Phượt cùng “câu thủ” trên sông Tam Giang
Hôm Ba Trung rủ tôi phượt một chuyến trên sông Tam Giang câu cá dứa, tôi gật đầu ngay mà không cần đắn đo chuyện mình có “săn” được cá hay không. Đơn giản, tôi chỉ muốn trải nghiệm thú vui hái ra tiền triệu của các “câu thủ”.
Rèn tính kiên nhẫn
Đúng hẹn, tôi đã có mặt tại bến cảng của thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn (Cà Mau), Ba Trung và những “câu thủ” khác đã lên thuyền chờ sẵn. Đúng 6 giờ chiều, đoàn chúng tôi bắt đầu dong thuyền từ bến cảng Năm Căn chạy thẳng ra sông Tam Giang, bắt đầu cuộc hành trình đầy lý thú.
“Sông Tam Giang còn có tên gọi khác là sông Cửa Lớn, tên chữ là Đại Môn Giang, dài 58km. Có lẽ đây là con sông duy nhất ở Việt Nam nối hai vùng biển- ra Biển Đông ở cửa Bồ Đề và biển Tây ở cửa Mũi Ông Trang, gần mũi Cà Mau. Dù nối hai Biển Đông và Tây nhưng Tam Giang là sông nước lợ vì có 3 con sông nhỏ đổ nước ngọt vào. Con sông này là “nồi cơm” của những cư dân nghèo từ mọi nơi trôi dạt về đây”– Ba Trung giải thích khi thuyền rẽ sóng đến điểm câu.
Thuyền dừng lại tại ngã ba Trại Lưới. Đưa mắt liếc nhìn dòng nước chảy xiết cạnh bìa rừng, Ba Trung bảo đây là nơi lý tưởng để ông và các bạn của mình tha hồ thi thố tài năng. “Nghề câu cá dứa thấy dễ chứ không phải dễ. Mồi câu là trùn cát, lưỡi câu sắc nhọn, tùy dòng nước chảy mạnh, yếu mà người câu mắc chì nặng hay nhẹ. Nó đòi hỏi người cầm cần phải có nghệ thuật quăng mồi, con mắt quan sát luồng cá…” – Ba Trung nói.
Theo các “câu thủ” kỳ cựu, cá dứa luôn ở dòng nước trong và luôn đi cặp, câu dính một con, lát sau thế nào con còn lại cũng cắn câu. Đặc biệt muốn bắt chúng phải có tính nhẫn nại. Đợi… và đợi chúng đến. Hàng giờ đồng hồ trôi qua, cuối cùng cá dứa đã đến. Ba Trung dùng lực giật mạnh cần câu trong tay, dây câu căng thẳng như sợi dây cung. “Ái chà con cá này to đây” – vừa thu dây câu, ông vừa nói.
Đấu trí với cá dứa
Hóa ra, để cá cắn câu đã khó, muốn bắt được cá còn khó hơn. “Quấn dây câu đi chú” – tôi thúc. “Không được, nóng quá là đứt dây câu ngay” – Ba Trung chậm rãi nói.
Trong lúc Ba Trung đang “đấu trí” với con cá dứa to đùng dưới nước thì trên thuyền những bạn câu của ông đã chuẩn bị đồ nghề để bắt cá. Đó là chiếc vợt có khung bằng sắt, túi vợt làm bằng lưới 4 phân lỗ, đường kính bằng vòng tay người. Gần 15 phút vật lộn với con cá, cuối cùng Ba Trung cũng kéo được nó vào mạn thuyền để những người bạn của ông dùng vợt xúc nó lên thuyền. Con cá dứa phải hơn 6kg có hình dạng tựa như cá tra đã nằm gọn trong khoang thuyền. Đến lúc này, Ba Trung mới giải thích cho tôi: “Khi cá vừa cắn câu mà nóng lòng muốn đem nó lên nhanh là hỏng việc, vì nó là loại rất ranh ma, tuy đã dính lưỡi câu nhưng để thoát thân nó cố vùng vẫy. Người câu phải thả dây khi nó cố chạy, thu dây khi nó mất sức. Cứ thế, cho đến khi con cá không còn sức để chạy nữa thì mới bắt được”.
Một con, hai con… và hàng chục con cá dứa khác lần lượt “bò” lên thuyền chỉ vài giờ sau đó. Kim đồng hồ điểm hơn 2 giờ sáng ngày hôm sau, dù lạnh vì sương vì gió biển nhưng ai cũng hăng máu ngồi đợi cá tiếp tục cắn câu. Theo các “câu thủ”, cá dứa là loại có thịt thơm ngon nên rất được người tiêu dùng ưa thích, vì vậy mà giá của nó lúc nào cũng cao. Cá biệt có lúc đến đến gần 500.000 đồng/kg. Điều này đồng nghĩa với việc mớ cá của Ba Trung và các cộng sự của ông cũng đã giúp họ thu về tiền triệu.