Phục hưng di tích trăm tuổi - Bài 2: Những điểm nghẽn cần tháo gỡ

Sự kiện: 24h vạn dặm

Dù đã có nhiều kế hoạch, đề án quan tâm đến việc bảo tồn nhưng công tác trùng tu trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa được thực hiện kịp thời. Một trong những khó khăn lớn nhất đó là nguồn lực kinh phí để trùng tu, tôn tạo di tích còn hạn hẹp.

Là thành phố trẻ, năng động, vùng đất mới 300 năm tuổi - TP HCM có hệ thống di tích mang đậm dấu ấn truyền thống lịch sử hào hùng và đa dạng, phong phú về văn hoá. Nhiều di tích trở thành điểm đến tham quan, du lịch, sinh hoạt cộng đồng. Thời gian qua, mặc dù thành phố đã quan tâm đến việc sửa chữa, tôn tạo các di tích tuy nhiên do nhu cầu trùng tu quá lớn nên chưa bố trí chưa thể bố trí kịp thời.

Kinh phí trùng tu như “muối bỏ bể”

Hàng trăm di tích xuống cấp trên địa bàn TP HCM đang cần một lượng kinh phí lớn để tu bổ, tôn tạo. Bởi lẽ đó, bài toán kinh phí được đặt lên hàng đầu khiến việc "làm sống" lại các di tích đang bị tắc nghẽn.

Đơn cử như ngôi đình Xuân Hiệp (toạ lạc tại phường Linh Xuân, TP Thủ Đức). Đây là công trình được xây dựng cách đây hơn 1 thế kỷ nhằm phục vụ hoạt động văn hóa, tín ngưỡng dân gian mang đậm chất Nam Bộ.

Ngôi đình được công nhận là di tích kiến trúc – nghệ thuật quốc gia vào năm 2004 . ẢNH: NHẬT DIỄM

Trải qua hơn trăm năm hứng chịu mưa gió cũng như sự ăn mòn của thời gian, nhiều hạng mục trong khuôn viên di tích đã xuống cấp nghiêm trọng: chánh điện, khu nhà túc bị thấm dột, nhiều phần kết cấu bằng gỗ bị mối mọt, rui mè mục nát, ngói bị xô lệch…

Khu vực nhà túc của Đình Xuân Hiệp vừa được trùng tu xong. ẢNH: NHẬT DIỄM

Khu vực nhà túc của Đình Xuân Hiệp vừa được trùng tu xong. ẢNH: NHẬT DIỄM

Vào tháng 8/2022, đình Xuân Hiệp đã được tu sửa với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Sau 4 tháng khu vực nhà túc của đình được sửa sang đảm bảo thì các khu vực khác tiếp tục xuống cấp trầm trọng nhưng chưa được bố trí để trùng tu.

Cột kèo bị mối mọt, dễ sập gãy. ẢNH: NHẬT DIỄM

Theo ông Lê Thanh Hải - Trưởng ban chấp sự đình Xuân Hiệp cho biết việc sửa chữa là rất cấp bách, bởi ngoài các phần kết cấu che chở cho cả công trình cần được ưu tiên tu bổ, việc triển khai đồng bộ các hạng mục khác cũng nên sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng để người dân tiện bề nhang khói, phục vụ hoạt động tín ngưỡng.

Phần mái ngói của đình đã hư hỏng, thấm dột mỗi khi mưa gió. ẢNH: NHẬT DIỄM

Phần mái ngói của đình đã hư hỏng, thấm dột mỗi khi mưa gió. ẢNH: NHẬT DIỄM

Cũng theo GS.TS Vũ Gia Hiền - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng văn hoá Du lịch: “Cơ chế bảo tồn di tích liên quan đến việc đầu tiên là tiền, mà chi phí thì do nhà nước rót xuống. Trong khi nước ta có quá nhiều di tích và chi phí để bảo tồn thì phải chia đều và phân bổ cho các di tích rất khó. Trên thực tế, nhiều di tích đã được đưa vào bảo tồn nhưng lại đợi kinh phí vì không có quá nhiều tiền để phát triển, bảo tồn các di tích”.

Trước nguồn kinh phí có hạn, theo sở Văn hoá - Thể thao TP.HCM cho biết trước hết thành phố bố trí ngân sách cho các di tích theo thứ tự ưu tiên như sau: các di tích đang sử dụng làm công sở nhà nước đã xuống cấp; các di tích lịch sử cách mạng; các di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia là địa điểm du lịch, phục vụ cho khách tham quan; các di tích bị xuống cấp đang thực hiện gia cố gia cường để chống sập đổ; các di tích khảo cổ học.

Không để trùng tu trở thành “làm mới”

Tương tự như Đình Xuân Hiệp, Đình Thần Trường Thọ toạ lạc tại khu phố 8, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức là nơi phục vụ hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của người dân tại đây suốt 150 năm qua.

Đình Trường Thọ được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm. ẢNH: NHẬT DIỄM

Đình Trường Thọ được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm. ẢNH: NHẬT DIỄM

Mặc dù nhiều hạng mục của đình xuống cấp, nhưng ban quý tế của đình vẫn đang đắn đo và lo lắng trước việc đình đi vào tu sửa, tôn tạo không đảm bảo được dấu tích nguyên vẹn cổ xưa.

“Đình có những chỗ hư hỏng nhỏ thì chúng tôi tự sửa được, riêng việc đầu tư để trùng tu lớn thì tôi e sẽ không giữ được nét cổ kính hiện có. Bên cạnh đó, khi đình có muốn sửa hạng mục nào thì làm thủ tục rất là rườm rà và phải đợi xét duyệt', ông Trần Văn Ngàn - Trưởng ban quý tế Đình Trường Thọ cho hay.

Ông Ngàn cho biết, mỗi lần xin sửa chữa đình thì thủ tục rườm rà, làm cho ông và thành viên trong ban quý tế đắn đo. ẢNH: NHẬT DIỄM

Ông Ngàn cho biết, mỗi lần xin sửa chữa đình thì thủ tục rườm rà, làm cho ông và thành viên trong ban quý tế đắn đo. ẢNH: NHẬT DIỄM

Di tích xuống cấp thì trùng tu là điều cấp thiết. Thế nhưng trùng tu như thế nào để các di tích vẫn giữ được các dấu tích nguyên trạng, không làm méo mó đi giá trị văn hoá - lịch sử vốn có là điều không hề đơn giản.Trên thực tế cho thấy có rất nhiều công trình sau khi trải qua quá trình trùng tu đã “thay áo”, đánh mất đi nét đẹp vốn có của nó khiến nhiều người chỉ biết xót xa.

Chị Nguyễn Hoàng Kim Ngân - Ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM: “Tôi thấy hiện có quá nhiều di tích xuống cấp rất mong chính quyền quan tâm để sửa chữa. Hư nhiều quá nên cũng không dám vào tham quan. Thế nhưng nếu trùng tu thì phải đảm bảo giữ được nét đẹp văn hoá, lịch sử, chứ không phải trùng tu là đập đi xây lại cái mới".

Thời gian vừa qua, mặc dù công tác bảo tồn và phát huy các di sản đã được các cơ quan chức năng ưu tiên, tuy nhiên việc trùng tu, tôn tạo các di tích để bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử mà nó mang tới, lại chưa được chú trọng.

Đã không ít di tích sau khi trùng tu, tôn tạo đã biến thành một công trình mới, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhẹ thì thay đổi màu sơn, nền gạch, nghiêm trọng hơn là thay đổi cả kết cấu, kiến trúc của cả một công trình hàng trăm năm tuổi. Điều đó cho thấy, ngoài nhiệm vụ của cơ quan quản lý còn có thiếu sót trong kinh nghiệm của những người trực tiếp thi công, tu sử, tôn tạo di tích.

Theo TS khoa học, KTS Ngô Viết Nam Sơn: “Tôi thấy có một số tình huống đơn vị quản lý di tích di sản họ thuê người để trùng tu mà họ thuê không có đúng người. Đó là những người không có cái hiểu biết gì về di sản. Họ chỉ xem đó là một cái công trình và khi trùng tu, họ có suy nghĩ rất sai lệch là làm mới di sản. Nhưng thật sự ra quan điểm này rất là sai lầm. Vì khi làm mới di sản tuổi đời có thể vài trăm năm coi như nó chỉ còn tuổi đời vài năm thôi và điều rất đáng tiếc bởi vì nó giảm mạnh cái giá trị của di sản”.

Thực tế cũng cho thấy, những người làm công tác tu bổ di tích được đào tạo từ nhiều chuyên ngành khác nhau như ngành kiến trúc, xây dựng, mỹ thuật, bảo tàng, khảo cổ học, dân tộc học…phần lớn chưa được đào tạo chuyên sâu về tu bổ, tính chuyên nghiệp chưa cao, lực lượng phân tán, người được đào tạo, tham gia các lớp tập huấn về công tác tu bổ lại nặng về lý thuyết hơn là thực hành, kiến thức thực tiễn hạn chế, ít phát huy được những kiến thức học được vào việc thẩm định, giám sát thi công các dự án tu bổ tôn tạo di tích.

Th.s Nguyễn Thị Lê Uyên Viện nghiên cứu và phát triển TP.HCM, cho biết: “Nếu di tích không được trùng tu kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hệ quả, cấu trúc hư hỏng, dễ đổ bể nó trở nên không an toàn đối với khách tham quan cũng như cộng đồng cư dân xung quanh. Mà di tích gắn với du lịch, nó mang lại nguồn thu lớn cho địa phương, nếu di tích không được trùng tu chúng ta sẽ mất đi cơ sở để đem lại nguồn thu cho người dân”.

Bảo tồn phải đi đôi với phát huy

Theo thống kê, hiện TP.HCM có 185 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 công trình được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia và 119 di tích cấp thành phố. Đây không chỉ là những nhân chứng sống cho sự hình thành và phát triển của thành phố với tuổi đời hơn 300 năm này, mà còn là điểm thu hút du khách tham quan, chiêm ngưỡng những giá trị tinh thần mà những di tích này mang đến.

Thế nhưng một thực tế đáng buồn rằng nhiều di tích mặc dù đã đưa vào khai thác nhưng vẫn chưa thực sự có hiệu quả hay nói cách khác là “làm không đến nơi đến chốn”.

Sau khi dạo một vòng quanh di tích trại giam bệnh viện Chợ Quán chị Lê Thị Hoa (ngụ Quận 6) cho biết: " Thật sự chỉ nhìn qua tấm bảng bên ngoài và nhận biết đây là một di tích lịch sử. Ngoài ra tại đây vắng vẻ, không có người hướng dẫn nên tôi cũng không nắm được thông tin gì thêm."

Khu di tích Trại giam bệnh viện Chợ Quán. ẢNH: NHẬT DIỄM

Khu di tích Trại giam bệnh viện Chợ Quán. ẢNH: NHẬT DIỄM

Bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản văn hoá TP.HCM kể: “Khi người dân muốn tới để tham quan thì nhất thiết người giữ di tích phải có mặt đó để giới thiệu, hướng dẫn di tích. Thế nhưng thực tế hiện nay, người giữ di tích lại không túc trực thường xuyên. Trong khi việc đi tham quan di tích không giống việc đi chợ, mua sắm, nhu yếu phẩm mà lần này không được thì lần khác sẽ đến. Thế nên với cách quản lý như hiện nay ở các quận, huyện là chưa phù hợp".

Chủ tịch Hội Di sản văn hoá TP.HCM ví von: "Ở trong nghề tụi tôi thì chúng tôi kêu bằng di tích ngủ mà có người nói quá hơn thì gọi là di tích chết. Thế nhưng tôi nghĩ chưa chết đâu, bởi chưa chết nên mới còn đó, nhưng mà có cái là di tích ngủ triền miên không có ai là vô để đánh thức hết”.

Di tích lịch sử văn hóa là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nếu biết khai thác sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho địa phương, việc TP HCM có nhiều di tích nhưng thực sự đưa vào khai thác chỉ chiếm con số chưa cao, trong khi những nhu cầu về tinh thần của người dân càng đi lên, việc đánh thức tiềm năng du lịch, nhất là loại hình du lịch văn hóa cần phải được đẩy mạnh bởi ngoài giá trị kinh tế, văn hóa, những di tích còn là những tài sản vô giá mà thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau.

Theo kế hoạch đến năm 2025, UBND TP cho biết, sẽ trùng tu 31 di tích ở các quận huyện. Trong đó có 6 dự án ưu tiên bao gồm di tích Giồng Cá Vồ, đình Chí Hòa, Bảo tàng Lịch sử, chùa Giác Viên, đình Xuân Hiệp, đình Linh Đông. Ngoài ra, còn 12 dự án đang hoàn chỉnh hồ sơ để thẩm định các di tích làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo, đồng thời 11 dự án đang khảo sát lập phương án đầu tư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NHẬT DIỄM- DI LINH ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN