Putin: Nga chưa cần thiết tấn công Ukraine
Tổng thống Nga cho rằng chưa đến lúc phải tấn công quân sự ở Ukraine, song vẫn bảo lưu quyền được can thiệp của Nga.
Ngày 4/3, trong lần đầu tiên liên tiếng trước công chúng kể từ sau khi các lực lượng Nga nắm quyền kiểm soát trên bán đảo Crimea, Tổng thống Putin mặc dù vẫn bảo lưu quyền sử dụng vũ lực để bảo vệ người dân Nga nhưng lại khẳng định hiện vẫn “chưa thực sự cần thiết” tấn công vào các lực lượng Ukraine.
Chuyên gia phân tích Paul Denoon nhận định: “Rõ ràng Putin đang tìm cách hạ nhiệt. Nhưng tôi không nghĩ ông ấy có ý định thay đổi quan điểm. Nguy cơ leo thang căng thẳng chưa thể chấm dứt.”
Có vẻ như Putin đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng tại Ukraine
Nga đang đối đầu với phương Tây để khẳng định tầm ảnh hưởng của mình tại Ukraine. Nga cho rằng, từ thời Liên Xô cũ, nước này đã có quyền được triển khai quân tại các căn cứ và sân bay của Crimea.
Putin khẳng định, quân đội của ông đóng quân tại Crimea – nơi Nga đang triển khai Hạm đội Biển Đen, những ngày qua chỉ bảo vệ các căn cứ của mình. Theo đại sứ Nga tại LHQ, Vitaly Churkin, hiện Nga có khoảng 16 ngàn quân ở khu vực Crimea, tuy nhiên theo một thỏa thuận đã ký giữa Moscow và Kiev, Nga có thể triển khai ở đây tới 25 ngàn quân.
Ngày hôm qua, phát biểu trước báo giới tại tư dinh gần Mossow, Tổng thống Putin cho biết: “Hành động quân sự là điều cực chẳng đã. Tuy nhiên, chúng tôi đã nhận được yêu cầu trực tiếp từ Tổng thống hợp hiến Yanukovych về việc hỗ trợ quân sự để bảo vệ công dân Ukraine”.
Tổng thống Putin cáo buộc những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan đã âm mưu lật đổ Yanukovych, đồng thời tuyên bố những người dân nói tiếng Nga ở Đông và Nam Ukraine cần được bảo vệ. Ngược lại, Tổng thống tạm quyền của Ukraine, Oleksandr Turchynov, lại lên tiếng phản bác rằng những người gốc Nga không hề bị đe dọa. Ông này còn cảnh báo, bất cứ một cuộc xâm lược vũ trang nào cũng đều là hành động gây chiến.
Putin cho rằng chưa cần thiết phải nổ súng vào các lực lượng Ukraine
Ông Putin cũng bình luận thêm rằng cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay trước mắt vẫn chưa có dấu hiệu leo thang.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đích thân bay tới Kiev để khẳng định sự hậu thuẫn của Mỹ đối với chính phủ lâm thời Ukraine, đồng thời cũng là để cung cấp các khoản hỗ trợ cho chính phủ mới.
Một số quan chức đi cùng Ngoại trưởng Mỹ cho biết, trong những ngày tới, hình phạt có thể sẽ được áp dụng đối các cá nhân và tổ chức của Nga, chẳng hạn như hạn chế đi lại hoặc phong tỏa tài sản, nếu nước này không hạ nhiệt hành động tại Ukraine và rút hết quân vào doanh trại.