Quân đội TQ: Tham nhũng tràn lan từ quân đến tướng

Ngày từ khi tuyển quân, tân binh TQ đã phải bỏ ra một khoản tiền lớn để chạy chọt vào quân đội.

Hàng năm, cứ đến mùa tuyển quân ở Trung Quốc, các sĩ quan phụ trách tuyển quân lại nhận được những câu hỏi về số tiền phải chi để có thể vượt qua kỳ thi tuyển. Và câu trả lời mà họ nhận được là, số tiền đó có thể lên tới 16.000 USD tùy thuộc vào mối quan hệ.

Chỉ tiêu tuyển quân hạn chế tại 31 tỉnh thành của Trung Quốc, cộng thêm với tỉ lệ trượt rất cao trong các bài kiểm tra thể lực khiến các ông bố bà mẹ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để chạy chọt cho con em mình vào được quân đội. Nếu “chạy chọt” thành công, việc phục vụ trong quân đội sẽ đảm bảo cho con em họ một nghề nghiệp ổn định cũng như một con đường để thoát ly khỏi nông thôn.

Ông Wang, một sĩ quan tuyển quân tại Giang Tô cho biết: “Bạn bè hỏi tôi về ‘giá sàn’ hiện nay, và tôi nói với họ rằng mức giá đó dao động từ 80.000 tới 90.000 nhân dân tệ. Nếu có quan hệ tốt, họ chỉ tốn khoảng 50.000 tệ một suất, nhưng nếu quan hệ chỉ bình thường, họ có thể phải chi ít nhất 100.000 tệ.”

Quân đội TQ: Tham nhũng tràn lan từ quân đến tướng - 1

Một suất "chạy" vào quân đội Trung Quốc có giá lên tới 100.000 tệ

Khoản tiền chạy chọt này phản ánh thách thức mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải đối mặt khi ông tuyên bố loại trừ nạn tham nhũng ra khỏi quân đội. Trong khi Trung Quốc trừng phạt các sĩ quan cấp cao vì vi phạm kỷ luật và tước đảng tịch của cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu vì tội tham nhũng, những hành vi đưa nhận hối lộ đã diễn ra trong quân đội ngay trước khi các tân binh được tuyển mộ.

Tham nhũng tràn lan

Tướng về hưu Xu Guangyu, chuyên viên nghiên cứu cấp cao tại Hiệp hội Kiểm soát và Giải trừ Vũ khí Trung Quốc cho biết: “Việc loại trừ nạn tham nhũng ở cấp cơ sở là không thể, vì nó đã ăn sâu vào văn hóa của quân đội Trung Quốc. Lãnh đạo trung ương biết rõ rằng tham nhũng là kẻ thù số một của quân đội, và nếu không có biện pháp mạnh tay, nó sẽ làm suy yếu khả năng chiến đấu của quân đội trong chiến tranh hiện đại.”

Theo Luật Quân dịch Trung Quốc, nam giới ở nước này đến 18 tuổi đều có thể đăng ký tòng quân. Trung Quốc không thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc, tuy nhiên tất cả nam giới đủ điều kiện đều phải trải qua 1 tháng huấn luyện quân sự để trở thành quân nhân dự bị, chỉ trừ những người đang học tại các trường đại học, cao đẳng hoặc lao động chính của gia đình.

Những người đăng ký tòng quân sẽ phục vụ trong quân ngũ 2 năm hoặc thi vào các trường quân sự để thăng tiến dần trong quân đội, tuy nhiên họ đều phải trải qua kỳ thi lý thuyết và kiểm tra thể lực cũng như đánh giá về sự trung thành đối với đảng.

Thoát ly

Theo ông Zeng Zhiping, Phó Chủ tịch Viện Công nghệ Nanchang, tỉnh Giang Tô, đối với nhiều thanh niên Trung Quốc, tòng quân là con đường duy nhất để thoát ly khỏi vùng nông thôn và đảm bảo một sự nghiệp ổn định. Binh nghiệp cũng có một sức hút rất lớn đối với thanh niên thành thị, những người đang vật vã tìm việc trong thời buổi khó khăn.

Quân đội TQ: Tham nhũng tràn lan từ quân đến tướng - 2

Nhập ngũ là con đường duy nhất để thoát ly vùng nông thôn của nhiều thanh niên Trung Quốc

Ông Zeng nói: “Hiện nay, tòng quân đang ngày càng trở thành một lựa chọn nghề nghiệp, và lòng yêu nước trong lựa chọn đó cũng ngày một phai nhạt dần. Giờ đây người ta đưa ra những quyết định thực dụng chỉ đơn thuần dựa trên những tính toán kinh tế.”

Theo chuyên gia phân tích Dennis Blasko thuộc Nhóm Nghiên cứu An ninh Trung Quốc ở Mỹ, việc đưa ra quyết định có cho người này người kia nhập ngũ hay không nằm trong tay các sĩ quan tuyển quân.

Ông nói: “Họ là những sĩ quan cấp thấp sinh sống tại địa phương. Các sĩ quan tuyển quân này có thể nhận những khoản tiền hoặc quà để cho một thanh niên nhập ngũ, và sau đó quyết định giữ lại hay loại bỏ người này. Họ làm được việc đó thông qua hình thức làm giả kết quả kiểm tra hoặc quyết định việc trượt hay đỗ trong bài kiểm tra thể lực.”

Bài kiểm tra thể lực là một thách thức khó vượt qua của nhiều thanh niên muốn nhập ngũ, và gần đây quân đội Trung Quốc đã phải hạ bớt tiêu chuẩn thể lực để có thể tuyển được nhiều tân binh có trình độ hơn.

Giờ đây tiêu chuẩn chiều cao của tân binh đã được hạ xuống còn 1,6 mét, và họ chấp nhận cả những người bị cận thị, bởi 70% học sinh trung học và sinh viên ở nước này bị cận thị.

Quân đội TQ: Tham nhũng tràn lan từ quân đến tướng - 3

Sĩ quan tuyển quân có thể dễ dàng gian lận qua các bài kiểm tra sức khỏe

Tuy nhiên, để có thể “ăn chắc” trước mỗi mùa tuyển quân, phụ huynh lại gọi điện khắp nơi để chạy chọt một suất đảm bảo cho con em mình, và đây chính là cơ hội để tham nhũng bùng nổ tràn lan trong quân đội ở những cấp thấp nhất.

Mua bán quân hàm

Sau khi đã vào được quân đội, những người lính này sẽ lại tiếp tục phải chi ra một khoản tiền lớn để được đề bạt, thăng cấp khi tình trạng mua bán quân hàm diễn ra tràn lan trong quân đội Trung Quốc, đặc biệt là trong thời kỳ đương chức của thượng tướng Từ Tài Hậu, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Chuyên gia Blasko đánh giá: “Tình trạng tham nhũng đã ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc. Đó là lý do tại sao Chủ tịch Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội.”

Tình trạng tham nhũng trong quá trình tuyển quân cũng từng bị báo chí Trung Quốc phản ánh. Năm 2013, tờ Nhân dân Nhật báo cho biết một học sinh ở Hồ Nam tên là Wang Qian đã được sĩ quan tuyển quân gợi ý “chạy” 100.000 tệ để được nhập ngũ. Wang cho biết giấy gọi nhập ngũ của cô đã bị thu hồi vì cô không có tiền để nộp cho sĩ quan tuyển quân.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc đang quyết liệt thực hiện chiến dịch chống tham nhũng, song người dân ở nước này vẫn buộc phải tuân theo “những quy định bất thành văn” và bỏ ra khoản tiền lớn để chạy chọt trong quá trình tuyển quân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Bloomberg) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN