Quan chức Trung Quốc bộn tiền bán… quà Tết

Năm hết tết đến, cổng nhà quan chức xe cộ lại xếp hàng để tặng quà. Đã nhiều năm nay, chính phủ Trung Quốc muốn dẹp bỏ dịch vụ “thu mua quà tết”, nhưng đây là căn bệnh vô phương cứu chữa.

“Cửa hàng ọp ẹp với diện tích 5-6 mét vuông, bên ngoài dựng tấm biển “Thu mua rượu, thuốc lá, quà tết”. Trong dịp tết này, ông chủ của những cửa hàng chật hẹp này có thể kiếm bộn tiền nhờ dịch vụ “thu mua quà tết”.

Mặt dù Bộ Công thương Trung Quốc không cấp giấy phép cho ngành kinh doanh “thu mua quà tết”, nhưng các cửa hàng này vẫn mọc lên như nấm ở tất cả các thành phố lớn của Trung Quốc bởi có cầu ắt phải có cung. Và các trang web chuyên thu mua quà tết cũng thi nhau mọc lên như nấm.

Ngành kinh doanh siêu lợi nhuận

Mỗi năm tết đến, dịch vụ kinh doanh “thu mua quà tết” ở Trung Quốc vô cùng sôi động, một phần là do đời sống vật chất của người dân nước này không ngừng được nâng cao, tết đến bạn bè, thân thích biếu quà dùng không hết, nhưng tỉ lệ này rất thấp, chủ yếu vẫn là do tình trạng biếu xén quà cáp cho quan chức, lãnh đạo đã trở thành trào lưu phổ biến ở quốc gia này. Và cái gọi là “quà” ở đây cũng muôn hình vạn trạng: Thuốc lá, rượu xịn, nhân sâm, đông trùng hạ thảo, yến sào, vàng, thẻ mua đồ siêu thị, đồ điện tử cao cấp như điện thoại iphone, máy tính xách tay, máy ảnh, đồ cổ…. Điều tra cho thấy, các đối tượng bán quà tết phần lớn là quan chức và người nhà họ. Và nguyên tắc cơ bản nhất để tiến hành các vụ giao dịch này là: Không hỏi thân phận người bán, không hỏi nguồn gốc của quà.

Đã nhiều năm nay, chính phủ Trung Quốc muốn dẹp bỏ dịch vụ “thu mua quà tết”, nhưng dường như đây là căn bệnh vô phương cứu chữa. Bức tranh quà tết chất đầy nhà đã trở thành hiện tượng rất phổ biến trong các gia đình quan chức, từ quan to đến quan nhỏ. Vì không xài hết sơn hào hải vị, đem cho cũng uổng phí nên các quan chức này sẵn sàng chuyển nhượng với giá thấp hơn thị trường. thuốc lá đắt tiền như Trung Nam Hải, rượu Mao Đài, Ngũ Lương Dịch, rượu ngoại chỉ bằng 40-50% giá thị trường. Ngoài ra, đôi khi chủ tiệm còn có những “thu hoạch bất ngờ” vì có người tặng quà lại kẹp tiền, dây chuyền… vào hộp quà. Sau đó, số quà tết này lại được bán trở lại cho người tiêu dùng, nhà hàng, khách sạn, đại lí bán lẻ bằng một kênh đặc biệt.

Quan chức Trung Quốc bộn tiền bán… quà Tết - 1

Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã đưa ra rất nhiều công văn, chỉ thị, nghiêm cấm quan chức, ban ngành không nhận quà tết, nhưng... (Ảnh minh họa)

Tình trạng chuyển nhượng quà với mức giá khá bèo so với giá thị trường này cho thấy đây hoàn toàn là số quà được người khác biếu. Tuy bèo nhưng số quà tết được mang đi chuyển nhượng đều có giá trị lớn, ví dụ mỗi cây thuốc lá Trung Hoa cứng được bán lại với giá 450 NDT (khoảng 1,3 triệu VNĐ); Trung Hoa mềm 640 NDT (khoảng 2 triệu VNĐ); Hoàng Hạc Lâu 1916 được mua lại với giá 1320 NDT (khoảng 4 triệu VNĐ), rượu Mao Đài thường 350 NDT (khoảng 1 triệu VNĐ), rượu Mao Đài 15 năm 1.600 NDT (gần 5 triệu VNĐ), rượu XO 700 mo 1.000 NDT (3 triệu VNĐ)… Mỗi khách có thể cùng lúc mang đến 20 cây thuốc lá Trung Hoa mềm, 10 chai rượu Mao Đài 15 năm…. Và qua các dịp lễ tết như Tết Nguyên đán, tết Nguyên Tiêu, tết Trung Thu, mỗi ông chủ của các cửa hàng thu mua quà tết rộng 5-6 mét vuông này sẽ kiếm được 30-50% lợi nhuận, tức khoảng 50.000-200.000 NDT (150 triệu VNĐ – 600 triệu VNĐ)…

“Ruồi” biến thành “hổ”

Năm hết tết đến, cổng nhà quan chức xe cộ lại xếp hàng để tặng quà. Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã đưa ra rất nhiều công văn, chỉ thị, nghiêm cấm quan chức, ban ngành không nhận quà tết. Nhưng một bên tình nguyện biếu, một bên tình nguyện nhận, bên biếu là vì muốn tỏ lòng cảm ơn đối phương, hy vọng sau này tiếp tục được nhận sự quan tâm; Cấp dưới biếu lãnh đạo để gây thiện cảm, mong ngóng được đề bạt, bổ nhiệm sớm; Còn bên nhận thì biết giá trị của quà biếu chắc chắn không rẻ, không xài hết thì đi biếu lại hoặc chuyển nhượng, và một điều đáng nói nữa là người đến biếu quà mặt mày hớn hở, nói toàn điều hay, khiến người nhận quà cảm thấy mình thực sự được trọng vọng, đây cũng là một sự tận hưởng về mặt “tinh thần”

Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao người biếu không biếu tiền, biếu tiền chẳng phải sẽ “tiện cả đôi đường”? Vừa đỡ mất công người được biếu phải mua đi bán lại, lại đỡ mất giá do phải bán đổ bán tháo? Vấn đề truy quét tham nhũng luôn được chính phủ Trung Quốc đặt lên hàng đầu, tuy nhiên “vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn”, tình trạng hối lộ quan chức đã được biến tướng dưới nhiều hình thức. Tiền là tiền, quà là quà, lễ tết người ta biếu nhau quà là truyền thống có từ lâu đời, biếu lãnh đạo vài chai rượu ngoại, vài cây thuốc lá thơm, kể cả mấy nghìn tệ cũng vẫn là quà, chính vì thế, lãnh đạo không khó xử, người biếu cũng thoải mái. Điều tra cho thấy, 80% quan chức nhận hối lộ của Trung Quốc cho rằng nhận quà nhân dịp lễ tết không phải là nhận hối lộ.

Nhìn bề ngoài, “thu mua quà tết” chỉ là một hiện tượng kinh tế xã hội đơn giản, nhưng xét về sâu sa, hiện tượng này đã phản ánh tình trạng tham ô, hối lộ ở Trung Quốc đã thực sự đến mức đáng báo động. “Thu mua quà tết” đích thực là dịch vụ hỗ trợ đắc lực cho tình trạng tham nhũng, hối lộ quan chức, thậm chí trở thành cỗ máy “rửa tiền” của kẻ nhận hối lộ.

Trong cuộc hội nghị toàn thể lần thứ hai Ủy ban kỷ luật Trung ương Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã quyết tâm sẽ “trị tận gốc tình trạng tham nhũng, trị cả “hổ” lẫn ruồi… sẽ giải quyết triệt để những vấn đề nhiễu nhương xảy ra xung quanh người dân”. Và vấn đề “thu mua quà tết” này chính là vấn đề đang xảy ra hàng ngày, hàng năm ở Trung Quốc. Hầu hết quan tham nước này đều đi theo lộ trình: Nhận quà tết, nhận “tiền lì xì”, và cuối cùng là sa vào đầm lầy giao dịch quyền – tiền, từ “ruồi” biến thành “hổ”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Long (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN