Phường giúp 1 phụ nữ làm khai sinh sau 40 năm

Sự kiện: Thời sự

Mãi đến năm 40 tuổi, nhờ sự nỗ lực của cán bộ cơ sở, chị Trúc có được tờ giấy khai sinh để được hưởng các quyền lợi của người khuyết tật.

Mới đây, cán bộ UBND phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM đã cùng công an phường đến trao giấy khai sinh cho chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (40 tuổi), người bị bệnh động kinh bẩm sinh.

Cán bộ phường Bình Hưng Hòa trao giấy khai sinh cho chị Nguyễn Thị Thanh Trúc và công an phường trao sổ tạm trú cho gia đình bà Hương. Ảnh: LÊ THOA

Cán bộ phường Bình Hưng Hòa trao giấy khai sinh cho chị Nguyễn Thị Thanh Trúc và công an phường trao sổ tạm trú cho gia đình bà Hương. Ảnh: LÊ THOA

Chúng tôi đã an lòng rồi

Những ngày giáp tết Nguyên đán, căn phòng trọ nhỏ của ông Trần Ngọc Lợi (60 tuổi) và bà Nguyễn Thị Xuân Hương (66 tuổi) ở khu phố 14, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân như trở nên vui hơn khi cô con gái 40 tuổi nhận được tờ giấy khai sinh, chứng nhận sự tồn tại của cô này. Chị Trúc được mọi người trìu mến gọi là “cái Trúc”, “bé Trúc”.

Cầm trên tay tờ giấy khai sinh, bà Hương nói: “Lúc sinh ra, tôi đã đặt tên Thanh Trúc cho nó, mỗi ngày đều gọi Trúc ơi đến quen thuộc rồi. Tuy nhiên, mãi đến bây giờ mới được nhìn thấy tên của nó được in trên tờ giấy khai sinh. Tôi vui lắm”.

Những người hàng xóm xung quanh, người bê qua gói rau, người cho nồi thịt kho làm đầy thêm bữa cơm gia đình, giúp niềm vui ấy của vợ chồng bà Hương như được nhân lên.

Bà Hương kể chị Trúc là con gái của bà với người chồng cũ. Khi sinh ra chị Trúc đã mắc bệnh động kinh, nhiều lần co giật khiến gia đình bao phen hoảng sợ. Cuộc sống hôn nhân không trọn vẹn, bà Hương đưa con gái đi mưu sinh ở nhiều nơi rồi gặp ông Lợi, chắp vá thành một gia đình để cùng dựa vào nhau lúc ốm đau.

Cũng do cuộc sống khó khăn, mải mê mưu sinh, bà lại ốm đau liên miên, nay trọ chỗ này mai trọ chỗ khác nên bà Hương cũng quên bẵng đi việc làm giấy khai sinh cho con. Cứ thế, 40 năm qua chị Trúc lớn lên trong sự ngây ngô, không nói được, không tự tắm rửa, vệ sinh cá nhân hay tự ăn uống được. Mọi sự đều phụ thuộc vào người thân.

Cho đến một ngày, các cán bộ ở UBND phường Bình Hưng Hòa đi điều tra dân số mới phát hiện ra trường hợp này và hối thúc gia đình lục tìm hồ sơ. May mắn tờ chứng sinh năm 1981 vẫn còn, chị Trúc đã được xã hội công nhận sự sinh ra sau 40 năm.

“Chúng tôi vốn không hiểu về pháp luật, một phần vì lo mưu sinh, phần vì ngại đụng đến giấy tờ nên cũng cho qua. Nghe các cán bộ ở phường giải thích nếu có giấy khai sinh, cái Trúc sẽ được hưởng các chế độ của người khuyết tật, có bảo hiểm, được Nhà nước quan tâm. Thậm chí, đến khi tôi mất đi thì sẽ nó sẽ được Nhà nước chăm lo, như vậy tôi đã an lòng rồi” - bà Hương xúc động nói.

Phường hỗ trợ sổ tạm trú, bảo hiểm y tế

Sau khi làm giấy khai sinh cho chị Trúc, bà Nguyễn Thị Mai, cán bộ Đội công tác tình nguyện xã hội của UBND phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, vẫn thường xuyên lui tới để trao các gói quà hỗ trợ từ các đoàn thể, chính sách của phường. Khi thì bịch gạo, bánh trái, khi thì ít tiền…

Bà Mai là người phát hiện ra trường hợp này và báo về phường để tìm cách hỗ trợ. “Lúc biết Trúc đến 40 tuổi mà chưa có giấy khai sinh, tôi liền báo cho lãnh đạo phường, liên lạc với công an để làm ngay, bởi Trúc đã mất chế độ của người khuyết tật 40 năm qua rồi. Giờ phải làm gấp cho cháu mới được” - bà Mai nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Ngọc Thắm, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa, cho biết trường hợp một “bé gái” khuyết tật đến 40 tuổi vẫn chưa có giấy khai sinh là trường hợp cá biệt mà phường phát hiện ra.

Theo đó, thời gian qua, phường liên tục khảo sát dân số để có hộ gia đình nào có hoàn cảnh khó khăn thì có hướng hỗ trợ. Tuy nhiên, gia đình bà Hương không ở một chỗ mà di chuyển nhiều nơi, không khai báo tạm trú nên phường chưa phát hiện kịp thời.

Vì vậy, ngay khi có báo cáo của cán bộ đi khảo sát, phường đã cử cán bộ tư pháp, cảnh sát khu vực xuống nắm thông tin, hướng dẫn các thủ tục để làm giấy khai sinh cho chị Trúc.

“Biết được hoàn cảnh của gia đình bà Hương, lãnh đạo phường đã chỉ đạo xuyên suốt việc này, làm sao để tạo mọi điều kiện hoàn tất các giấy tờ cần thiết cho người dân” - bà Thắm nói.

Bên cạnh đó, phường cũng rà soát các quyền lợi của người khuyết tật, tiến hành làm bảo hiểm y tế cho chị Trúc; đồng thời hỗ trợ làm sổ tạm trú cho gia đình và bảo hiểm y tế cho bà Hương vì bà thường xuyên ốm đau. Đến khi hoàn thành xong, phường cũng xuống tận nhà để trao giấy khai sinh và sổ tạm trú cho gia đình.

Bà Thắm cũng cho biết thời gian tới phường cũng sẽ có chính sách hỗ trợ chăm lo, quà cáp hằng năm cho gia đình bà Hương...

Giấy khai sinh không chỉ để quản lý

Việc một người được sinh ra và được cấp giấy khai sinh là điều bình thường với mọi người nhưng người phụ nữ khuyết tật đến 40 tuổi mới được công nhận sự có mặt trên cõi đời có nhiều điều làm chúng ta phải suy nghĩ.

Còn nhớ mới đây trong chương trình Lắng nghe và Trao đổi tháng 10-2020, một cử tri đã phản ánh việc người mẹ của anh dù đã 45 tuổi vẫn chưa được đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, chưa được cấp giấy tờ tùy thân. Gia đình đã liên hệ với phường để làm giấy khai sinh nhưng chưa nhận được kết quả trả lời.

Chúng ta đều biết một cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh, đến khi chết đi phải được khai tử. Đây là điều đã được luật pháp công nhận, không một ai được cướp đi quyền đó và chính quyền, Công an phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân đã tạo mọi điều kiện tốt nhất hoàn thiện mọi quyền lợi của một con người, mà cao hơn là sự công nhận một người tồn tại cho dù người ấy không may bị chứng động kinh bẩm sinh, chỉ biết cười ngây ngô và ú ớ những điều không ai rõ.

40 năm qua, cô ấy sống không có danh phận, không được công nhận và thật may, bằng sự sâu sát đến từng ngóc ngách ở địa bàn, thấu hiểu với hoàn cảnh của người yếu thế mà cán bộ phường Bình Hưng Hòa đã cố gắng làm giấy khai sinh cho “đứa bé” 40 tuổi ấy. Đồng thời hỗ trợ cả việc làm sổ tạm trú, bảo hiểm y tế và các chính sách hỗ trợ cho cả gia đình.

Không phải tự nhiên mà luật pháp quy định rất rõ, rằng một con người đến với thế giới này sống đủ 24 giờ và không may mất đi thì phải công nhận họ đã từng tồn tại trên cõi đời bằng việc khai sinh, khai tử cho họ và đây là quyền cơ bản nhất của mọi công dân.

Ở đâu đó sẽ còn có người vẫn sống rồi về với cát bụi và vì những lý do khác nhau mà chưa được khai sinh.

Cán bộ cơ sở nên nắm bắt để giúp đỡ, tháo gỡ… để họ được thừa nhận, nó không chỉ biểu hiện của việc gần dân mà cao hơn nó còn mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Bởi suy cho cùng, nền hành chính nào ngoài việc quản lý thì cũng hướng về người dân, phục vụ cho dân là trên hết.

LÊ THOA

Nguồn: [Link nguồn]

Bất ngờ hoàn cảnh cụ ông 74 tuổi ăn xin có 5 CMND và 7 CCCD

Gia đình người ăn xin ở phường 2, quận Tân Bình, TP HCM này không "đáng thương" như dư luận đồn đoán. Về việc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo LÊ THOA ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN