Phong tục lạ: Đi chợ đánh nhau để cầu may
Theo thông lệ vào ngày mùng 6 Tết âm lịch người dân xứ Thanh lại tấp nập kéo về xóm Giang, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa dự phiên chợ Chuộng để được “đánh nhau” bằng cà chua, trứng gà cầu may, người dân nơi đây quan niệm “đánh nhau” càng to thì càng có nhiều may mắn.
“Chết bỏ con bỏ cháu chứ không ai bỏ mùng 6 chợ Chuộng” đây là câu nói cửa miệng được truyền lại để nói về tầm quan trọng của lễ hội có một không hai ở vùng quê xứ Thanh.
Theo các cụ cao niên trong vùng thì không biết phiên chợ Chuộng có từ bao giờ nhưng hằng năm cứ đến mùng 6 Tết Nguyên Đán phiên chợ đều diễn ra bất kể là trời mưa hay nắng, người dân “ném nhau” bằng cà chua, trứng với quan niệm “đánh nhau” càng to thì càng may mắn, vụ mùa được bội thu, buôn bán có lãi...
Dân gian tương truyền vào thời nhà Lê, có vị vua khi hành quân ngang qua vùng đất này vào đúng ngày mùng 6 Tết Nguyên Đán thì bị địch phát hiện và vây bắt, vua bèn huy động người dân trong vùng tổ chứ họp chợ để che mắt quân thù, người dân ngụy trang cất giấu vũ khí trong những gánh hàng hóa được bày bán ở chợ khiến kẻ địch lơ là mất cảnh giác, nhân cơ hội đó nhà vua phát lệnh tấn công làm kẻ thù không kịp trở tay.
Để tưởng nhớ công lao ấy hằng năm cứ đến mùng 6 Tết người dân trong vùng lại tổ chức họp chợ để “đánh nhau”cầu may.
Trong tiết trời nắng đẹp người dân từ khắp nới tấp nập kéo đến phiên chợ rất náo nhiệt.
Chợ Chuộng họp trên bãi đất rộng khoảng 1000 m2, với địa thế rất đẹp ven con sông Thiều nơi giáp ranh giữa ba huyện Đông Sơn,Triệu Sơn và Thiệu Hóa với các mặt hàng chủ yếu là cà chua, trứng và cả đặc sản của vùng để làm quà biếu.
Ngay từ sáng sớm ngày mùng 6 Tết Giáp Ngọ không hẹn mà gặp người dân quanh vùng đã ùn ùn kéo nhau về với phiên chợ để được trút bỏ hết mọi ưu phiền và vận “xui” trong năm cũ và để cầu sự bình an, may mắn trong năm mới, mỗi người đến với phiên chợ đều mang theo “vũ khí” cà chua, trứng gà để sẵn sàng cho trận chiến nảy lửa.
Người dân các huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Đông Sơn tấp nập đến với phiên chợ.
Chị Lan (49 tuổi) là một tiểu thương ở phiên chợ cho biết: “Năm nào cũng vậy cứ đến mùng 6 là người dân lại nô nức kéo nhau về chợ Chuộng trao đổi, mua bán và nhất là được “đánh nhau” để cầu may, phiên chợ không chỉ thu hút người dân trên địa bàn mà còn cả những du khách từ nơi khác tới”. Chợ Chuộng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân xứ Thanh mà còn là đầu mối giao thương của người dân 3 huyện Đông Sơn, Triệu Sơn và Thiệu Hóa.
Anh Trọng trưởng công an xã Đông Hoàng (Đông Sơn) cho biết: “Phiên chợ thu hút đông đảo người dân và cả du khách thập phương về dự, điều đặc biệt là không thể thiếu được màn “đánh nhau” do đó chúng tôi đã phải tiến hành bàn bạc với lực lượng công an ở các địa phương lân cận để lên kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách, tuy nhiên ngày nay phiên chợ đã biến tướng với sự xuất hiện của những trò đỏ đen, mê tín dị đoan một cách công khai và cũng không thiếu những tai nạn đáng tiếc do ẩu đả”.
Một số hình ảnh PV ghi lại tại phiên chợ Chuộng "đánh nhau" cầu may có 1 không 2 tại Thanh Hóa.