“Quái nhân” nhặt được vợ hơn 9 tuổi

“Quái nhân” Nguyễn Nghĩa Tuấn (1974), khu chung cư Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) "nhặt" được vợ mà không phải mất đến mấy chập bánh đúc như anh cu Tràng trong tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân.

“Quái nhân” kể chuyện “nhặt vợ”

Cả khu chung cư không ai còn lạ lẫm với hình ảnh một gia đình 4 người cạo trọc đầu và có một lối sống “lập dị”. Nhưng khi nói về họ, mỗi người có một cách nhìn nhận khác nhau và không ai hiểu được vì sao gia đình này lại chọn lối sống ấy.

Khi cánh cửa nhà “quái nhân” Nguyễn Nghĩa Tuấn mở ra, PV khá bất ngờ bởi ngôi nhà khá rộng nhưng lại rất ít chỗ trống bởi tranh ảnh, giáo lý về Phật giáo được giăng treo khắp chốn.

“Tôi không phải là người tu hành, mà chỉ là người giác ngộ Phật giáo. Gia đình tôi cạo trọc đầu, muốn sống cuộc đời thanh thản không bị vật chất cám dỗ làm lu mờ cuộc sống tốt đẹp. Mọi người gọi gia đình tôi là “quái nhân” vì họ không hiểu hết được suy nghĩ riêng của chúng tôi”, Nguyễn Nghĩa Tuấn nói.

“Quái nhân” nhặt được vợ hơn 9 tuổi - 1

"Quái nhân" Nguyễn Nghĩa Tuấn cởi mở kể chuyện nhà mình

Kể về cuộc đời của mình, Nguyễn Nghĩa Tuấn luôn nói đến sự may mắn: “May mắn lớn nhất đời tôi là có duyên Phật ngộ khi theo cha lên chùa và đọc được giáo lý nhà Phật trong kinh sách. Và từ đây tôi hiểu hơn ý nghĩa sống của mình là phải hành thiện. May mắn thứ hai là chuyện "nhặt" được vợ”.

“Quái nhân” nhặt được vợ hơn 9 tuổi - 2

Hai "vợ chồng" anh Nguyễn Nghĩa Tuấn và chị Lê Thị Mùi ngồi tiếp chuyện PV

Thấy chúng tôi có vẻ kinh ngạc về chuyện "nhặt" được vợ, “quái nhân” Nguyễn Nghĩa Tuấn kể ngay: “Trước khi "nhặt" được vợ, tôi đã có hai đời vợ, nhưng cuộc sống không hạnh phúc nên chia lìa. Đến năm 2006, khi đi qua cầu Long Biên, tôi thấy người phụ nữ lang thang nhặt rác kiếm sống, cạnh đó, một đứa trẻ bò nheo nhóc trên cầu. Tôi thấy thương cảm và quyết định chung sống cùng mẹ con cô ấy”.

Đẫm nước mắt “phận bèo dạt” gặp “quái nhân”

Kể chuyện “nhặt vợ”, “quái nhân” cho rằng do duyên số. Còn “vợ” anh, chị Lê Thị Mùi (sinh năm 1963) thì lại ngậm ngùi chia sẻ “gặp anh ấy là may mắn lớn nhất cuộc đời của mẹ con tôi”.

“Quái nhân” nhặt được vợ hơn 9 tuổi - 3

Số phận người "vợ nhặt" lắm đắng cay nghiệt ngã trước khi được "quái nhân" Nghĩa Tuấn cưu mang.

Trước khi gặp Nguyễn Nghĩa Tuấn, chị Mùi đã trải qua những tháng ngày đẫm nước mắt trong dòng xoáy nghiệt ngã của số phận. Chị cũng đã từng có một đời chồng nhưng chồng chị bị nhiễm căn bệnh thế kỷ và mang nhiều tội lỗi. Để trốn truy nã, người chồng đã bỏ đi biệt tích để lại cho chị hai đứa con nheo nhóc.

Năm 2002, chị mang một đứa con rời quê hương Ninh Giang, Hải Dương lên Hà Nội nhặt rác mưu sinh ở khu vực cầu Long Biên. “Cuộc sống hồi đó cơ cực, ngày đói ngày no, ngủ gầm cầu là chính, nhiều lúc nhìn con khóc mà tôi đau buốt lòng, nhiều khi thần kinh bị ảnh hưởng”, chị Mùi sụt sùi.

Nguyễn Nghĩa Tuấn nhớ lại: “Hôm đưa mẹ con cô ấy về nhà, bố mẹ tôi nhìn đầy thương cảm. Tuy nhiên, không hiểu lúc đó, cô ấy làm sao mà cứ cởi quần áo trần truồng đi lại. Bố mẹ tôi thất vọng và phản đối. Không thuyết phục được tôi, bố mẹ tôi bán căn nhà ở phố cổ đi nơi khác sinh sống”.

“Sau đó, “vợ chồng” tôi lang thang kiếm sống. Bố mẹ thấy vậy thương tình, mua cho chúng tôi căn nhà chung cư này. Lúc đó tôi phấn khởi đưa “vợ” và con trai về ngôi nhà mới. Tại đây, hai "vợ chồng" nương tựa vào nhau mà sống. Bệnh tình vợ tôi dần thuyên giảm. Hạnh phúc nhất là khi vợ tôi sinh được một cô con gái xinh xắn".

“Quái nhân” nhặt được vợ hơn 9 tuổi - 4

Bức ảnh đoạt giải nhất báo chí thế giới 2008 ở hạng mục Daily Life của nhiếp ảnh Justin Maxon. Người “vợ nhặt” Lê Thị Mùi là nhân vật trong ảnh.

“Tuy mang tiếng là vợ chồng, nhưng chúng tôi vẫn chưa đi đăng ký kết hôn vì cuộc sống giờ vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng sau này, chúng tôi sẽ suy nghĩ đến chuyện đăng ký cho đúng pháp luật”, anh Tuấn cho biết thêm.

Đang trò chuyện với PV thì Nghĩa Tuấn quay lại bảo vợ “đến giờ đi tập rồi”. Thấy chúng tôi thắc mắc, anh giải thích: “Gia đình tôi có thói quen, cứ đến 9 giờ tối hàng ngày cả nhà lại đạp xe từ nhà ra bãi Giữa sông Hồng để ngồi tĩnh tâm và tập thể dục”.

“Cứ thấy gia đình 4 người với 4 cái đầu trọc, tối đạp xe đạp đi chơi, tôi lại thấy lạ. Gia đình “rổ rá cạp lại” đang tìm được niềm vui và hạnh phúc từ những vòng xe này chăng?”, bà Bình bán nước gần đó thốt lên.

Nhiếp ảnh Justin Maxon viết về bức ảnh đoạt giải nhất báo chí thế giới 2008, hạng mục Daily Life của mình (chị Lê Thị Mùi là nhân vật trong ảnh):


“Tôi trông thấy một người phụ nữ và đứa trẻ trên cầu Long Biên. Chị mặc độc chiếc quần soóc. Trong vòng hai tuần ở Hà Nội, tôi chưa bao giờ nhìn thấy điều gì giống thế. Đó là điều vô cùng lạ lẫm ở đất nước tôi.

Tôi bắt đầu đi theo họ và khám phá mối liên hệ mẫu tử giữa họ. Từ đó, có một điều gì đó thẳm sâu trong tâm hồn cứ kéo tôi đi theo hai mẹ con.

Tôi từng cảm thấy lạc lõng khi phải sống ở một đất nước mới với những trải nghiệm mới. Hai mẹ con chị có vẻ lẻ loi giống tôi. Có một điều kỳ lạ ở họ đã làm tôi thay đổi, đó là việc tìm thấy hạnh phúc từ nội tại.

Ở Mỹ, bạn được cho là hạnh phúc khi bạn sở hữu một tài sản. Nhưng ở đây, hai mẹ con chị hoàn toàn tay trắng. Chị ấy thậm chí còn thích cuộc sống không nhà cửa hơn là bị nhốt trong một trung tâm xã hội.

Chị ấy bị đặt bên lề xã hội. Chị ấy cho tôi thấy tất cả chúng ta đều là con người với tất cả ý nghĩa nhân bản của từ này”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mạnh Ninh (Kiến Thức)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN