Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: 'Số điện thoại của tôi người dân khiếu kiện còn có, các đồng chí chắc chắn có'

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương gặp vướng mắc khi thực hiện cải cách hành chính thì nhắn tin trực tiếp cho ông.

Sáng 31-7, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính và Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức họp phiên thứ năm, sơ kết công tác cải cách thủ tục hành chính, hoạt động của Tổ công tác và Hội đồng 6 tháng đầu năm 2024, triển khai nhiệm vụ thời gian tới.

Nhiều thủ tục hành chính được phân cấp

Ông Ngô Hải Phan, Ủy viên thường trực Tổ công tác, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng tư vấn, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho hay 6 tháng đầu năm 2024, đã có 168 quy định kinh doanh tại 16 văn bản quy phạm pháp luật được cắt giảm, đơn giản hóa.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp thứ năm của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính và Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng. Ảnh: HẢI MINH

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp thứ năm của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính và Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng. Ảnh: HẢI MINH

Tính từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.943 quy định kinh doanh tại 250 văn bản quy phạm pháp luật; ước tính tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa đạt khoảng 18,6% và khoảng 10% chi phí tuân thủ.

Theo ông Phan, nhiều quy định được cải cách mạnh mẽ mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực, tạo sự chuyển biến tích cực góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.

Từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành đã phân cấp 108 thủ tục hành chính tại 21 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó 50 thủ tục hành chính phân cấp từ cấp trên cho cấp dưới và 58 thủ tục hành chính phân cấp trong nội của bộ, cơ quan.

Tính từ năm 2022 đến nay, đã có 19/21 bộ, cơ quan thực hiện phân cấp 261/699 thủ tục hành chính tại 53 văn bản quy phạm pháp luật.

Nhiều thủ tục hành chính được phân cấp giúp giảm tầng nấc, khâu trung gian, cơ quan cấp trên giảm việc sự vụ và tập trung vào xây dựng chính sách; giảm thời gian đi lại của người dân, doanh nghiệp…

Triển khai 19 nghị quyết chuyên đề và Đề án 06, trong 6 tháng đầu năm, đã đơn giản hóa 247 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân tại 26 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số thủ tục hành chính, giấy tờ công dân được đơn giản hóa đến nay là 828 thủ tục hành chính, đạt 76%. Qua đó, giảm bớt yêu cầu cung cấp các giấy tờ, thông tin trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính và đẩy mạnh khai thác, tái sử dụng dữ liệu; các thủ tục hành chính liên quan đến dân cư được đơn giản hóa giúp cắt giảm chi phí, thời gian thực hiện.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Hải Phan, công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, phức tạp, qua nhiều khâu trung gian.

Cạnh đó, việc đánh giá tác động chính sách, chi phí tuân thủ cũng như hoạt động tham vấn của một số cơ quan tuân thủ chưa nghiêm. Thủ tục hành chính nội bộ trong từng bộ, cơ quan, địa phương và giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau còn phức tạp, rườm rà.

Việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân chưa được quan tâm đúng mức, tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là ở cơ sở vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực.

Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính chủ yếu theo phương thức truyền thống hồ sơ giấy, theo địa giới hành chính; một số dịch vụ công trực tuyến thực hiện chưa thuận lợi. Việc số hóa tái sử dụng dữ liệu số hóa tại các bộ, ngành, địa phương còn thấp…

Không biết thì hỏi

“Nhìn được 6 tháng qua thì thấy chúng ta làm được rất nhiều việc, mang lại kết quả đáng khích lệ”- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói và cho hay khi được xem biểu diễn một quy trình được số hóa, được thực hiện cải cách, ông chứng kiến nhiều người ồ lên: “Sao hay vậy, sao tốt vậy, sao tiện lợi đến như vậy” và “mọi người đều vui”.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Ảnh: HẢI MINH

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Ảnh: HẢI MINH

Theo Phó Thủ tướng, trong 6 tháng qua, nhiều mô hình được áp dụng “cho thấy sự tiện lợi vô cùng”, như việc cấp phiếu lý lịch tư pháp của Hà Nội và Thừa Thiên Huế qua VneID.

Hay việc thí điểm thành lập trung tâm hành chính một cấp ở 4 địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Quảng Ninh sẽ bắt đầu khởi động vào tháng 9 năm nay.

Ông cũng đánh giá Đề án 06, ứng dụng VNeID Bộ Công an đang triển khai có rất nhiều ứng dụng hiện hữu, “chúng ta đã thấy, đã sờ, nắm được”.

“Mong các địa phương lưu ý, khai thác tối đa để có thể vận dụng cái này, với một điều kiện là bảo đảm an toàn kết nối”- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.

Ông cũng ghi nhận Tổ công tác và Hội đồng tư vấn hoạt động ngày một hiệu quả hơn. “Cám ơn các đồng chí đã rất tích cực. Điều chúng tôi cần nhất ở các đồng chí là thông tin và ý kiến đề xuất giải pháp, để từ đó thực hiện cho tốt”- vẫn lời Phó Thủ tướng.

Tuy nhiên, ông Trần Lưu Quang nhận xét thực tế vẫn còn những điều vẫn chưa làm được như mong muốn. Cụ thể là tình trạng “nợ nần một số bộ, ngành, địa phương chưa trả xong, lên kế hoạch rồi nhưng làm không được”. Cạnh đó, có những việc vướng quy định không làm được, như chi phí đầu tư cho Đề án 06 “có tiền mà không tiêu được”.

Đặc biệt, việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và phối hợp trên dưới chưa tốt; việc xử lý vướng mắc của người dân còn hạn chế, có những trường hợp sau khi giải thích người dân vẫn không hiểu, không làm được.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khái quát ngắn gọn: “Cái gì chưa làm thì bây giờ làm. Cái gì dở dang thì làm tiếp, làm theo kế hoạch đã có và dưới “ánh sáng” các nghị quyết đã có. Không biết thì hỏi, hỏi ở ngành chủ trì; hỏi Thường trực Tổ công tác. Nếu buồn phiền nữa thì nhắn tin trực tiếp cho tôi, số điện thoại của tôi ai cũng có, dân khiếu kiện còn có, các đồng chí chắc chắn có”.

Ông lưu ý 4 nội dung, trong đó đầu tiên là vai trò của người đứng đầu. “Chúng tôi kiểm chứng được rồi, địa phương nào, bộ ngành nào mà người đứng đầu quyết liệt món này là nơi đó có thành quả và ngược lại”- ông nói.

Thứ hai, phải quyết liệt và trách nhiệm hơn.

Thứ ba, theo Phó Thủ tướng, cần phải phối hợp tốt hơn, “tránh việc phát văn bản hỏi ông A, bà B rồi ngồi chờ, có khi cả năm chưa có trả lời”.

Thứ tư, đánh giá đây là một “khiếm khuyết của hệ thống”, Phó Thủ tướng lưu ý truyền thông phải tốt hơn. “Có khi chúng ta làm nhưng không nói, mà món này không nói người dân đâu biết để hưởng ứng. Có người nhắn tin cho tôi nói, tôi muốn ủng hộ lắm nhưng tôi phải làm ở đâu, làm như thế nào và gặp ai?”- ông Quang nói thêm và nhận xét việc này thời gian qua, TP.HCM làm khá tốt.

Sau cùng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị 6 Bộ: Nội vụ, Tài chính, Công Thương, TNMT, GTVT, Y tế trả lời kiến nghị của các địa phương trước ngày 15-8. Ông cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương trả lời các kiến nghị của thành viên Hội đồng tư vấn trước ngày 30-8.

“Các đồng chí cũng phải tôn trọng Hội đồng tư vấn, các vị chuyên gia nói mình phải trả lời, chứ không mai mốt ai đóng góp gì cho mình nữa. Trả lời nhớ gửi cho tôi một bản, qua Thường trực Tổ công tác, để tôi kiểm soát. Cái này cũng phải sòng phẳng với nhau để cuối năm còn đánh giá”- ông Trần Lưu Quang nói.

Nguồn: [Link nguồn]

“... Các đồng chí cứ nhắn tin cho tôi, số máy của tôi ai cũng có, dân khiếu kiện cũng có nên tôi tin các bộ ngành, địa phương đều có số máy của Phó Thủ tướng. Các đồng chí cứ nhắn tin 24/7”- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỨC MINH ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN