Phương án nào cũng phải bảo tồn cầu Long Biên

Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết cầu Long Biên đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng, nên Bộ GTVT rất tôn trọng ý kiến của các nhà lịch sử, nhà văn hóa cũng như người dân góp ý về phương án bảo tồn cây cầu này.

Theo Thứ trưởng Đông, có nhiều phương án đối với cầu Long Biên, trong đó đưa ra quan điểm phải tôn tạo, lưu giữ; có những quan điểm phải vừa tôn tạo, giữ gìn vừa phát huy những công năng mới; có những quan điểm giữ nguyên cái cũ và làm cầu ở một vị trí khác. Tôi cho rằng cần lấy ý kiến đa chiều rồi mới quyết định vì mục tiêu chung giao thông thông suốt trên hành lang quan trọng này của Hà Nội, nhưng vẫn giữ được hình ảnh cầu Long Biên.

Thứ trưởng Đông cho rằng, phải định danh rõ sự hài hòa giữa bảo tồn và vận tải. Hà Nội đang đà phát triển mạnh, dân số tăng nhanh, không thể bắt người dân đi vòng khoảng cách xa lên tận Nhật Tân mới qua được sông Hồng. Hơn nữa giao thông là cần thiết để phát triển Hà Nội. Đây là trục quan trọng nên phải xây dựng cầu mới, nhưng chọn vị trí nào phải nghiên cứu kỹ. Chúng tôi đã đề nghị từ trước xây dựng cầu mới cách cầu cũ 30m. Phương án này sẽ bảo tồn nguyên vẹn cầu cũ nhưng vẫn có quan điểm lo ngại ảnh hưởng tới cảnh quan, kiến trúc của cầu cũ. Hà Nội vẫn đề nghị nghiên cứu xây cầu mới đi trùng tim cầu cũ.

Phương án nào cũng phải bảo tồn cầu Long Biên - 1

 Cầu Long Biên xưa

Trước đây, Bộ GTVT đã nghiên cứu rất nhiều phương án, trong đó tuyến tránh 30m, 50m, 100m và trong vòng 200m trở lại nhưng tách ra khỏi cầu cũ và giữ lại cầu cũ để Hà Nội có các phương án nâng cấp, bảo tồn. Khi đó, phương án xây cầu mới cách cầu cũ 30m đã được Hà Nội đồng ý rồi trình Chính phủ và Chính phủ đã duyệt dự án khả thi.  Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng khi xây dựng cầu mới song song sẽ làm ảnh hưởng tới không gian kiến trúc của cầu cũ nên đề nghị dịch ra khoảng 200m và cuối cùng phương án dịch ra khoảng 186m là hợp lí. Nhưng do vấn đề xã hội về giải phóng mặt bằng nên Hà Nội lại đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu phương án trùng tim của tuyến cũ.

Tuy nhiên, cầu Long Biên đã rất cũ, nếu tiếp tục sử dụng phải gia cố, tăng cường. Hơn nữa công năng cho đường thủy cũng thay đổi nên phải trùng tu, nâng  độ cao. Nếu trùng vị trí cũ mà không cho động chạm đến cầu thì không thể đảm bảo giao thông cả đường sắt và đường thủy.

Mạng đường sắt đô thị Hà Nội được nghiên cứu quy hoạch rất chi tiết với 8 tuyến đường sắt. Đây là tuyến số 1 rất quan trọng với giao thông Hà Nội nên không thể dịch chuyển đi quá xa để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi tàu, từ đó giảm tải giao thông đường bộ. Thứ trưởng Đông nói: Với tuyến đường sắt chỉ cần dịch chuyển đi khoảng 500 m là hành khách đã ngại đi bộ rồi. Mà đặc thù đi đường sắt đô thị là đi bộ lên tàu, không thể bắt hành khách đi vòng lên Nhật Tân rồi mới vòng xuống được. Nên cần hoạch định các tuyến, mỗi tuyến sẽ ảnh hưởng đến một hành lang giao thông nhất định.  Ở tuyến này,  chỉ có thể dựa trên hành lang đó để lựa chọn vị trí. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ và có thủ tục duyệt dự án từ trước, đề nghị để thực hiện được sẽ xây dựng cầu mới cạnh cầu cũ nhưng cũng có quan điểm lo ngại sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc cầu cũ.

Theo ông Đông, nhu cầu triển khai tuyến đường sắt đô thị số 1 đang cấp bách, đã được đề ra từ những năm 1998. Năm 2005 đã xác định đường sắt đô thị rất cần thiết để tránh quá tải giao thông Hà Nội, tránh quá tải cầu Chương Dương. Phía Nhật Bản cũng đồng ý hỗ trợ khoản vay để xây dựng tuyến đường sắt này nhưng muốn chúng ta chốt phương án vị trí cầu Long Biên để thực hiện. Chúng tôi cần sự đồng thuận vì dự án đi trên địa bàn Hà Nội, rồi sẽ báo cáo Chính phủ quyết định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiện Anh (Giaothongvantai.com.vn)
Tranh cãi việc bảo tồn cầu Long Biên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN