PTT Vũ Đức Đam: Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị ở Nhật Bản: “Tôi xin nói rõ thêm rằng Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam và Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm vào năm 1974”.

Hội nghị quốc tế “Tương lai châu Á” lần thứ 20 với chủ đề “Châu Á cất cánh-Thông điệp cho 20 năm tới” ngày 22/5, tại Tokyo, Nhật Bản, có sự tham gia của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có đề cập đến vấn đề Biển Đông.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, gần đây, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông bị đe dọa nghiêm trọng, gây quan ngại sâu sắc trong khu vực và thế giới.

Từ đầu tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt giàn khoan nước sâu được hộ tống bởi nhiều tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

“Tôi xin nói rõ thêm rằng Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam và Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm vào năm 1974”, Phó Thủ nhấn mạnh. 

PTT Vũ Đức Đam: Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị quốc tế “Tương lai châu Á” tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: VGP/Đình Nam

Đây là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Việt Nam tha thiết hòa bình, hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại để yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn tiếp tục dùng sức mạnh ngày càng nghiêm trọng và nguy hiểm hơn.

Ông nói: “Việt Nam luôn rất coi trọng và làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi cực lực phản đối mọi hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của mình”.

“Chúng tôi kiên quyết thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích chính đáng của mình, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Việt Nam cũng luôn chân thành mong muốn giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình nhằm bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực. 

Phó Thủ tướng nhắc lại việc cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về hậu quả của những hành động mà Trung Quốc gây ra. Các Hội nghị Bộ trưởng ASEAN và Chủ tịch của Hội nghị Cấp cao ASEAN đã ra các tuyên bố về tình hình nghiêm trọng ở Biển Đông. Điều này thể hiện rõ sự đoàn kết, vai trò và trách nhiệm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng chân thành cám ơn các quốc gia, các tổ chức và cá nhân đã ủng hộ lập trường đúng đắn của Việt Nam.

“Chúng tôi kêu gọi các bạn tiếp tục ủng hộ chúng tôi nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên Biển Đông”.

Vừa qua, nhân dân Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ Trung Quốc đã có hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Ở một số địa phương của Việt Nam, một số người lợi dụng biểu tình hợp pháp để phá hoại tài sản của các doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có hành động chống lại người thi hành công vụ, vi phạm luật pháp của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn không để tái diễn và khởi tố các cá nhân liên quan. Chúng tôi cam kết hỗ trợ thích hợp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhằm khôi phục và tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh. Hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường.

Phó thủ tướng khẳng định: “Chúng tôi cam kết tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và sử dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam”.

“ASEAN từng một thời bị chia rẽ sâu sắc bởi chiến tranh, nay đã thành ngôi nhà chung cho tất cả các quốc gia Đông Nam Á. Chiến tranh luôn để lại những dấu ấn buồn đau trong quan hệ giữa các nước. Tuy nhiên, nhiều nước đến nay đã trở thành đối tác chiến lược và bạn tốt của nhau. Quan hệ Việt Nam- Nhật Bản là một ví dụ điển hình.

Tôi xin kể một câu chuyện tại một huyện miền núi ở Việt Nam, sau thảm họa động đất sóng thần tại Nhật Bản, một người phụ nữ chân đất đã đi bộ hàng chục km để đóng góp một khoản tương đương hơn 2 đô la Mỹ  để ủng hộ cho người dân Nhật Bản. Khi được hỏi tại sao, người phụ nữ trả lời: “Tôi không biết nước Nhật ở đâu, tôi chỉ biết Nhật Bản đã xây dựng ngôi trường cho con tôi học”.”.

Phó thủ tướng khẳng định, hợp tác giữa hai bên trong mọi lĩnh vực không chỉ đem lại lợi ích vật chất đối với hai nước mà còn củng cố tình hữu nghị thực sự gắn bó giữa nhân dân hai nước. Mối quan hệ tốt đẹp này không phải được xây dựng trên sự tương đồng nào đó mà là sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, sự chân thành, lòng tin và hơn cả là sự tôn trọng chủ quyền quốc gia, luật pháp quốc tế và tập quán quốc tế”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D.Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN