Quân đội Thái Lan bác bỏ khả năng đảo chính

Quân đội Thái Lan đã thẳng thừng bác bỏ lời kêu gọi can thiệp của lãnh đạo biểu tình và khẳng định sẽ không đảo chính chống lại bà Yingluck.

Ngày 14/12, trong cuộc gặp mặt với lãnh đạo phong trào biểu tình đòi lật đổ chính phủ ở Thái Lan, các tướng lĩnh quân đội nước này đã bác bỏ khả năng quân đội đứng về bất cứ bên nào trong cuộc khủng hoảng chính trị này.

Quân đội cũng không khẳng định rằng cuộc tổng tuyển cử sớm dự kiến diễn ra vào tháng Hai có nên được tổ chức hay không. Trước đó Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã kêu gọi tổ chức bầu cử sớm khi hơn 160.000 người biểu tình bao vây tòa nhà chính phủ.

Quân đội Thái Lan bác bỏ khả năng đảo chính - 1

Tướng Thanasak, tư lệnh quân đội Thái Lan (thứ hai từ trái qua) tham dự hội nghị

Trong 80 năm qua, quân đội Thái Lan đã tổ chức 18 vụ đảo chính, trong đó có vụ đảo chính lật đổ anh trai của bà Yingluck là ông Thaksin Shinawatra vào năm 2006, và trong tình hình hiện nay họ vẫn có thể tổ chức hoặc phá vỡ bất cứ âm mưu đảo chính nào chống lại bà Yingluck.

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay quân đội vẫn từ chối can dự vào cuộc khủng hoảng, và tư lệnh tối cao quân đội Thanasak Patimaprakorn vẫn tuyên bố lập trường trung lập của mình khi tổ chức hội nghị công khai này.

Tướng Thanasak khẳng định: “Chúng tôi sống theo quy định và nguyên tắc. Chúng tôi chắc chắn sẽ bảo vệ mạng sống và tài sản của nhân dân, và chúng tôi không hề có trách nhiệm đàn áp bạo loạn hay những việc tương tự như thế. Để có hòa bình và thịnh vượng, chúng ta phải giải quyết vấn đề một cách hợp lý, bền vững và không để vòng luẩn quẩn lặp lại.”

Trong khi đó, lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban đã nói với tướng Thanasak rằng quân đội Thái Lan đã từng can thiêp vào những hoàn cảnh tương tự trong quá khứ, và “nếu quân đội quyết định đứng về một bên, vấn đề sẽ được giải quyết”. Ông Suthep kêu gọi quân đội can thiệp bởi “nếu quân đội quyết định nhanh chóng, người dân sẽ ca ngợi quân đội và họ sẽ trở thành anh hùng”.

Mặc dù vậy, tướng Thanasak vẫn gạt đi vấn đề ủng hộ hay phản đối bên nào và tái khẳng định rằng nhiệm vụ của lực lượng vũ trang là giúp đỡ toàn thể người Thái.

Trong một hội nghị trước đó được tổ chức tại Đại học Thammasat ở Bangkok, ông Suthep đã tuyên bố rằng chính phủ của bà Yingluck đã không còn hợp lệ và ở Thái Lan đang có một “khoảng trống chính trị”.

Ông Suthep muốn lợi dụng khoảng trống này để thành lập một “hội đồng nhân dân” không qua bầu cử nhằm xóa bỏ ảnh hưởng của “chế độ Thaksin”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Biểu tình bạo lực ở Thái Lan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN