Phó Thủ tướng: Tinh gọn bộ máy ảnh hưởng tới khoảng 100.000 cán bộ, công chức

Sự kiện: Tinh gọn bộ máy
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết có khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng trong đợt sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này.

Sáng 21-12, tại hội nghị tổng kết của Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, đã dành nhiều thời gian đề cập đến vấn đề sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Loại bỏ người lười, thu hút người tài vào nền hành chính công

Ông Nguyễn Hòa Bình cho hay thời gian qua ông cùng tập thể lãnh đạo Bộ Nội vụ, các bộ phận tham mưu họp nhiều cuộc về chế độ chính sách cho cán bộ, công chức. “Hôm nay, chúng tôi phải “nộp bài” cho Bộ Chính trị để Bộ Chính trị xem xét, thông qua về chế độ chính sách khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Anh em đã rất nỗ lực”– ông Bình nói và cho hay không biết "ngày mai, ngày mốt" Bộ Chính trị thông qua như thế nào nhưng về cá nhân, ông cảm thấy rất yên tâm, đảm bảo.

Ông Nguyễn Hòa Bình thông tin về bình diện, số cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng khá đông với khoảng 100.000 người. Tuy nhiên nếu các đề xuất của Bộ Nội vụ được Bộ Chính trị đồng ý thì đây là chính sách đặc thù vượt trội, hết sức mạnh mẽ, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: XĐ

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: XĐ

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, ông yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục suy nghĩ làm sao thu hút, giữ chân, đào tạo, đãi ngộ được người tài; “đánh giá cán bộ cho đúng để sử dụng cho đúng”.

“Đây là những việc lâu nay làm chưa được tốt lắm. Trong rất nhiều việc, Bộ Nội vụ phải làm được việc này”- Phó Thủ tướng nói đây là mong muốn, gửi gắm. Ông Bình cũng đồng thời dẫn lại lời Tổng Bí thư “phải loại bỏ người lười biếng trong bộ máy, thu hút người tài vào trong nền hành chính công”.

“Chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, nên chăng suy nghĩ cuộc cách mạng về công tác cán bộ. Bởi bộ máy có khoa học bao nhiêu, tinh gọn bao nhiêu, có hợp lý bao nhiêu thì hiệu lực, hiệu quả của bộ máy là do con người quyết định”- vẫn lời Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình.

Ông dẫn ví dụ để phân tích: Hai vụ, hai phòng nhập lại, nếu hai vị cấp trưởng dở thì vụ, phòng sẽ dở; còn một anh dở, một anh giỏi nhập lại nếu để anh dở làm lãnh đạo thì hỏng luôn cả hai vụ, phòng.

“Vậy nên việc đánh giá, sử dụng đúng cán bộ, Đảng, Nhà nước và nhân dân trông chờ chúng ta có điều gì đó đột phá”- Phó Thủ tướng nói thêm.

Các cơ quan Đảng gương mẫu làm trước ngày 10-2-2025

Về nhiệm vụ năm 2025, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh sáu nội dung trọng tâm. Thứ nhất, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết 18, Trung ương khóa XII đang làm rất khẩn trương, quyết liệt, quyết tâm.

“Đây là nhiệm vụ của toàn hệ thống. Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu, giữ vai trò đặc biệt quan trọng nhưng là trách nhiệm chung của tất cả bộ ngành, địa phương chứ không chỉ đặt trên vai Bộ Nội vụ” - ông Nguyễn Hòa Bình lưu ý.

Phó Thủ tướng cho biết theo kế hoạch phải làm khẩn trương, trong đó các cơ quan Đảng gương mẫu làm trước ngày 10-2-2025. “Tuần sau, Bộ Chính trị sẽ kết luận để triển khai ngay. Dư luận quan tâm bộ nọ hợp nhất bộ kia nhưng có việc đặc biệt quan trọng là tất cả bộ, địa phương cũng phải tinh gọn tổ chức bên trong của mình để giảm tối thiểu 15-20% đầu mối. Cá biệt, có những đơn vị Chính phủ yêu cầu phải tinh gọn đến 40%” - Phó Thủ tướng thường trực nói.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, địa phương chủ động trong việc đề xuất phương án tinh gọn bên trong của mình. Riêng với Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng nêu rõ bốn nhiệm vụ quan trọng. Một là xây dựng mô hình bộ máy tinh gọn, hiệu quả hiện đang làm. Hợp nhất của Trung ương là cơ sở của địa phương.

Hai là hình thành cơ chế, chính sách đủ mạnh, đủ ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ người lao động nghỉ sớm. Ba là phải hình thành một hạ tầng pháp lý cho bộ máy mới hoạt động. Nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, chức năng nhiệm vụ, quy chế… đều đặt trên vai Bộ Nội vụ. Bốn là hướng dẫn các địa phương, bộ ngành làm việc này.

“Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, thậm chí cho Bộ Chính trị nên phải làm các nhiệm vụ này nhanh, khẩn trương nhưng phải rất khoa học. Chúng ta đổi mới sáng tạo để tiến lên phía trước nhưng phải rất bình tĩnh để đề phòng các rủi ro, quản trị rủi ro. Người lãnh đạo giỏi là người lãnh đạo biết xông lên và phòng ngừa các rủi ro và các hệ lụy”- ông nguyễn Hòa Bình nói thêm.

Theo ông Bình rủi ro đã được chỉ ra là tránh nhập cơ học, nhập nhưng có chỗ không hợp lý thì phải đề phòng, lường xem những bất hợp lý của việc hợp nhất. “Đây là việc rất khó, cần hạn chế tối đa các rủi ro; vừa làm vừa thăm dò, điều chỉnh, không thể ngay một lúc hoàn thành nhưng rủi ro phải thấp nhất”- Phó Thủ tướng chia sẻ.

Một rủi ro khác được Phó Thủ tướng chỉ ra, như lời Tổng Bí thư là “không để cơ quan nhà nước là nơi trú ngụ của người lười biếng”. Vì vậy, Bộ Nội vụ cần lưu ý sắp xếp làm sao tránh để “người tài xin nghỉ, người dở ở lại”.

Ông yêu cầu làm sao kết hợp cung- cầu, nhưng lựa chọn giữ được tinh hoa trong bộ máy hành chính công, những người thật sự tâm huyết, có đóng góp, có kinh nghiệm, có bản lĩnh. “Đây là bài toán khó nhưng cố gắng làm chứ đừng để làm một hồi anh giỏi đi hết, dở ở lại là không thành công” – vẫn lời Phó Thủ tướng.

Ông cũng lưu ý các địa phương, bộ ngành làm sao khi sắp xếp, bộ máy vận hành liên tục, phục vụ nhân dân đảm bảo không đứt quãng, cố gắng cao nhất không phát sinh tiêu cực…

Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo kiên quyết phòng chống việc lợi dụng chủ trương sắp xếp bộ máy, đội ngũ cán bộ để tiêu cực, tham nhũng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đ.MINH - N.THẢO ([Tên nguồn])
Tinh gọn bộ máy Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN