Quan chức Mỹ đòi trừng phạt TQ vì xây đảo ở Biển Đông
Thượng nghị sĩ McCain cho rằng Mỹ phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn Trung Quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông.
Mỹ gạt đề xuất “dùng chung đảo” của TQ ở Biển Đông
Sau khi bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc đang xây dựng “Vạn lý trường thành bằng cát” trên Biển Đông, mới đây, nhiều quan chức hàng đầu ở Quốc hội và quân đội Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Barack Obama có biện pháp trừng phạt hành động xây đảo của Trung Quốc.
Ông John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ cho rằng với việc Trung Quốc thực hiện các hành động xây đảo ở Biển Đông trong năm qua, Mỹ nên loại Trung Quốc ra khỏi cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) sắp diễn ra vào mùa hè 2016 ở Honolulu.
Thượng nghị sĩ McCain nhấn mạnh: “Tôi sẽ không mời họ tham gia cuộc tập trận này vì cách hành xử của họ. Trong nhiều năm qua, họ mới chỉ bồi đắp 60 hecta quanh những hòn đảo đó, nhưng chỉ riêng trong năm ngoái, họ đã bồi đắp tới 600 hecta và đang xây dựng một đường băng. Tôi không nghĩ có lý do gì để nghi ngờ tham vọng lãnh thổ của họ”.
Trung Quốc lần đầu tiên được mời tới RIMPAC vào năm 2014, cùng với lực lượng hải quân từ 21 quốc gia khác trên thế giới. Ngay trong lần đầu tiên tham dự RIMPAC này, Trung Quốc đã khiến hải quân các nước ngạc nhiên khi mang tới một tàu do thám.
Theo ông McCain, việc Trung Quốc ráo riết xây đảo trên Biển Đông có thể dẫn tới việc nước này sẽ đơn phương thiết lập một khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) trên vùng biển chiến lược này, tương tự như những gì mà Trung Quốc đã làm trên biển Hoa Đông năm 2013.
Mỹ đã quyết liệt phản đối việc Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Hoa Đông, tuy nhiên ông McCain cho rằng chính quyền của ông Obama phải làm nhiều hơn nữa để răn đe Trung Quốc trong việc thiết lập vùng nhận diện phòng không thứ hai.
Ông McCain nói: “Khu vực nhận diện phòng không đó trên thực tế được Trung Quốc coi như không phận của họ. Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã phát đi hết cảnh báo này tới cảnh báo khác, nhưng đều bị phía Trung Quốc phớt lờ”.
Trong thời gian gần đây, Thượng nghị sĩ McCain cũng đã có những hành động nhằm ngăn cản những hoạt động hợp tác “quá chặt chẽ” giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc. Hồi tháng Hai, ông đã viết thư gửi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel phản đối việc Đô đốc Jonathan Greenert, Tư lệnh Hải quân Mỹ đề nghị đưa một tàu sân bay tới thăm Trung Quốc và cho các sĩ quan Trung Quốc lên tàu.
Một tháng sau, người vừa mới lên thay thế ông Hagel là tân Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter đã viết thư trả lời Thượng nghị sĩ McCain rằng chuyến thăm tàu sân bay tới Trung Quốc như đề nghị của Đô đốc Greenert sẽ không diễn ra.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter viết: “Bộ Quốc phòng luôn xét tới những yếu tố về môi trường khu vực và cân bằng quân sự, và như ngài đã chỉ ra, việc đưa tàu sân bay tới thăm Trung Quốc sẽ không có lợi cho những mục tiêu trên trong thời điểm hiện nay”.
Theo một quan chức cấp cao của Quốc hội Mỹ, Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã bày tỏ với Hải quân rằng họ không muốn mời Trung Quốc tới RIMPAC 2016 vì cách hành xử gần đây ở Biển Đông, mặc dù Hải quân vẫn muốn có Trung Quốc dự cuộc tập trận cực lớn này.
Một quan chức khác của chính quyền Mỹ cho hay Nhà Trắng cũng đang xem xét khả năng không mời Trung Quốc tới dự RIMPAC và thể hiện một lập trường cứng rắn hơn với những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông, tuy nhiên đến nay họ vẫn chưa đưa ra quan điểm chính thức về vấn đề này.
Trong khi đó, ông Patrick Cronin, người đứng đầu chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) cho rằng Mỹ cần phải cho Trung Quốc thấy rằng họ sẽ phải trả giá về ngoại giao và uy tín vì những “hành động xấu”, đồng thời phải tăng cường hợp tác với các nước khác trong khu vực.
Ông Cronin nhấn mạnh: “Chúng ta đang tìm cách tránh bị lấn lướt bởi một Trung Quốc đang rất quyết liệt. Khi họ làm những thứ vi phạm quy tắc, chúng ta phải đảm bảo rằng họ không được lợi gì từ các hành động đó”.