Phó Thủ tướng nói về việc tăng giá điện
"Chẳng Chính phủ nào dự báo được hoa sữa nở vào tháng 5", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói về việc tính toán thời điểm tăng giá điện và cho rằng có những yếu tố khách quan nằm ngoài dự liệu.
Video: Phó Thủ tướng nói về việc tăng giá điện
“Chính phủ vừa qua rất băn khoăn trong việc điều hành giá điện, xăng dầu vì ít nhiều ảnh hưởng đến niềm tin xã hội” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu như trên tại phiên thảo luận tổ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giải thích một số vấn đề liên quan đến giá điện. Ảnh: VIẾT LONG
Đã cân nhắc mức tăng
Với Báo cáo giá điện vừa gửi đến đại biểu Quốc hội, ông Vương Đình Huệ cho rằng đó là ý kiến chính thức của Chính phủ và kỳ vọng báo cáo này sẽ giải đáp được nhiều thắc mắc của đại biểu và người dân.
Theo đó, điện là đầu tư chiến lược, cân đối nguồn điện là một trong những cân đối kinh tế vĩ mô. Bình quân ba năm qua sản lượng điện tăng 10,21%/năm, dự báo năm 2019 tổng công suất điện tăng 11,23% mới bảo đảm được sản xuất, yêu cầu của người dân. Vì vậy, cần có chính sách điện hợp lý nhằm thu hút các nhà đầu tư để đảm bảo cân đối điện, đây là yêu cầu số một.
Sản lượng điện EVN sản xuất đang giảm dần, chủ yếu là mua ngoài. “Nếu không có giá hợp lý thì không có nhà đầu tư nào bỏ tiền vào đầu tư… Năng lượng tái tạo đang phát triển nhưng rất đắt vì phải có hệ thống tích điện, bởi không phải khi nào cũng có thể phát điện…”, ông Huệ nhấn mạnh đồng thời khẳng định Công ty Đầu tư tài chính EVN là lãi không lỗ và không gánh lỗ cho đầu tư ngoài ngành như nhiều thông tin nêu.
Phó Thủ tướng cũng cho biết năm 2018 chưa hội đủ yếu tố tăng giá điện, nhưng năm 2019 than tăng giá hai lần nên mua tốn 7.332 tỉ đồng, giá khí bao tiêu tăng 5.832 tỉ đồng. Hai khoản này phải tính toán và trình trước ngày 19-3 thì ngày 20-3 mới được tăng giá điện.
Về thời điểm tăng giá điện vào tháng 3, ông Vương Đình Huệ cho biết thời gian này vừa Tết xong sức mua giảm, rồi giá xăng dầu thế giới thường giảm vì hết mùa đông. Đến tháng 4 có năm rét còn chẳng tắm biển được.
“Năm nay nắng như đổ lửa, rồi tháng 5 lại lạnh như mùa đông. Chẳng Chính phủ nào dự báo được hoa sữa nở vào tháng 5" - Phó Thủ tướng ví von.
"Rồi giá xăng dầu tăng do vấn đề địa chính trị cấm nhập khẩu xăng dầu từ tám nước. Giờ cái chắc chắn nhất bây giờ là chẳng có gì chắc chắn cả, thế giới đang bất định. Chúng tôi báo cáo thêm để có chia sẻ. Tất nhiên, Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục theo dõi, bổ sung”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về bậc giá điện, ông Vương Đình Huệ cho rằng Chính phủ sẽ tiếp tục điều tra nghiên cứu số người trung lưu dùng trên 200 số thì có việc tăng lên, và không có nước nào không dùng cách tính bậc thang để ủng hộ người nghèo, tiết kiệm điện năng.
Đối với nguyên nhân tăng giá điện, Phó Thủ tướng cho biết kết quả kiểm tra cho thấy có ba nguyên nhân. Thứ nhất là điều chỉnh tăng giá, điều kiện nắng nóng, thời gian tháng 4 dài hơn tháng 3.
Ông cũng cho hay chưa phát hiện trường hợp nào gian lận. Các hộ khiếu nại đã được giải thích và chưa có đơn thư khiếu nại nào gửi lên Chính phủ.
Về minh bạch giá điện, ông Huệ thông tin hàng năm đều có kiểm toán độc lập và Kiểm toán Nhà nước vào. “Thanh tra Chính phủ đang tiếp tục thanh tra làm kỹ hơn và tôi cũng báo cáo Thủ tướng cho Kiểm toán tập trung vào báo cáo tài chính điều hành giá điện năm 2019, nếu có sai sót thì sửa”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Lo lắng giá điện tiếp tục tăng
Liên quan đến giá điện, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho rằng Chính phủ vẫn cần làm rõ hơn để người dân yên tâm. Vì cử tri không biết cách tính giá nhưng biết tăng giá sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và so sánh với giá cả khác thì việc tăng của mặt hàng này chưa phù hợp. Đồng thời, vị đại biểu đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán lại giá điện và giá xăng dầu.
“Nếu kiểm toán vào trả lời thì dù tăng hay giảm, người dân cũng thấy minh bạch. Người dân nói tăng giá dù có ảnh hưởng thu nhập, cuộc sống nhưng quan trọng nhất là lòng tin và sự minh bạch trong điều hành giá cả. Kiểm toán nên vào cuộc cho cử tri yên tâm” ông Nguyễn Hữu Cầu khẳng định.
Với giải trình của Chính phủ, ông Trần Hoàng Ngân (TP HCM), cho rằng cách chia biểu giá điện thành 6 bậc thang hiện nay chưa hợp nên phải sửa.
Dẫn báo cáo của Chính phủ, ông nêu hiện Nhật Bản chỉ có 3 bậc thang giá điện, Thái Lan 7 bậc, Việt Nam 6 bậc nhưng cách chia và định mức mỗi bậc của Việt Nam chưa thật hợp lý với bối cảnh hiện nay.
“Nhu cầu sử dụng điện của người Việt Nam tăng lên do thu nhập tăng, nhu cầu và điều kiện sử dụng các thiết bị phục vụ sinh hoạt cũng cao hơn. Do đó bậc thang tính giá điện phải thay đổi để mức tăng giá điện 8,36% không ảnh hưởng nhiều đến người dân” ông Ngân nói và đề xuất gộp bậc 1 và bậc 2 thành một bậc từ 0-100 kWh, bậc 3 và bậc 4 thành một bậc từ 101-300 kWh.
Trong khi đó, ông Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, lo lắng giá điện tiếp tục tăng vì nguồn điện trong nước phụ thuộc chủ yếu vào thủy điện, trong khi thuỷ điện có giới hạn và phù thuộc thiên nhiên. Đối với nguồn năng lượng tái tạo, vừa qua Nhà nước đẩy rất mạnh thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời nhưng theo báo cáo và đi khảo sát, có hơn 200/300 dự án đang vướng trong việc triển khai.
“Vì vậy, điện nói chung sẽ tiếp tục tăng giá vì nhiên liệu cho nó là than cũng đang tăng giá – đây là dạng năng lượng có chi phí khá cao…” ông Minh nhận định.
Phân tích về giá điện, ĐB Lê Thu Hà (Lào Cai) khẳng định, cách giải trình của EVN đã ẩn đi một lần tăng giá. Gía điện...