"Quái vật” 300 tấn sắp xuyên lòng đất ở Sài Gòn để thi công metro
Những ngày tới “quái vật” nặng 300 tấn, nằm độ sâu 17m sẽ triển khai thực hiện xuyên lòng đất ở Sài Gòn để thi công tuyến metro.
Ngày 26.5 tới, lễ khởi động máy khiên đào hầm ngầm sẽ được tổ chức tại công trường thi công nhà ga Ba Son
Chiều 9.5, ông Dương Hữu Hòa, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) cho biết ngày 26.5 tới, lễ khởi động máy khiên đào hầm ngầm sẽ được tổ chức tại công trường thi công nhà ga Ba Son (quận 1, TP.HCM).
Theo ông Hòa, hiện phía liên danh nhà thầu Shimizu - Meada (Nhật Bản), nhà thầu thi công gói thầu 1b đảm nhiệm đang ráo riết các khâu chuẩn bị để vận hành robot khoan hầm ngầm theo phương pháp đào khiên (TBM), công nghệ tiên tiến đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.
Robot sẽ đào đường hầm dài 781 m để kết nối với đoạn đang thi công đào hở ở hai đầu nhà ga Ba Son và Nhà hát TP và mỗi ngày sẽ khoan được 12m.
Robot TBM được sản xuất ở Nhật Bản và chuyển về Việt Nam vào tháng 1.2017 có tổng chiều dài 70m, nặng 300 tấn. Trong đó, đầu máy khoan chính dài 12,5m, phần còn lại là buồng máy, buồng điều khiển, buồng cung cấp vữa xi măng…đang được lắp dưới độ sâu 17m của ga Ba Son.
Robot khoan ngầm TBM sử dụng cho dự án là một tổ hợp máy đào có thể thực hiện được các hạng mục thi công hầm bằng phương pháp cân bằng áp lực đất. Theo đó, robot sẽ đào đường hầm dài 781m để kết nối với đoạn đang thi công đào hở ở hai đầu nhà ga Ba Son và Nhà hát TP và mỗi ngày sẽ khoan được 12m.
Sau khi khoan được 1,2m sẽ lắp đặt 6 tấm bê tông làm vách hầm xong mới khoan tiếp. Robot với công nghệ TBM còn có khả năng phá vỡ các chướng ngại nếu là bêtông và có khả năng dò tìm bom mìn dưới lòng đất. Trong quá trình đào, đất được chuyển băng tải guồng và nghiền xay đất thành bùn lỏng. Tiếp theo là qua các hệ thống lọc sẽ tách lấy nước để dùng lại cho mục đích thi công và đất cát sẽ chuyển đi ra khỏi công trường...
Dự kiến đến năm 2020, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM sẽ đưa vào khai thác
Theo ông Hòa, đây là giải pháp sử dụng kỹ thuật tiên tiến nhất dựa trên kinh nghiệm trong việc thi công công trình ngầm ở Nhật Bản. So với các phương pháp đào hầm thông thường thì phương pháp này giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới giao thông, ít chiếm dụng diện tích cũng như ít gây ảnh hưởng tới các công trình xây dựng xung quanh. Ngoài ra, do có thể thu gom và vận chuyển đất sau khi đào một cách dễ dàng, phương pháp này ít gây bụi, rung chấn và tiếng ồn so với các phương pháp đào hầm kín khác.
Dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công vào tháng 8.2012. Tuyến dài gần 20 km đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó có đoạn đi ngầm từ chợ Bến Thành đến Ba Son dài khoảng 2,6km với 3 nhà ga ngầm gồm: Bến Thành, Nhà hát thành phố và Ba Son. Toàn tuyến số 1 dự kiến đi vào vận hành khai thác vào năm 2020.
Báo cáo chuyên đề của CBRE dự báo, khi tuyến Metro TP. Hồ Chí Minh đi vào hoạt động, giá đất của khu vực cách ga tàu điện...