Putin: Khi “gấu Nga” mất hết móng vuốt
“Họ sẽ luôn tìm cách xiềng xích 'gấu Nga', và khi đã xiềng được nó rồi, họ sẽ nhổ hết răng nanh và móng vuốt của nó", ông Putin tuyên bố trong một cuộc họp báo thường niên vừa diễn ra ở Moscow.
Ngày 18/12, phát biểu trong một cuộc họp báo thường niên tổ chức tại thủ đô Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga cần phải luôn chủ động bảo vệ chủ quyền để tránh trở thành một con gấu bị xiềng xích và bị “nhổ hết răng nanh và móng vuốt”.
Khi được hỏi về việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, ông Putin đưa ra một phép so sánh về điều gì sẽ xảy ra nếu biểu tượng của nước Nga là con gấu “ngừng săn đuổi lũ lợn và ngồi một chỗ ăn dâu với mật ong”.
Tổng thống Nga trong cuộc họp báo thường niên với các phóng viên nước ngoài
Tổng thống Nga nói rằng ngay cả lúc đó, con gấu cũng sẽ không được những kẻ bên ngoài để yên. “Họ sẽ luôn tìm cách xiềng xích nó, và khi đã xiềng được nó rồi, họ sẽ nhổ hết răng nanh và móng vuốt của con gấu. Con gấu này chính là khả năng răn đe hạt nhân của Nga. Một khi điều này xảy ra, con gấu đó không còn cần thiết nữa”.
Một khi con gấu mất hết răng nanh và móng vuốt, nó sẽ trở thành thứ vô dụng, ông Putin kết luận.
Phát biểu trước các phóng viên, ông Putin cũng nói rằng nước Nga đã sẵn sàng đàm phán về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đồng thời bác bỏ thông tin về việc những người Nga bị giết ở Ukraine là các binh sĩ trong quân đội Nga mà chỉ là những người tình nguyện tới Ukraine chiến đấu.
Putin hy vọng tình hình hiện nay ở Ukraine sẽ được giải quyết thông qua đối thoại càng nhanh càng tốt chứ không phải bằng biện pháp quân sự hay cấm vận kinh tế “gây bất lợi cho Ukraine và người dân nước này”.
Và khi được hỏi liệu những vấn đề kinh tế mà nước Nga gặp phải hiện nay có phải là cái giá phải trả cho việc sáp nhập Crimea hay không, ông Putin khẳng định nước Nga chỉ đang tìm cách bảo vệ chủ quyền và độc lập của mình, còn những khó khăn về kinh tế của Nga hiện nay một phần là hậu quả của các lệnh cấm vận do Mỹ và phương Tây áp đặt.
Ông Putin khẳng định cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine chỉ có thể được giải quyết bằng đối thoại
Trước đó, ông Putin từng tuyên bố “các yếu tố kinh tế bên ngoài” đã gây kích động tình hình hiện nay của Nga, chẳng hạn như việc giá dầu giảm liên tục, đồng thời ca ngợi sự can thiệp của Ngân hàng Nga vào tuần này để bảo vệ đồng rúp khỏi tình trạng sụt giá thê thảm.
Tổng thống Nga cũng thẳng thừng bác bỏ thông tin cho rằng ông đang đưa nước Nga quay trở về thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ông nói: “Họ nói rằng các cuộc tập trận và diễn tập quân sự của Nga đang làm gia tăng căng thẳng trên thế giới... Nhưng chúng tôi không hề tấn công ai, và chúng tôi không phải là kẻ gây chiến”.
Để minh chứng, ông Putin nói rằng Nga đã ngừng các hoạt động tuần tra bằng máy bay chiến lược từ thập niên 1990 và chỉ mới nối lại các chuyến bay này từ 2 hoặc 3 năm qua, trong khi Mỹ vẫn tiếp tục điều các máy bay ném bom chiến lược đi tuần tra ngay cả sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Ngoài ra, Nga chỉ có 2 căn cứ quân sự ở nước ngoài, trong khi Mỹ điều quân đồn trú ở khắp nơi trên thế giới. “Vậy mà các bạn lại nói rằng chúng tôi là kẻ xâm lược ư”, ông hỏi.
Trong câu hỏi cuối cùng của cuộc họp báo kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, phóng viên hỏi rằng liệu ông Putin có chịu trách nhiệm cá nhân đối với những vấn đề hiện nay của kinh tế Nga và liệu ông có tiếp tục ra tranh cử tổng thống vào năm 2018 hay không.
Giá dầu sụt giảm mạnh trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân đẩy kinh tế Nga rơi vào tình trạng khó khăn
Ông Putin trả lời rằng hiện vẫn quá sớm để đưa ra quyết định về việc tái tranh cử, và việc nhận trách nhiệm cá nhân về kinh tế “không phải là thứ mà tôi có thể tự mình gánh được, và tôi cũng không định như vậy”.
Ông Putin cho rằng trách nhiệm đối với các vấn đề khó khăn của kinh tế Nga hiện nay là “của ngân hàng trung ương và các tổ chức chính phủ khác đối với mỗi lĩnh vực kinh tế mà họ chịu trách nhiệm”.
Kết thúc buổi họp báo, ông Putin nhấn mạnh một cách lạc quan: “Chúng tôi sẽ vượt qua thời kỳ này, và kinh tế Nga sẽ hồi phục trong vòng 2 năm. Mặc dù không hề dễ dàng, nhưng chúng tôi sẽ tăng cường vị thế của mình trên nền kinh tế thế giới. Điều quan trọng là phải đảm bảo phúc lợi xã hội cho người dân bất chấp nguồn thu và ngân sách giảm, và chúng tôi hoàn toàn có thể làm được điều đó”.
Mặc dù khẳng định một cách lạc quan như vậy, song ông Putin không đề cập tới bất cứ kế hoạch hay giải pháp nào để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng trầm trọng hiện nay của nước Nga.
Đồng rúp của Nga đã giảm giá trị khoảng 45% so với đồng đô-la của Mỹ trong năm nay, và đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh vào ngày thứ Hai và thứ Ba, tuy nhiên ông Putin vẫn cho rằng đó không phải là khủng hoảng và đồng rúp sẽ lại tăng giá trở lại.