"Phù thủy" tái chế đồ cũ
Hỏi Hải “Tròn” thích nghề nào nhất trong số tái chế đồ cũ, thiết kế nội thất, điều hành quán bar, anh nói: “Cả ba cái đều liên quan đến sáng tạo và thẩm mỹ, tôi thích như nhau, nhưng thú vị hơn với việc biến vật dụng bỏ đi thành décor độc đáo, hữu ích”.
Họa tiết sặc sỡ - sức hút của Đồng Nát décor.
Các sản phẩm của hoạ sĩ Trần Vũ Hải, từ chiếc chao đèn nhôm tái chế đến nội thất văn phòng sang trọng đến quán bar phong cách, đều hút khách, cả Tây lẫn ta.
“Hợp tác xã” nghệ thuật
Tôi rất vui nếu có một cộng đồng lớn ở Việt Nam cùng làm về đồ tái chế. Hy vọng Upcycling (tái chế sáng tạo) trở thành một lối sống như ở các nước phát triển”. Họa sĩ Trần Vũ Hải |
Năm 2010, Hải “Tròn” đến chơi nhà người bạn thuê trong ngõ sâu phố Cao Bá Quát (Hà Nội), thuyết phục bạn chuyển sang ở chỗ khác rồi tham gia sửa sang ngôi nhà cũ nát thành quán. Anh cho khôi phục ngôi nhà đúng như kiến trúc Pháp ban đầu. Quán Bar Betta nhanh chóng trở thành điểm đến yêu thích của nhiều khách Tây.
Một năm sau, Bar Betta 2 tại Zone 9 ra đời và cũng hút khách. Anh đã có một nghề mới trong tay: thiết kế quán bar từ A nội thất đến Z vận hành. Năm 2011, trong lúc lang thang tìm địa điểm, Hải “Tròn” phát hiện Xí nghiệp Dược phẩm bỏ hoang ở số 6 Trần Thánh Tôn. Anh cùng một vài người bạn tìm cách liên hệ thuê lại để gây dựng thành “hợp tác xã” nghệ thuật kết hợp kinh doanh.
Hải chọn khu trung tâm rộng nhất trong mặt bằng 11 nghìn mét vuông. Bar Betta Republic nằm trong nhà xưởng dài rộng. Phía ngoài là khoảng sân với quán café và xe hàng ăn nhanh. Anh em nghệ sĩ mách nhau đến mở nhà hàng, tiệm thời trang tấp nập. Dường như mỗi ki-ốt mới mở đều thể hiện hơi hướng nghệ sĩ để không lạc lõng so với “quảng trường” của Bar Betta. Đại diện một số quĩ và dự án văn hóa nước ngoài cũng đến thuê văn phòng.
Du khách và dân Tây sống tại Hà Nội đổ xô đến thưởng thức không gian “văn hóa đương đại cởi mở nhất Việt Nam”. Viện Goethe chọn Zone 9 để tổ chức sự kiện ngoại giao, văn hóa Berlin trong lòng Hà Nội bằng đêm trình diễn ánh sáng.
Nhiều ca sĩ, nhà làm phim chọn Zone 9 và khuôn viên đậm chất Hải “Tròn” làm bối cảnh. Có thời điểm Zone 9 đón 1.000 du khách mỗi ngày và tăng gấp đôi vào cuối tuần.
Mới mấy tháng hoạt động, xí nghiệp nghệ thuật đã được ca ngợi hết lời trên báo Tây. Truyền thông Việt Nam cùng các doanh nghiệp trẻ sau đó nhập cuộc. Lượng khách Tây, khách Việt cân bằng 50/50. Một số người ào đến thuê đất, cấp tập đổ tiền nâng cấp thành sàn nhảy, karaoke. Vụ hỏa hoạn do sơ suất thiết kế tường cách âm xảy ra khiến 6 người thiệt mạng, xí nghiệp sáng tạo bị buộc phải đóng cửa.
Không chỉ Hải “Tròn” mà tất cả đồng nghiệp cũng như du khách từng một lần đến nơi này đều tiếc ngẩn ngơ. Hải thổ lộ: “Một nơi hoang phế đẹp tuyệt như thế, dù chỉ được sở hữu trong 3 tháng tôi cũng sẵn lòng đầu tư. Dù sao tôi cũng có gần 2 năm rực rỡ với nó”. Ngay sau đó, họa sĩ đi tìm địa điểm để thay thế dù biết Zone 9 chỉ gặp được một lần trong đời.
X98 hình thành trong khu đất cũ của nhà máy bao bì tại một con ngõ phố Hoàng Cầu. Lần này, Hải “Tròn” đứng ra thầu, giữ một gian nhỏ làm showroom cho Đồng Nát décor. Các ngăn còn lại chia cho bạn bè bán hàng ăn, café, bar. Rút kinh nghiệm lần trước, Hải tránh quảng cáo; X98 diện tích nhỏ nên tự hút lượng khách ổn định. Nhà báo “nghìn like” Hoàng Minh Trí (Cu Trí) nhận xét: “Tất cả các quán bar anh Hải động tay vào đều đúng điệu, còn đồ tái chế thì vô cùng ăn ảnh”.
Thổi hồn vào đồ bỏ xó
Từ thời sinh viên Hải đã bị mê hoặc bởi thế giới nội thất tái chế. Một mảnh phế thải vật liệu được tìm thấy tại một đầm lầy ở New Zealand sau khi bị chôn vùi 5 vạn năm trong một thảm họa thiên nhiên được tái chế trở thành chiếc bàn tuyệt vời mang dấu ấn thời gian và câu chuyện về một sự kiện xưa cũ. Rồi những chai rượu cũ được biến hóa thành đèn trần đầy tinh tế hay khung máy may quần áo thành giá đỡ trưng bày đồ trang sức...
Ghế hoa chế lại của Hải “Tròn”
Ý tưởng làm nội thất từ đồ tái chế bắt đầu từ một lần Hải nhận thi công cải tạo một khách sạn. Chủ sở hữu giao bán thanh lý 400 ghế, Hải mua hết mang về cất kho dùng dần. Kiểu dáng ghế thiết kế theo mẫu tiêu chuẩn thế giới, tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái cho người ngồi. Không chỉ ghế mà mọi đồ tái chế của Hải đều dựa trên vật liệu sẵn có của địa phương. Tông vải hoa sặc sỡ bọc trên những chiếc ghế “ngồi cực thích” được Hải lựa chọn là bởi “phù hợp nhất về mặt chi phí”. Bắt mắt, hoài cổ, cá tính… là những tính từ do người sử dụng tặng thêm.
Zone 9 chính là dấu mốc thăng hoa cho tay chơi đồ tài chế. Cửa sổ, gỗ tạp, ống nước, chao đèn… đều được tận dụng để giảm chi phí. “Chúng ta thường có tình cảm với đồ vật đã dùng lâu năm, giờ cho vào đó một chút thẩm mỹ, nó sẽ trở nên có hồn”, Hải nói. Thùng phuy trở thành bàn rượu, xe cấp cứu sơn màu thành mini bar… Đến quán nhìn thấy đèn chùm từ chai thủy tinh cũ, ghế bọc vải can hoa công phượng…, khách mê tít, hỏi mua ầm ầm. Thương hiệu Đồng Nát décor ra mắt nhận được đơn đặt hàng của nhiều doanh nhân định mở hàng quán và cả khách hàng cá nhân.
Không chỉ đẹp mắt, hoài cổ mà hiệu quả sử dụng rất cao. Một phụ nữ sành điệu đánh giá: “Đi-văng nhỏ, ghế bành, ghế tựa của Đồng Nát décor rất nịnh người ngồi”. Không khí và nội thất quầy bar của Hải hấp dẫn đàn ông bao nhiêu thì thế giới ghế hoa của anh đốn tim phụ nữ bấy nhiêu. “Đúng ra, tôi không phải người bán ghế, càng không phải chủ xưởng ghế”, Hải “Tròn” cười khi có người nghĩ ghế là sản phẩm “đinh” của anh. Hải tiết lộ, cái mà anh bán được nhiều nhất là ý tưởng thiết kế chung cho mỗi công trình. Ghế hoa chỉ là một trong nhiều hạng mục của một công trình nội thất.
“Những thứ tôi đang làm, bất kể người thiết kế hoặc một người có gu thẩm mỹ tốt đều có thể làm được”. Hỏi có sợ bị đánh cắp các mẫu độc đáo, anh trả lời: “Tôi rất vui nếu có một cộng đồng lớn ở Việt Nam cùng làm về đồ tái chế. Hy vọng Upcycling (tái chế sáng tạo) trở thành một lối sống như ở các nước phát triển. Còn việc lấy cắp ý tưởng thì đến cá nhân tôi cũng không thể làm được hai sản phẩm giống hệt nhau”.
Lọc khách bằng nhạc
Hai quán Hero và +84 hướng đến đối tượng khác nhau. Một đằng hút khách Tây và ta trẻ hơn với dòng nhạc EDM (Electronic Dance Music), đằng kia chuyên sâu rượu vang, xì gà với Jazz và nhạc nhẹ. Ban nhạc Tây hát ở quán đa số là những người có nghề nghiệp khác ở Hà Nội. Họ đánh đàn giỏi, hát hay và bản thân thích giải trí trong quán. Vào dịp cuối tuần, bar của Hải là điểm đến quen thuộc của nhiều chính khách nước ngoài đang công tác tại Việt Nam.
Hỏi “nghề này nghe nói phức tạp lắm, bạn làm thế nào với những người say”, Hải đáp: “Khách quán tôi không có kiểu say thảm họa”. Khi mở quán, họa sĩ xác định rõ đối tượng nhắm tới là khách Tây và giới trẻ ta văn minh. Nội thất và loại nhạc sẽ định hình nhóm khách, “dân bay lắc đến quán tôi nghe thấy nhạc EDM (nhạc dance của giới trẻ Tây) mất hứng và cụt cánh liền”. Họ chỉ thăng khi nghe nhạc Vinahouse (nhạc vũ trường, nhạc cực mạnh). Hải nhận xét, sau 10 năm, văn hóa quán bar của dân văn phòng trẻ có nhiều thay đổi. Trước đây, đa số nghĩ đi bar là để trải nghiệm ăn chơi, giờ thì họ coi việc đó bình thường giống như đi ăn nhà hàng. Riêng dân anh chị thì vẫn như cũ, họ coi quán bar là chỗ chứng tỏ, thể hiện. Khách văn minh nếu say, họ cũng say kiểu khác, không bao giờ gây gổ, khóc lóc.
Làm cùng lúc công ty thiết kế nội thất, quán bar, Đồng Nát décor và cổ đông tại một công ty luật mà ông chủ vẫn có thời gian đi phượt. Họa sĩ vận hành quán theo quy trình như một công ty có giám đốc điều hành, kế toán, thủ quĩ, thủ kho, kiểm soát viên… nên khá nhẹ nhàng. “Tôi không làm theo kiểu chủ hộ kinh doanh cá thể. Tuyển họ hàng, dựa vào niềm tin rất bấp bênh”.
Không giỏi giao tiếp
Họa sĩ Trần Vũ Hải
Hải khá mát tay với những lựa chọn khởi nghiệp từ thời sinh viên khoa Nội thất, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Hải học thêm nghề bartender, nhận làm thuê quản lý quán đồ uống lấy tiền đi học. Ra trường thời chứng khoán hưng thịnh, anh mở công ty thiết kế nội thất, tung tẩy để lại dấu ấn tại nhiều tòa nhà, văn phòng tên tuổi như British Council, ABB Thụy Điển, Escada, Mercedes, Toshiba, Adidas, LG, An Bình Bank…
Hải làm quán, thạo pha chế, nhưng không biết, không chịu nhậu với khách hàng. Vì không chịu xã giao nên công ty nội thất của anh giảm hẳn lượng khách VIP từ lúc khủng hoảng kinh tế. Có người nói thẳng: “Anh có nhiều ý tưởng, sản phẩm đẹp nhưng tệ về khoản chăm sóc khách”. Hải “Tròn” tự nhận là người kém giao tiếp. Có lẽ chính vì không giỏi bộc lộ, bày tỏ mà hôn nhân của anh từng đổ vỡ.