ tôi cũng không còn trẻ, chỉ mong có được một cái Tết thật trọn vẹn, ấm áp bên con cháu, cũng không phải làm gánh nặng cho các con như vậy nữa. Nhưng mong ước này đối với tôi bây giờ quá xa…" - bà Luyện nghẹn ngào nói.

Cũng như bà Luyện, bà Hoàng Thị Liên (77 tuổi, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy) cũng mắc phải căn bệnh thận hơn 1 năm nay. Đã ở cái tuổi xế chiều, bà Liên và chồng là ông Trần Duy Đặng (75 tuổi) vẫn phải dắt nhau đi ở trọ để chạy chữa bệnh tật.

Quặn lòng xóm “Lương Sơn Bạc” ngày giáp Tết - 4

Bà Hoàng Thị Liên, đến tuổi xế chiều nhưng cũng phải gia nhập xóm "Lương Sơn Bạc" bởi căn bệnh thận quái ác

Hàng ngày, hai ông bà ở phòng trọ lụp xụp, rau cháo nuôi nhau, chống chọi lại với căn bệnh quái ác. "Đến Tết là lại thấy buồn. Chỉ ước mình vẫn khỏe mạnh để đón năm mới với các con, các cháu như trước đây" – bà Luyện xúc động bày tỏ. Ở xóm chạy thận, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ mắc chung một căn bệnh và quy tụ, quây quần với nhau bên một xóm nhỏ. Nơi đây, họ cùng đồng cảm và chia sẻ với nhau để chống chọi với bệnh tật. Họ đều có ao ước đơn giản được đón một cái Tết cổ truyền đầm ấm, trọn vẹn bên gia đình, không bị bệnh tật hành hạ, nhưng ước mơ đó đã quá xa vời.

Ngày cận Tết của cụ bà gần 90 tuổi nuôi 2 con tâm thần giữa Thủ đô

Tết đối với cụ Đỗ Nguyệt Mai chỉ là điều xa xỉ, cụ chỉ mong đủ miếng ăn cho mình và hai đứa con bị tâm thần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
theo Minh Tuấn (Người lao động)
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN