Putin "ghen tị" với Obama sau vụ Snowden
Tổng thống Putin tỏ ra "ghen tị" khi Tổng thống Mỹ Obama vẫn bình an vô sự sau khi Snowden phanh phui bê bối do thám của NSA.
Ngày 19/12, phát biểu trong cuộc họp báo thường niên của minh tại điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên về nhiều vấn đề khác nhau, đồng thời thú nhận rằng ông cảm thấy “ghen tị” với Tổng thống Mỹ Barack Obama về chương trình do thám toàn cầu của Mỹ.
Trả lời về cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden, ông Putin cho biết Nga chưa bao giờ và không hề có ý định khai thác các thông tin mật từ “kẻ phản bội nước Mỹ”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin: Tôi ghen tị với Obama
Ông Putin khẳng định rằng các cơ quan an ninh quốc gia của Nga chưa hề tiếp cận hay tìm cách khai thác thông tin từ phía Snowden, ngay bản thân ông cũng chưa từng gặp trực tiếp nhân vật bị Mỹ truy nã gắt gao này.
Theo ông Putin, các tài liệu về chương trình do thám của Mỹ mới được tung ra gần đây là do Snowden tiết lộ trước khi tới Nga, bởi Nga cho phép anh này tị nạn tạm thời với điều kiện chấm dứt các hoạt động tiết lộ thông tin mật gây tổn hại tới Mỹ.
Ông Putin nói: “Tôi cảm thấy như thế nào về Obama sau vụ tiết lộ thông tin mật của Snowden ư? Tôi thấy ghen tị với ông ấy, vì ông ấy vẫn bình an vô sự sau một vụ việc như vậy.”
Tổng thống Nga khẳng định: “Tương lai của Snowden là do anh ta tự quyết định. Nước Nga chúng tôi sẽ không giúp đỡ anh ta, mà chỉ cho anh ta nơi nương náu.”
Khi được hỏi về động thái mới đây của ban cố vấn Nhà Trắng cho thấy họ sẽ có những thay đổi trong các chương trình do thám của NSA, ông Putin, một cựu nhân viên tình báo KGB đã lên tiếng bảo vệ hoạt động gián điệp nói chung.
Putin cho rằng hoạt động tình báo là “một trong những nghề cổ xưa nhất thế giới, giống như một số nghề nổi tiếng khác mà tôi không muốn nói tới ở đây”, ám chỉ đến nghề mại dâm.
Theo Tổng thống Putin, các hoạt động do thám là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia của mỗi nước, tuy nhiên “các hoạt động này cần phải tuân thủ những quy tắc và luật chơi nhất định”, và “ở cấp độ chính trị, cần phải hạn chế lòng tham vô độ của các cơ quan đặc biệt bằng các chế tài nhất định.”