Quá nhiều “điểm đen” đường sắt

Dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam có rất nhiều “điểm đen” tai nạn giao thông do người dân tự mở đường ngang, không có cảnh báo, không rào chắn.

Sau khi xảy ra vụ tai nạn đường sắt thảm khốc vào rạng sáng 24-10 khiến 7 người thương vong, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng ngừa tai nạn tương tự xảy ra.

Chi chít đường ngang tự phát

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Thanh Hóa, đơn vị này đang quản lý khoảng 101,2 km tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa phận tỉnh Thanh Hóa và một phần phía Bắc tỉnh Nghệ An.

Cung đường này hiện có 117 đường ngang tự phát và 68 đường ngang hợp pháp (trong đó, 25 đường ngang có người gác), đây là nguyên nhân tiềm ẩn mất an toàn giao thông rất cao. Toàn tuyến có rất nhiều “điểm đen” giao thông như đường ngang qua xã Hoằng Lý (TP Thanh Hóa), đường ngang phía Nam cầu Cừ (đi vào xã Hà Yên, huyện Hà Trung), đường ngang vào Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn…

Đơn cử như tuyến đường ngang từ Quốc lộ 1 vào xã Hoằng Lý, nhiều người dân vẫn còn rùng mình về những vụ tai nạn thương tâm trong quá khứ. Ông Nguyễn Ngọc Hưng, sống tại khu vực này, cho biết năm nào cũng có vài người chết do tai nạn tàu hỏa. Hiện ngành đường sắt đã lắp biển báo và cử người túc trực để hướng dẫn, cảnh báo người qua đường. Tuy nhiên, theo người gác tàu thì tại đây chỉ có đèn tín hiệu, không barie nên một số tài xế xe tải thiếu ý thức vẫn cố băng qua khi đoàn tàu đang lao tới.

Tuyết đường sắt qua tỉnh Nam Định dài hơn 40 km, có tới 320 đường ngang, trong đó chỉ gần 50 tuyến đường ngang hợp pháp có rào chắn hoặc người gác. Gần đây nhất, ngày 9-10, ông Bùi Công Chiến (SN 1966; ngụ xã Yên Tiến, huyện Ý Yên) băng qua đường ở ngã ba Cát Đằng nhưng không quan sát nên bị tàu hỏa tông chết. Khu vực này là “điểm đen” về tai nạn đường sắt do nhà nào cũng tự mở cho mình một đường ngang, không có cảnh báo, không rào chắn.

Tại khu vực dọc đường Ngọc Hồi (quận Thanh Trì, TP Hà Nội) có rất đông nhà dân sinh sống gần đường sắt. Nhiều nhà dân tự ý phá hành lang đường sắt để làm lối đi riêng. Theo quan sát của phóng viên, khoảng gần 200 m có hàng chục lối đi riêng được người dân tạo ra, gần đó chỉ đặt tấm bảng nhỏ: “Chú ý tàu hỏa”. “Mỗi lần có tàu chạy qua, dù bận đến mấy thì vợ chồng tôi cũng phân chia nhau để đưa 2 đứa con vào trong nhà” - chị Nguyễn Thị Hoa, nhà sát đường sắt khu Ngọc Hồi, nói.

Quá nhiều “điểm đen” đường sắt - 1

Điểm giao cắt trên đường Trường Chinh (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) không có rào chắn nên thường xảy ra tai nạn. Ảnh: Bích Vân

Thường xuyên xảy ra tai nạn

Đà Nẵng có hơn 40 km đường sắt đi qua với hàng chục điểm giao cắt, trong đó nhiều điểm cũng không rào chắn. Bà Nguyễn Thị Thống (nhà gần một điểm giao cắt tàu hỏa thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) cho biết khu vực này thường xuyên xảy ra tai nạn do người đi đường thiếu quan sát. “Do ở nhà giữ cháu nên cứ rảnh là tôi ra đây đứng gác, ai qua mà thiếu quan sát thì gào lên” - bà Thống kể.

Trong 10 tháng đầu năm 2016, tỉnh Quảng Nam xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông đường sắt khiến 11 người chết. Theo ông Trương Khuê, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân được xác định là do có nhiều tồn tại ở các tuyến đường ngang dân sinh và ý thức tham gia giao thông của người dân.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy những nơi chỉ có hệ thống cảnh báo như biển báo, đèn, còi thì nguy hiểm luôn rình rập với người tham gia giao thông. Trong khi đó, theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 137 tuyến đường ngang dân sinh, trong đó 76 đường ngang không hợp pháp. Qua khảo sát, Ban ATGT tỉnh đã có văn bản đề nghị nâng mức cảnh báo từ tự động lên cảnh báo có gác chắn, từ cảnh báo biển báo lên cảnh báo tự động và cảnh báo có gác chắn đối với từng tuyến đường cụ thể. “Đối với những đường ngang bất hợp pháp nhưng có lượng phương tiện lớn, đề nghị thành lập tuyến hợp pháp để thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT. Những đường ngang mật độ phương tiện không nhiều thì kiên quyết đóng” - ông Khuê nhấn mạnh.

Theo thống kê của ngành đường sắt tỉnh Quảng Ngãi, hiện địa phương này chỉ có 16 đường ngang có người gác, 10 đường ngang có thiết bị cảnh báo tự động, 15 đường ngang chỉ được gắn biển báo trên đường. Ngoài những tuyến đường ngang hợp pháp, có hàng chục đường ngang do người dân lập nên.

Tai nạn liên tiếp xảy ra nhưng theo quan sát của phóng viên thì nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An có đường sắt chạy qua, người dân vẫn tự ý mở lối ngang băng qua đường sắt, không hề có rào chắn và biển cảnh báo. Anh Nguyễn Văn Lai - trú xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - lo lắng: “Không có đèn cảnh báo, rào chắn nên năm nào đoạn đường sắt đi qua xã cũng xảy ra tai nạn chết người”.

Thực hiện tốt quy chế phối hợp

Bộ GTVT yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương triển khai, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua trong việc bảo đảm trật tự ATGT tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt; tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác tại các đường ngang và lối đi dân sinh có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức rà soát các vị trí đường ngang giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có nguy cơ xảy ra tai nạn cao để cắm bổ sung biển báo và cương quyết không để phát sinh thêm đường ngang trái phép qua đường sắt…

Nâng cao ý thức người dân

Ông Nguyễn Văn Hào, Phó Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh, cho biết đơn vị đang quản lý 283 km đường sắt qua địa bàn các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa.

Theo ông Hào, tình trạng người dân lấn chiếm và tái lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt khiến việc xóa bỏ lối đi dân sinh, bảo đảm tầm nhìn bị ảnh hưởng. Nhiều điểm, ngành đường sắt đã tổ chức rào chắn, cắm biển nhưng bị tháo dỡ… “Việc nâng cao ý thức người dân mới là điều quan trọng, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý cấp kinh phí cho công ty phối hợp với Ban ATGT tỉnh và các địa phương tổ chức tuyên truyền cho học sinh ở các trường học, vận động người dân ký cam kết bảo đảm ATGT đường sắt. Đẩy mạnh phong trào “Em yêu đường sắt quê em”, “Thanh niên tình nguyện cảnh giới đường ngang”, xã hội hóa việc chốt gác…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN