Phút 'sa ngã' của phó chánh thanh tra Kiểm toán Nhà nước vụ Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát

Phát hiện nhiều sai phạm tại Ngân hàng SCB, phó chánh thanh tra Kiểm toán Nhà nước đã hai lần kiến nghị chuyển CQĐT nhưng sau đó không kiên quyết bảo lưu ý kiến này…

Liên quan vụ Trương Mỹ Lan-Vạn Thịnh Phát, ông Lê Thanh Hà, cựu phó chánh thanh tra Kiểm toán Nhà nước, cựu trưởng phòng Kiểm toán ngân hàng 1, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII, bị đề nghị truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Kết quả thanh tra Ngân hàng SCB đã bị bưng bít.

Kết quả thanh tra Ngân hàng SCB đã bị bưng bít.

Thanh tra toàn diện nhưng bị bưng bít

Kết quả điều tra cho thấy, ông Hà tham gia Đoàn thanh tra Ngân hàng SCB do NHNN chủ trì nhưng không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, báo cáo không đúng kết quả thanh tra.

Cụ thể, năm 2017-2018, NHNN chỉ đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thanh tra toàn diện đối với Ngân hàng SCB.

Đoàn thanh tra có 5 tổ, do Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia tiến hành. Cuộc thanh tra được tiến hành 2 đợt.

Một nội dung thanh tra là làm rõ tình trạng sở hữu cổ phần, kiểm soát, điều hành tại Ngân hàng SCB của Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để Chính phủ và NHNN có biện pháp xử lý phù hợp.

Nhưng quá trình thanh tra, ông Hà và các cá nhân khác đã có sai phạm nghiêm trọng, nhận tiền, quà, lợi ích vật chất từ Ngân hàng SCB. Từ đó, bao che, bưng bít, báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra dẫn đến NHNN không có đủ thông tin để tham mưu, chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm phạm tội của bà Trương Mỹ Lan.

Hai lần kiến nghị chuyển CQĐT

Theo Kết luận điều tra, ông Lê Thanh Hà đã đồng ý ký thay đổi kế hoạch thanh tra, thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra đối với khoản vay của nhóm 71 khách hàng có cùng địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai. Đây là các khách hàng thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát, do bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo, thao túng.

Đồng thời, qua thanh tra, ông Hà đã phát hiện các sai phạm và 2 lần kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng điều tra xử lý và yêu cầu làm rõ nguồn tiền tất toán, làm rõ có việc cho vay mới để trả nợ cũ hay không.

Cụ thể, trong đợt 1, ông Lê Thanh Hà là tổ trưởng Tổ 5, thanh tra hoạt động tín dụng đối với các khách hàng mới ở chi nhánh Phạm Ngọc Thạch. Qua thanh tra, phát hiện SCB cho vay 20 khách hàng với dư nợ hơn 28.000 tỉ đồng có vi phạm về thẩm định, phê duyệt, giải ngân cho vay và kiểm tra sử dụng vốn vay.

Cựu Phó Chánh thanh tra Kiểm toán Nhà nước đánh giá khoản vay có rủi ro cao và kiến nghị chuyển CQĐT xử lý. Sau đó, ông Hà đã có văn bản báo cáo Kiểm toán Nhà nước.

Kết quả thanh tra đợt 2 cũng phát hiện nhiều sai phạm nhóm 71 khách hàng và ông Hà tiếp tục kiến nghị chuyển hồ sơ sang CQĐT xử lý, đề nghị làm rõ nguồn tiền SCB cho vay mới để trả nợ cũ.

Tuy nhiên, quá trình tham gia dự thảo Kết luận thanh tra, ông Hà cũng không bảo lưu ý kiến và đồng ý nội dung không chuyển hồ sơ sai phạm nhóm 71 khách hàng cho cơ quan chức năng điều tra, xử lý.

Đây là căn cứ để Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn, người nhận hối lộ 5,2 triệu USD và ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra lên NHNN và Chính phủ.

Về yếu tố vụ lợi, cựu Phó Chánh thanh tra Kiểm toán Nhà nước chủ động khai báo đã 5 lần nhận tiền từ Ngân hàng SCB thông qua Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc SCB và các giám đốc chi nhánh Gia Lai, chi nhánh Hai Bà Trưng. Tổng số tiền đã nhận là 14.000 USD và 100 triệu đồng. Ông Hà đã phối hợp với gia đình nộp toàn bộ số tiền để khắc phục hậu quả.

Cùng bị đề nghị truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ còn có ông Nguyễn Văn Thùy, cựu phó trưởng ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thành viên Đoàn thanh tra.

Ông Thùy đã phân tích, đánh giá được nợ xấu của SCB không phản ánh đúng bản chất, tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu thấp là do ngân hàng xử lý bằng biện pháp kỹ thuật, nhiều chỉ tiêu tài chính bất thường…

Tuy nhiên, ông Thùy không báo cáo, báo cáo không đúng, không đầy đủ các nội dung này tạo điều kiện cho Đỗ Thị Nhàn, Nguyễn Văn Hưng bưng bít, che giấu sai phạm ở SCB.

Tại CQĐT, Ông Nguyễn Văn Thùy chủ động khai báo 6 lần nhận tiền tổng cộng 21.000 USD (474 triệu đồng) và 60 triệu đồng cùng quà là áo sơ mi, áo phông, một hộp yến… Ông Thùy cùng gia đình đã nộp lại toàn bộ số tiền này.

Vai trò siêu dự án tỉ đô Mũi Đèn đỏ trong vụ Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát

Siêu dự án Mũi Đèn đỏ được Ngân hàng SCB ghi nhận có giá trị 584.000 tỉ đồng và đảm bảo cho 100 khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BÙI TRANG ([Tên nguồn])
Vụ án Vạn Thịnh Phát Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN