Phương án nào cho BOT Cai Lậy?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nêu 3 phương án tháo gỡ cho trường hợp trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang), gây tranh luận trái chiều.
Tại Hà Nội, sáng 5-12, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định tạm dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy trong vòng 1-2 tháng để rà soát lại toàn bộ quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, tổ chức thu phí; làm rõ việc tuân thủ quy định pháp luật, làm rõ những vấn đề có thể có bất cập, từ đó xây dựng phương án cụ thể để báo cáo Thủ tướng trước khi tổ chức thu phí trở lại.
Ba "kịch bản"
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng nói về những bất cập mà dư luận đã nêu, như cho rằng việc nhà đầu tư làm tuyến tránh nhưng lại đặt trạm thu phí trên quốc lộ (QL), trong đó có các trạm thu phí BOT Cai Lậy, Biên Hòa (Đồng Nai), Bến Thủy (Nghệ An)…
Đối với BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết bộ có 3 "kịch bản" để tính toán. Thứ nhất, nếu giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy thì tăng cường tuyên truyền vận động, kèm cải thiện dịch vụ như mở thêm làn... Thứ hai, di dời trạm thu phí về tuyến tránh. Với "kịch bản" này, cần tính toán lại, thương thảo với nhà đầu tư về thời gian thu phí. Tuy nhiên, rất khó khả thi bởi thời gian thu hồi vốn không đúng theo cam kết vay vốn, có thể ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng. Thứ ba, sẽ đặt 2 trạm thu phí: một trạm trên QL 1 để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên QL; một trạm trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư làm tuyến tránh.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy bị tài xế phản đối vì họ cho rằng trạm đặt sai vị trí.Ảnh: lê Phong
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về 3 phương án với BOT Cai Lậy nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng Thủ tướng đã nghe báo cáo và các bộ - ngành đều có ý kiến trong cuộc họp tối 4-12. "Cũng có bộ - ngành thiên về phương án này, phương án kia song nhìn chung không có ai nói nhà nước sẽ mua lại dự án BOT Cai Lậy" - ông Đông nói.
"Tuy nhiên, Thủ tướng vẫn yêu cầu phải rà lại toàn bộ để xem xét. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các phương án để so sánh, lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, đơn vị, sau đó trình Thủ tướng quyết định" - Thứ trưởng Đông nhấn mạnh thêm.
Không nên dùng ngân sách mua lại
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động cùng ngày, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng đối với dự án trạm thu phí BOT Cai Lậy, về cơ bản cần thực hiện 2 việc. Một là, phải rà soát toàn bộ và xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm tất cả hành vi vi phạm. Hai là, di chuyển trạm thu phí về tuyến tránh và đàm phán lại với nhà đầu tư. Nếu không thỏa thuận được với nhà đầu tư thì có thể kêu gọi đơn vị khác vào thu phí. "Tôi cho rằng không dùng ngân sách mua lại trạm BOT Cai Lậy, vì nếu dùng ngân sách để mua lại, có thể khỏa lấp trách nhiệm của người làm sai và buộc nhà nước làm thế chỗ cái sai của họ" - ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, đánh giá: Rõ ràng, nút thắt để giải quyết vấn đề BOT Cai Lậy chính là vị trí đặt trạm thu phí. Việc nhà đầu tư nâng cấp, sửa một đoạn trên QL1 (khoảng 300 tỉ đồng), đồng thời đầu tư tuyến tránh, sau đó lại đặt trạm thu phí trên QL là bất hợp lý và đã bị người dân phản ứng. Do đó, nút thắt phải gỡ ở đây là di dời trạm thu phí vào tuyến tránh, sau đó Bộ GTVT đàm phán, tạo cơ chế cho nhà đầu tư dự án để thu phí, có thể tăng mức phí hoặc kéo dài thời gian thu phí để hoàn vốn.
"Đối với 3 phương án cho BOT Cai Lậy mà Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nêu ra, tôi cho rằng chỉ có phương án thứ hai là hợp lý nhất, đó là di dời trạm thu phí về tuyến tránh. Còn phương án thứ nhất và thứ ba khó có thể được chấp nhận" - ông Thủy nêu quan điểm.
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM), nên tách phần cải tạo QL1 ra; dùng phí bảo trì đường bộ hoàn trả lại cho chủ đầu tư đối với phần cải tạo QL1; dời trạm BOT vào đường tránh; rà soát lại mật độ xe qua thị xã Cai Lậy, xe nào có tải trọng lớn, xe từ 30 chỗ ngồi trở lên, xe container thì cấm, buộc đi vào đường tránh để giảm tải cho nội ô Cai Lậy. Chỉ có giải pháp đó mới tháo gỡ được vấn đề...
Đối thoại để gỡ ách tắc ở BOT Ninh An Sáng 5-12, các tài xế lại dừng xe chắn làn đường ở trạm thu phí BOT Ninh An (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) thuộc dự án mở rộng QL1 do Công ty CP Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Vụ việc bắt đầu khoảng 9 giờ 45 phút cùng ngày, một ô tô dừng lại ở làn thu phí không chịu di chuyển, ngay sau đó nhiều xe khác cũng làm theo nhằm phản đối. Đơn vị quản lý trạm BOT mời các tài xế vào bên trong nhà điều hành để đối thoại. Tại đây, các tài xế chỉ ra nhiều điều bất hợp lý về miễn giảm phí, cự ly đặt trạm… Ông Trần Phúc Tự, Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Đèo Cả, khẳng định trạm thu phí BOT Ninh An được đặt hoàn toàn bên trong cung đường mà chủ đầu tư xây dựng hơn 38 km. Ông Lưu Xuân Thủy - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cầu đường Sài Gòn, đơn vị vận hành trạm thu phí BOT Ninh An - cho rằng việc miễn phí 3 xã, phường là Ninh Lộc, Ninh Quang, Ninh Hà do địa phương lập danh sách và Bộ GTVT phê duyệt. Danh sách các phương tiện do địa phương đưa lên có thể có sự thiếu sót. Ông Thủy đề nghị các tài xế có đơn, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu photocopy gửi cho trạm để lập danh sách gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ GTVT đưa vào diện miễn giảm hoặc đề xuất bổ sung các xã, phường cùng khoảng cách. Sáng cùng ngày, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã tổ chức cuộc họp khẩn cùng các ban, ngành và chủ đầu tư để tìm giải pháp giải quyết bất ổn ở trạm thu phí BOT Ninh An. Ông Vinh yêu cầu chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu dự án này tách biệt với dự án Hầm đường bộ Đèo Cả; giao Sở GTVT Khánh Hòa đánh giá lại việc đặt trạm thu phí; xem xét lại chất lượng đoạn đường, việc miễn giảm thu phí ở 3 xã, phường của thị xã Ninh Hòa đã hợp lý chưa?... K.Nam - H.Ánh |
Phải hài hòa lợi ích ba bên Bộ GTVT vừa nêu 3 phương án cho BOT Cai Lậy. Đối với phương án 1: Hoàn toàn không khả thi, điển hình như vụ việc đã xảy ra trong liên tiếp từ ngày 30-11 đến 4-12 vừa qua. Giới tài xế và chủ doanh nghiệp vận tải đã sẵn sàng tập trung xe cộ, phương tiện để "đấu" đến cùng. Họ phản đối vì sự tồn tại vô lý và vì những khuất tất, thiếu minh bạch xoay quanh dự án. Họ đang có cảm giác bị Bộ GTVT, chính quyền địa phương và chủ đầu tư bắt tay nhau làm lợi trên sự đóng góp trực tiếp của họ. Và dù có giảm giá đến mức như thế nào đi nữa thì họ cũng sẽ vẫn tiếp tục phản đối như đã thấy trong thời gian qua. Đối với phương án 2: Đây có thể nói là phương án khả thi nhất nếu xét theo nguyên tắc kinh doanh lời ăn lỗ chịu. Nhưng nếu xét về mặt pháp lý thì cái sai đầu tiên chính là thuộc về Bộ GTVT, khi đã tự ý vẽ ra khoản cải tạo, tăng cường 26,5 km QL1 để sau đó đưa trạm thu phí từ tuyến tránh về địa điểm như hiện nay. Hợp đồng lại dựa theo nguyên tắc vị trí đặt trạm thu phí này nên nhiều khả năng chủ đầu tư sẽ không chấp nhận dù có hoàn tiền (kể cả đã tính thêm phần lợi nhuận cho khoản đầu tư này), đồng thời họ sẽ kiện bộ ra tòa. Việc này sẽ thành một tiền lệ xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dự án cần kêu gọi vốn theo hình thức BOT sau này. Còn vấn đề kẹt xe do lượng xe cộ đổ dồn về thị xã Cai Lậy thì có thể giải quyết bằng cách hạn chế xe có tải trọng lớn lưu thông vào nội ô trong các khung giờ cao điểm. Nhưng theo quan sát thực tế đang diễn ra ở một số tuyến QL bị cấm theo khung giờ cao điểm như hiện nay thì tình hình cũng không khả quan. Ví dụ như đoạn QL1 qua huyện Bình Chánh, TP HCM - nhiều xe chấp nhận xếp hàng chờ đợi tới giờ để đi vào QL1 chứ không lên đường cao tốc Trung Lương (tốn phí). Như vậy, chỉ còn phương án 3. Đây có thể là phương án khả quan nhất. Với mức phí phù hợp so với mức đầu tư bỏ ra, ít nhất người tham gia giao thông vẫn có quyền lựa chọn và không còn cảm giác như kiểu bị "lùa" và tận thu như hiện nay. Cho dù chọn phương án nào đi nữa thì vẫn rất cần có sự công khai thu chi, như theo Thông tư 49/2016/Bộ GTVT về yêu cầu lắp đặt bảng điện tử công khai thu chi và thời gian dự án, cũng như triển khai hệ thống thu phí không dừng. Có như vậy mới xóa tan thắc mắc, nghi ngờ trong lòng người dân. Giải quyết vấn đề BOT Cai Lậy thực chất là vấn đề sửa sai. Sai do áp đặt mệnh lệnh hành chính vào quan hệ giao dịch dân sự trong khi chủ thể của quan hệ này lại là chủ đầu tư và người tham gia giao thông. Sai thì phải sửa, phương pháp nào không quan trọng mà quan trọng là làm sao phải thực sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và người tham gia giao thông. Đoàn Quang Huy |
Theo CSGT, có 14 xe liên tục quay vòng qua trạm thu giá BOT Cai Lậy cản trở, gây ùn tắc giao thông.