Quá khứ “đen” của “vua” bãi vàng

Gã từng nhiều năm lăn lộn ở các bãi vàng đất Yên Bái, đánh lộn nhau, cờ bạc, chích hút, rồi bằng tình yêu chân thành của một cô gái, gã đã thức tỉnh. Chẳng những trở thành một người làm ăn lương thiện, gã còn giúp đỡ biết bao hoàn cảnh éo le, bất hạnh khác, cho họ cuộc sống và tích cực làm việc thiện. Gã tên Trần Anh Hưu, có xưởng may lớn tại thị trấn Mậu A (Văn Yên - Yên Bái).

Mái ấm của một gã từng… thét ra lửa

Những ngày cuối năm 2012, vợ chồng Hưu - Tuyến bật tất với những đơn đặt hàng, giao hàng, thu tiền nợ và chuẩn bị những suất quà làm từ thiện. Trong nụ cười hiền hiền của gã, dường như khói lửa của một thời giang hồ, lê lết qua bao nhiêu bãi vàng với nhiều cạm bẫy đã vơi cạn, chỉ còn lại một người đàn ông sống trách nhiệm với gia đình và vì nhiều hoàn cảnh khó khăn khác. Thật khó có thể tin một kẻ đã có những năm tháng sống bạt mạng nay lại trở thành người nhân nghĩa. Đem thắc mắc này hỏi gã, Hưu cười khà khà, giải thích: “Tỉnh ngộ mà, nếu đã tỉnh ngộ thì sẽ biết là sống và làm thế nào cho đúng với lẽ thường. Tôi nghĩ mình cũng nên năng làm việc thiện để tích phúc đức cho con cho cháu và cũng để việc làm ăn được thuận lợi. Nhiều khi thấy những người được mình giúp đỡ có cuộc sống ổn định thì mình cũng thấy vui”.

Để khẳng định thêm những lời Hưu nói, những việc gã làm, tôi đem chuyện của gã đến hỏi công an thị trấn Mậu A. Anh Bùi Văn Lượng - Trưởng Công an thị trấn cho biết: “Hưu đúng là có tiếng phá phách, giang hồ một thời nhưng đến nay đã làm ăn chân chính bằng chính nghề may của mình. Anh còn ra tay giúp đỡ rất nhiều người nữa. Điều đó thật tốt cho xã hội, cho gia đình và là một tấm gương để nhiều người từng một thời lầm lỡ, từng là nô lệ của nàng tiên nâu phải noi theo, học hỏi”.

Quá khứ “đen” của “vua” bãi vàng - 1

Vợ chồng Trần Anh Hưu

Gã thành lập xưởng may rồi thu lượm nhiều người cơ nhỡ, không công ăn việc làm, đứng trước nguy cơ sa ngã về làm việc, trả lương tốt. Gã đã biến xưởng may của mình thành “tổ ấm”. Và sau 13 năm lập nghiệp bằng nghề chân chính, Hưu đã giúp cho hàng trăm công nhân có việc làm. Hiện nay, mặc dù việc kinh doanh quần áo còn gặp khó khăn nhưng vợ chồng Hưu vẫn hỗ trợ gạo, tiền bạc cho các gia đình nghèo ở thị trấn vào dịp lễ, Tết... Nghe thấy người thân của công nhân bị mắc bệnh nặng anh đã chỉ đường mách lối, cho tiền tàu xe đi chữa trị. Tiếng tăm của một gã giang hồ bãi vàng năm xưa, giờ thay bằng sự nổi tiếng bởi lòng nhân nghĩa.

Nhớ quá khứ để hướng đến tương lai

Trong ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi được dựng xây bằng hai đôi bàn tay của cặp vợ chồng hạnh phúc luôn nghĩ cho nhau, Hưu đã kể về quá khứ mình, như thước phim đầy gam màu tối. Gã bảo, chỉ nhớ tới quá khứ để răn mình, hướng về tương lai thôi. Gã sinh năm 1960 ở một miền quê tỉnh Nam Định, ông nội và bố là thợ may có tiếng. Được bố mẹ thương, cho ăn học tử tế nhưng vì nghe bạn bè nói về “miền vàng” Lào Cai, nên năm 1983 Hưu đã xin gia đình lên đó kiếm ăn. Hai năm sau, với bản tính nhanh nhẹn, thông minh gã trở thành một “đại ca” trong giới đào vàng ở Văn Bàn với quân số đàn em hơn 100 người. Từ đó, Hưu luôn tham gia vào những cuộc thanh trừng, huyết chiến tranh giành lãnh địa giữa các chủ vàng và các băng nhóm. Ở nơi đó thường có cảnh cá lớn nuốt cá bé, kẻ nào mạnh thì kẻ ấy thắng. Để là một người có số có má, Hưu phải thể hiện sức mạnh, sự lạnh lùng của mình và bàn tay gã nhiều lần nhuốm máu. Hưu ngày càng sống tàn bạo hơn, hung ác, lạnh lùng hơn. Tên tuổi của Hưu dần được giới đào vàng phía Bắc nể sợ.

Quá khứ “đen” của “vua” bãi vàng - 2

Trần Anh Hưu kể về quá khứ

Giữa năm 1986, một lần Hưu cùng đàn em kéo quân sang “làm cỏ” lãnh địa của một đại ca có “số má” nhất Văn Bàn để giành ngôi thống trị. Tay đại ca kia đã thách đấu tay đôi với Hưu. Lời thách đấu vừa dứt, Hưu dùng ngay con dao lớn lao vào chém gần đứt cánh tay của gã đại ca nọ. Sau trận đó, Hưu được suy tôn là “vua” của bãi vàng Văn Bàn. Tất cả các đại ca khác muốn yên thân làm ăn thì hằng ngày đều phải cống nộp tỉ lệ phần trăm kiếm được cho “vua” bãi vàng.

Quản lý bãi vàng bằng luật rừng, tiền vào túi Hưu như nước. Rủng rỉnh tiền bạc trong tay, Hưu và đàn em say sưa sa vào thuốc phiện và cờ bạc. Cơn thịnh vàng của Hưu cũng đến lúc suy tàn, lãnh địa bị đánh chiếm, đội quân đào vàng sa vào nghiện hút và thua bạc. Đàn em thân cận của Hưu cũng nướng sạch “cơ nghiệp” của gã cho các ông trùm khác. Vàng của Hưu vơi dần theo sự bốc hơi của khói thuốc, cái uy của Hưu ngày càng tụt dốc. Gã trở thành con nợ. Sợ bị trả thù Hưu cùng mấy anh em thân tín nhất bỏ trốn lên Hà Giang.

Trong những ngày làm “vua vàng” ở Văn Bàn (Lào Cai) Hưu đã quen Phạm Thị Tuyến - một người bán hàng trong khu vực. Hai người có tình cảm và nguyện gắn bó mãi với nhau. Tuyến đã tự nguyện theo Hưu đi khắp các bãi vàng. Họ trở thành vợ chồng. lần trốn lên Hà Giang này Tuyến cũng đi theo. Trong một lần lội suối, vượt rừng Tuyến bị sẩy thai. Tuyến khuyên chồng từ bỏ giang hồ trôi nổi. Nhưng Hưu không nghe lời vợ mà quyết nuôi “chí lớn”, quay lại các bãi vàng phục hận. Tuyến đành một thân một mình bỏ về quê, trồng rau, buôn bán hàng xén sinh sống qua ngày chờ chồng.

Tháng 8/1993, thất bại nặng nề sau những ngày lang bạt ở các bãi vàng, Hưu tìm về Lào Cai thăm vợ. Rồi chẳng bao lâu họ quyết định tìm về Mậu A, (Yên Bái) làm nghề. Vợ chồng Hưu làm đủ nghề, từ buôn bán hoa quả đến thu mua đồng nát. Nhưng cơn nghiện đâu có chịu buông tha, Hưu giấu vợ lấy tiền mua thuốc phiện hút tại nhà. Có một lần khi Hưu đang “phiêu diêu” bên bàn đèn thì bị công an thị trấn ập đến bắt quả tang, “quạt” cho một trận và bắt Hữu phải tỉnh thức. Vợ Hưu về biết chuyện, ứa nước mắt. Thương vợ, Hưu thề sẽ đoạn tuyệt hẳn với ma túy. Sau mấy tháng cai nghiện vật vã kinh hoàng, gã đã thành công. Hưu kể: “Lúc mới cai nước mắt chảy ròng ròng, tay chân đau buốt như kiến bò tận xương tủy, vật lên vật xuống. Nhưng khi tỉnh dậy thấy vợ ngồi bên, đang cho đứa con thứ hai mới sinh bú, mắt ngấn lệ tôi thấy mình thật tàn nhẫn và xấu hổ. Hình ảnh ấy đã khiến tôi quyết tâm hơn.”

Tìm về phía sáng

Gã cũng biết, sau cai nghiện là phải tìm ra một công việc lương thiện, kiếm được cơm nuôi vợ con, để vợ con đỡ khổ. Hình ảnh ông nội và bố, với đường kim mũi chỉ hiện lên cho gã một định hướng. Gã đi làm nghề may gia truyền. Năm 2000, hai vợ chồng được giúp đỡ, cho vay tiền làm vốn, mua những tải vải vụn, thải loại mang về may túi để bán. Những đường kim mũi chỉ ban đầu còn vụng về, nhưng sau trở nên thành thạo. Một cân vải vụn may được ba cái túi. Ba túi bán được 50 nghìn. Cứ thế, mỗi tạ vải vụn may túi bán lãi 4 triệu đồng. Hưu ngồi ở nhà, may ngày may đêm... Rồi hai vợ chồng ngược xuôi mua vải vụn. Chỉ sau hơn một năm Hưu đã trả hết số nợ hơn 100 triệu. Túi vải bắt đầu bán chậm, Hưu lại nghĩ đến việc may quần áo bán.

Xưởng may lớn dần, cần thêm công nhân, gã tuyển người, trả lương… mọi việc cứ thế đi vào nền nếp, êm đẹp. Đến nay xưởng may của vợ chồng Hưu đã có hơn 60 công nhân làm thường xuyên, đều là con em các gia đình khó khăn, những mảnh đời bất hạnh. Các em mồ côi cha, mẹ, từng trộm cắp, chích hút đã được cai nghiện... đều được Hưu nhận vào dạy nghề miễn phí rồi bố trí việc làm ổn định. Tư tưởng của Hưu là cùng giúp nhau tiến bộ, sống tốt bằng chính sức lao động, công việc lương thiện của mình. Tất cả cùng dìu nhau về miền sáng, Hưu thấy mình thật hạnh phúc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo A Khoa (An ninh thủ đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN