Quá nhiều học sinh giỏi: Phụ huynh nghi ngờ
Nghe cô giáo chủ nhiệm nói, lớp có 54/56 học sinh “hoàn thành xuất sắc”, một phụ huynh quay sang nói với người ngồi kế bên “thật khó tin”.
Đi họp phụ huynh cho con đang học lớp 2, chị Linh (Đống Đa, Hà Nội) cảm thấy “khó tin” khi nghe cô giáo chủ nhiệm nói về thành tích học tập của lớp con trai mình. Lớp có 54/56 học sinh hoàn thành xuất sắc, 2 học sinh đạt mức hoàn thành.
"Trong buổi họp cô giáo chia sẻ, lớp có đa số học sinh giỏi nhưng phụ huynh cũng không nên vội mừng. Vì theo cô, một năm học chỉ có 2 kỳ thi nên điểm số chưa đánh giá được đúng năng lực của các con", chị Linh kể.
Chị chia sẻ thêm, sở dĩ con chị đạt được danh hiệu "học sinh hoàn thành xuất sắc" vì cháu ôn tập theo hướng dẫn của cô giáo. Do đó, cháu đã làm bài tốt và đạt được điểm 10 cả môn Văn và Toán.
Bảng điểm tổng kết của con trai chị Linh (ảnh nhân vật cung cấp)
Đạt được hai điểm 10 vào cuối năm học, chị Linh thấy con mình vui, đây sẽ là động lực giúp cháu chăm học và học tốt hơn trong năm tới. Tuy nhiên, chị cảm thấy lo lắng và lúng túng trước con số 54/56 học sinh "hoàn thành xuất sắc".
“Nhớ ngày xưa đi học, phấn đấu đạt được 7,8 điểm là khó khăn. Để đạt được 9,10 điểm thì phải nổi trội hơn hẳn so với các bạn trong lớp”, chị Linh bộc bạch.
Cùng lo lắng về thành tích học tập của con, chị Nguyễn Thị Mai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có con đang học lớp 4 chia sẻ, lớp con chị có 53 học sinh, trong đó 51 học sinh hoàn thành xuất sắc, có 2 học sinh đạt mức độ hoàn thành. Các cháu học sinh hoàn thành xuất sắc đều được điểm 9, 10.
Theo chị Mai, có con học hoàn thành xuất sắc chương trình học thì phụ huynh nào cũng thấy vui và hài lòng. Nhưng chị cũng băn khoăn, lo lắng về học lực thật của cháu.
"Cô đánh giá đúng chưa hay chấm điểm nhẹ tay rồi khen ngợi các cháu? Mặc dù biết, các con nhận được bằng khen là điều vui mừng và phản ánh sự cố gắng của các con trong năm học qua", chị Mai chia sẻ.
Do đó, để phòng tránh việc con chị tự hài lòng với bằng khen và sao nhãng học hành. Nghỉ hè, chị sẽ cho cháu tự rèn luyện một số môn học và rèn luyện kỹ năng sống. Chị cho cháu tham gia các hoạt động ngoài trời nhiều hơn để cháu hiểu biết xã hội.
Anh Mạnh Quân- một phụ huynh học sinh tại Hà Nội cho biết, với môn Văn, con anh không đạt điểm như giáo viên chấm. Nếu chấm đúng tay chỉ 5-6 điểm. Anh Quân nhận xét (theo ý hiểu ngày xưa, học sinh giỏi, học sinh khá): “Viết chữ như gà bới và toàn làm theo văn mẫu của cô. Đại khái thi cử cũng tự viết, xong cô sửa, học thuộc rồi chép lại khi thi. Học thế thì chết hết văn của học sinh. Nhưng anh đâu có bắt con không theo được? Cũng không bắt con phải là học sinh giỏi nhưng cả lớp đều học sinh giỏi. Có mấy học sinh khá đâu?”
Chị Nguyễn Thị Huyền (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có con đang học lớp 3 cho biết, lớp của của con chị có một số học sinh hoàn thành xuất sắc, còn lại là học sinh hoàn thành chương trình học. Tuy nhiên, chị thấy với học sinh hoàn thành chương trình học, các con đều nhận được bằng khen hoàn thành một mặt để các con đỡ tủi thân.
“Về chủ trương, khen ngợi các con để động viên khuyến khích tinh thần học của các con là đúng. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả học tập, các con đều là học sinh hoàn thành xuất sắc, đều đạt 9, 10 điểm. Liệu xét tuyển vào lớp 6 sẽ như thế nào? Lấy đâu sự khác biệt để xét tuyển vào lớp 6?” – Chị Huyền nói.