Phòng thủ thiên thạch: Không dễ!
Các nhà khoa học quốc tế cảnh báo Trái đất sẽ còn phải tiếp tục hứng chịu những “tai họa từ trên trời rơi xuống” như vụ nổ thiên thạch trên bầu trời vùng Chelyabinsk, Ural, Nga ngày 15/2 vừa qua.
Theo RIA Novosti, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin mới đây tuyên bố Matxcơva sẽ đề xuất thành lập một hệ thống phòng thủ không gian chung nhằm đối phó với nguy cơ thiên thạch rơi xuống Trái đất. Phó giám đốc Cơ quan Không gian liên bang Nga Vitaly Davydov cũng khẳng định sau vụ nổ làm 1.200 người bị thương ở Chelyabinsk, việc phòng thủ chiến lược liên hành tinh sẽ phải là ưu tiên của Chính phủ Nga.
Báo Washington Post đưa tin tại Mỹ, hạ nghị sĩ Dana Rohrabacher, phó chủ tịch Ủy ban Khoa học - không gian và công nghệ hạ viện, mô tả vụ nổ thiên thạch ở Nga là “hồi chuông cảnh báo”. Trong những tuần tới, ủy ban này sẽ tổ chức các phiên điều trần để tìm giải pháp ngăn chặn các hiểm họa từ không gian. Ngày 22/2, một tiểu ban thuộc Ủy ban Sử dụng hòa bình không gian vũ trụ của Liên Hiệp Quốc cũng sẽ nhóm họp để bàn về mối đe dọa này.
Hình minh họa của NASA mô tả cảnh tiểu hành tinh 2012 DA 141 bay gần Trái đất - Ảnh: Reuters
Mối đe dọa từ “những sát thủ không gian”!
Theo trang Space.com, các chuyên gia vũ trụ cho biết rất khó để phát hiện những thiên thạch nhỏ như hòn đá vũ trụ có đường kính 15m rơi xuống bầu trời nước Nga tuần trước. “Bảo vệ Trái đất trước những thiên thạch nhỏ là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và không phải là mục tiêu hiện tại của chúng tôi - giáo sư Paul Chodas thuộc văn phòng Chương trình vật thể gần Trái đất thuộc Cơ quan Hàng không - vũ trụ Mỹ (NASA) cảnh báo - Chúng tôi chỉ tập trung tìm các thiên thạch lớn bởi chúng nguy hiểm hơn”.
Thiên thạch cũng nổ ở Cuba? Theo truyền thông Cuba, hôm 11/2 cũng đã xảy ra một vụ nổ thiên thạch trên bầu trời thành phố Rodas ở nước này. Người dân địa phương cho biết họ nghe thấy tiếng nổ lớn và quầng sáng trên bầu trời, sóng chấn động làm rung chuyển cửa sổ các tòa nhà. AP đưa tin cuối tuần trước, người dân thành phố San Francisco (Mỹ) cũng phát hiện một quầng sáng trên bầu trời, có thể là một mẩu thiên thạch. |
Năm 1998, Quốc hội Mỹ đã ra lệnh cho NASA tìm kiếm toàn bộ thiên thạch và tiểu hành tinh gần Trái đất có đường kính ít nhất 1km, có thể đe dọa sự sống của loài người. Đến nay, các nhà khoa học NASA đã phát hiện 95% trong tổng số 980 thiên thạch và tiểu hành tinh to cỡ một quả núi đang bay gần Trái đất. May mắn là không “con quái vật không gian” nào trong nhóm này đe dọa hành tinh của chúng ta trong tương lai gần.
Tuy nhiên, NASA ước tính có khoảng 4.700 thiên thạch có đường kính dưới 100m đang bay gần Trái đất. Đến nay các nhà khoa học mới chỉ phát hiện được chưa đến 30% các thiên thể này. Nếu đâm vào hành tinh của chúng ta, mỗi thiên thạch lớn cỡ này có thể hủy diệt toàn bộ sự sống trên diện tích một bang ở Mỹ. Và các chuyên gia NASA mới chỉ phát hiện được chưa đến 1% các thiên thạch có đường kính nhỏ hơn 40m. Những hòn đá không gian lớn cỡ này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng ở phạm vi cục bộ. Ví dụ một thiên thạch có đường kính 40m nổ trên bầu trời Siberia năm 1908 đã san bằng 2.137km2 diện tích rừng. Tổng cộng, các nhà khoa học ước tính có hơn 1 triệu thiên thạch và tiểu hành tinh đang lang thang gần Trái đất, nhưng đến nay loài người mới chỉ phát hiện được 9.600 “sát thủ không gian”. Mỗi năm có từ 5-10 thiên thạch nhỏ rơi xuống Trái đất.
Tiến sĩ Kalait Ramesh thuộc Đại học John Hopkins (Mỹ) cho biết các kính thiên văn trên Trái đất (chủ yếu ở Bắc bán cầu) rất khó phát hiện được những thiên thạch cỡ nhỏ do chúng quá bé lại bay với tốc độ cao. Kính thiên văn cũng không thể phát hiện được thiên thạch nhỏ rơi xuống mặt đất vào ban ngày. “Mật độ dân số Trái đất càng dày đặc thì mối đe dọa càng gia tăng. Điều lo ngại lớn nhất là một vụ rơi thiên thạch có thể xảy ra ở khu vực bất ổn chính trị hoặc giữa hai nước đang đứng bên bờ vực chiến tranh. Bởi rất dễ nhầm đó là một vụ tấn công tên lửa” - tiến sĩ Ramesh cảnh báo.
Truy tìm từ vũ trụ
NASA và một số cơ quan hàng không - vũ trụ các nước đang xây dựng những trạm kính thiên văn tia hồng ngoại có khả năng tầm nhiệt do các thiên thạch phát ra. Chẳng hạn, vệ tinh tia hồng ngoại WISE của NASA được phóng lên quỹ đạo tháng 12/2009 và trước khi ngừng hoạt động vào cuối năm 2011 đã phát hiện được 130 thiên thạch gần Trái đất, trong đó có 21 thiên thạch nguy hiểm!
Tổ chức B612 Foundation, một tổ chức tư nhân với sứ mệnh bảo vệ Trái đất trước những nguy cơ từ không gian, đã hoàn thành thiết kế kính thiên văn hồng ngoại Sentinel và dự kiến sẽ phóng kính thiên văn này lên quỹ đạo quanh Mặt trời vào năm 2018. Từ quỹ đạo có khoảng cách tương đương từ Mặt trời đến sao Kim này, kính Sentinel sẽ chiếu về phía Trái đất để phát hiện “các vị khách không mời” từ vũ trụ. Trong sáu năm hoạt động, kính Sentinel dự báo có thể phát hiện được 500.000 thiên thạch và tiểu hành tinh gần Trái đất, bao gồm những “sát thủ” to bằng quả núi và 50% số thiên thạch có đường kính dưới 40m. Mục tiêu đặt ra cho Sentinel là phát hiện những thiên thể nguy hiểm từ khoảng vài thế kỷ trước khi chúng đâm vào Trái đất. Có như thế, loài người mới có đủ thời gian để tìm biện pháp ngăn chặn thảm họa.
Tuy nhiên, các chuyên gia NASA thừa nhận cho dù Sentinel có hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình đi nữa thì hàng ngàn thiên thạch có đường kính dưới 40m và nhỏ hơn vẫn có thể lẩn khuất trong không gian trước mọi ánh mắt dò tìm. Và như vậy, loài người sẽ vẫn phải tiếp tục hứng chịu những vụ tấn công bất ngờ từ không gian như vụ nổ thiên thạch ở Chelyabinsk vừa qua.