Phong vị Tết trong Hoàng cung
Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, "Phong vị Tết Huế" mang ý nghĩa như một khởi động đầu xuân mới với những trải nghiệm sắc màu truyền thống Huế, gợi nhớ về hương sắc Tết cũ.
Tại không gian di sản - cung Trường Sanh (Đại nội Huế), Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế vừa tổ chức chương trình "Phong vị Tết Huế" với ý nghĩa như một khởi động đầu xuân mới mang đến những trải nghiệm sắc màu truyền thống Huế, gợi nhớ về hương sắc Tết cũ.
Chương trình bao gồm các âm điệu ca Huế, ca khúc Huế và mùa xuân, trò chơi cung đình dân gian, trình diễn thư pháp tặng chữ. Đặc biệt là những hình thức ẩm thực Huế qua công việc gói bánh chưng, bánh tét, chế biến các món ẩm thực.
Trong không gian ngập tràn sắc xuân với các trang phục truyền thống, đôi câu đối thắm khoe cùng sắc hoa xuân, du khách được trải nghiệm Tết trong hoàng cung xưa.
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, trong cổ sử Việt Nam, tương truyền, vua Hùng thứ sáu muốn tìm người tài kế vị đã cho mời các hoàng tử lại và truyền rằng sẽ truyền ngôi cho người nào cung tiến được món sản vật thể hiện lòng hiếu đạo để tiến cúng tiên vương. Hoàng tử Lang Liêu đã dâng hai loại bánh chưng, bánh dày với biểu tượng trời tròn đất vuông được chế biến từ gạo nếp. Kể từ đó, bánh chưng đi vào lịch sử dân tộc, trở thành một nét văn hóa đặc sắc. Mỗi khi Tết đến xuân về, trên mâm cỗ cúng gia tiên của người Việt Nam không thể thiếu bánh chưng, bánh tét.
Tại chương trình "Phong vị Tết Huế" đã diễn ra hoạt động gói, nấu bánh chưng, bánh tét thu hút sự quan tâm, theo dõi trải nghiệm của nhiều du khách.
Bên những nồi bánh nghi ngút, đượm nồng phong vị Tết trong âm hưởng của những ca khúc về mùa xuân, về Huế.
Đặc biệt, những hình thức ẩm thực Huế qua việc chế biến các món ăn, mâm cơm ngày Tết cũng được tái hiện lần này...
Du khách còn được xem nghi thức rước bánh cung tiến các vị hoàng đế ở Thế Miếu. Đội nghi thức trong những trang phục trang nghiêm đi qua các trục đường trong Hoàng Thành để đến cửa chính Thế Miếu, cung tiến hương vị đầu xuân, tỏ lòng thành kính ngưỡng vọng các vị tiền nhân.
Chị Hoàng Thị Liên (45 tuổi, đến từ Kon Tum) bày tỏ bất ngờ, hứng thú với các nội dung của chương trình "Phong vị Tết Huế". "Chương trình tái hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, là dịp để tìm hiểu, biết rõ hơn các phong tục tập quán và món ăn trong ngày Tết cổ truyền", chị Liên nói.
Trải nghiệm chương trình, anh Nguyễn Phong Luân (24 tuổi, đến từ Quảng Trị) chia sẻ, nhiều lần đến với Đại nội Huế nhưng lần này trở nên đặc biệt hơn khi được theo dõi, hoàn mình vào các hoạt động của chương trình "Phong vị Tết Huế". "Chương trình được phục dựng bài bản, nhiều hoạt động mang đậm màu sắc Tết xưa khiến không chỉ tôi mà nhiều người có mặt bất ngờ và thích thú. Tại đây, tôi cảm nhận được bề dày văn hóa của dân tộc ta", anh Luân nói.
Theo ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, "Phong vị Tết Huế" là chuỗi hoạt động được tổ chức nhiều năm qua. Đây là dịp để giới thiệu những vẻ đẹp truyền thống, giúp du khách và đông đảo người dân biết đến đời sống của người xưa như thế nào, đặc biệt là dịp Tết đến xuân về. Lễ hội này kết hợp nhiều hoạt động như gói bánh chưng, bánh tét, gắn liền với đó là các trò chơi Cung đình xưa, nhưng đặc sắc nhất là lễ hội được nằm trong không gian đặc biệt...
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, vào thời Nguyễn, Tết trong Hoàng cung Huế được tổ chức rất long trọng với nhiều nghi lễ. Lễ Ban sóc (phát lịch) tổ chức từ ngày 1 tháng 12 (âm lịch). Từ 23 tháng 12 âm lịch, triều đình tổ chức lễ Thướng tiêu (dựng nêu) báo hiệu ngày Tết tới. Ngày 1 Tết, vua ngự ở điện Thái Hòa, đặt đại triều, bá quan làm lễ khánh hạ, sau đó là lễ Nguyên đán ban yến tiệc, thưởng tiền mừng xuân. Sau đó, lễ dâng biểu chúc mừng Hoàng Thái Hậu và làm lễ Khánh hạ. Tiếp đó là những ngày vui xuân diễn ra trong Hoàng cung, đi kèm với các cuộc vui các là trò diễn, trò giải trí cung đình được tổ chức. Đến ngày 7 Tết, lễ hạ nêu sẽ diễn ra, báo hiệu một cái Tết đã kết thúc. (Trong ảnh nghi lễ dựng nêu).
Chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng Xuân Ất Tỵ 2025, Quận Thuận Hóa và Quận Phú Xuân (TP Huế) tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện để người dân và du khách thập phương có dịp vui chơi, tham gia các hoạt động trong những ngày trước, trong và sau Tết cổ truyền của dân tộc. Cụ thể, chợ hoa Xuân sẽ diễn ra từ ngày 19 - 28/1 (nhằm ngày 20/12 Âm lịch đến 19h ngày 29/12 Âm lịch - đêm giao thừa) tại công viên Phú Xuân; Hội Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề "Kết tinh văn hóa - Đột phá vươn xa" từ ngày 23/1 đến 3/2 tại hai bên bờ sông Hương (không gian chính tại bờ Nam của sông Hương - đoạn từ công viên Lý Tự Trọng - công viên 3/2). Bên cạnh đó, vào lúc 19h ngày 28/1 tại công viên Lý Tự Trọng (trước cổng Trường THPT Chuyên Quốc học Huế) sẽ có chương trình nghệ thuật đón Giao thừa năm mới Ất Tỵ; chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra vào lúc 19h30 ngày 3/2 tại sân khấu trước Trường Quốc học Huế. Tại công viên Thương Bạc sẽ có chương trình ca múa nhạc tổng hợp mừng Đảng - mừng Xuân Ất Tỵ với chủ đề "Chào xuân mới - năm 2025" diễn ra vào lúc 19h30 ngày 29/1. Chương trình biểu diễn múa Lân, sư, rồng, trống hội do Đoàn Lân – Sư – Rồng Thái Nghi Đường vào lúc 19h ngày 31/1 tại 65 Trần Hưng Đạo. Ngoài ra, quận Phú Xuân còn tổ chức Không gian ẩm thực Huế bắt đầu từ ngày 27/1 đến ngày 1/2 tại 65 Trần Hưng Đạo. Tổ chức biểu diễn Võ Cổ truyền vào lúc 15h ngày 30/1/2025 và tổ chức Hội Bài chòi vào lúc 15h ngày 31/1 và ngày 1/2 tại công viên Thương Bạc. |
TP Huế - Điện Thái Hòa, nơi 13 vị vua triều Nguyễn lên ngôi, được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế khánh thành sau ba năm trùng tu.
Nguồn: [Link nguồn]
-26/01/2025 06:38 AM (GMT+7)