Phó Thủ tướng: Không muốn lặp lại cái tết như năm 2020
“Sau cuộc họp về phương án chống dịch COVID-19 chiều 30 tết, tôi về nhà thắp hương cúng giao thừa. Sáng mùng 1 đi thăm hai người mẹ. Đó là tất cả tết năm 2020, cái tết tôi không bao giờ muốn lặp lại”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại kỷ niệm khó quên những ngày đầu dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam.
Ngày 23-1-2021 là thời điểm tròn một năm Việt Nam ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên. Nhân dịp kết thúc “năm thứ nhất COVID-19”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có những chia sẻ trực tuyến với bạn đọc trên VnExpress.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã kiểm soát tốt công tác phòng chống và điều trị COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG
“Công bố dịch COVID-19 là quyết định khó khăn nhất cuộc đời”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tâm huyết nhắc nhở ngành y tế đã có những thành quả ban đầu về nghiên cứu vaccine nhưng để có thể đưa vào sử dụng thì ít nhất phải một năm nữa. Tức nửa năm tới, tình hình dịch COVID-19 vẫn chưa ổn định. Người dân cả nước vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt theo quy định của Bộ Y tế.
Quay về thời điểm 23-1-2020, Bộ Y tế công bố có hai ca mắc COVID-19 đầu tiên, Việt Nam chính thức có dịch COVID-19. Dù ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng và lãnh đạo ngành y tế đã chuẩn bị tinh thần cho “một việc rồi sẽ đến”, thế nhưng đâu ai biết phía sau quyết định công bố dịch ngày 29 tết đó lại là một sự liều lĩnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kể ông được giao ngồi vào vị trí của bộ trưởng Bộ Y tế vào cuối tháng 11. Thời điểm này ngành y tế chỉ có hai thứ trưởng, khuyết thứ trưởng đảm nhận công tác chống dịch, cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng vừa nghỉ hưu.
Đầu tháng 12, thông tin dịch bùng phát ở nước bạn, ông Đam bắt đầu lo lắng. “Cuối tháng 12, tôi ký văn bản chống các dịch bệnh mùa đông. Đến ngày 13-1, nước đầu tiên ngoài Trung Quốc là Thái Lan có ca bệnh, mấy ngày sau là Nhật Bản và Hàn Quốc. Lúc đó chúng tôi chắc chắn Việt Nam sẽ và đang có người mắc bệnh. Ngay lập tức vào ngày 21-1 tôi cho họp, ngày 22-1 đi kiểm tra chống dịch thì đến ngày 23-1 ghi nhận. Mọi việc cứ như đã sắp đặt trước, rất trùng hợp” - ông Đam nhấn mạnh về sự chủ động của ngành y tế trước đại dịch.
Khi ấy chúng ta đang trong tình thế âm tính hay dương tính cũng không thể công bố được. Vì theo quy trình, nếu mẫu dương tính cũng phải chuyển ra nước ngoài, cho tổ chức của WHO thực hiện lại (Việt Nam chưa có mồi xét nghiệm COVID-19), sau đó mới công bố.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày 29 tết, nguy cơ xung quanh cao. Nếu chần chừ thì không thể kích hoạt hệ thống chống dịch, phong tỏa cách ly. Do đó, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đến BV Chợ Rẫy chờ kết quả, đồng thời gọi thêm các nhà báo, nếu có dương tính thì cứ công bố có dịch.
“Quyết định công bố ca mắc đầu tiên là hết sức khó khăn và đó là quyết định khó khăn nhất cuộc đời làm nghề y của tôi” - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Sau lần xét nghiệm thứ hai tiếp tục dương tính, Bộ Y tế công bố ca mắc COVID-19 đầu tiên, dù sau quyết định đó đã vấp phải khá nhiều phản đối từ chuyên gia nước ngoài.
Nhìn lại quyết định ngày hôm đó, Thứ trưởng Sơn vẫn nhận định đây là quyết định liều lĩnh. Thế nhưng ông cùng Phó Thủ tướng chưa từng phải hối hận về nó.
“Sau khi công bố chúng ta kích hoạt toàn bộ hệ thống. Nhờ có kích hoạt đó mà trường hợp tiếp viên khách sạn ở Khánh Hòa lây nhiễm F1 từ hai cha con này đã sớm được cách ly” - Thứ trưởng Sơn nói.
Vaccine vẫn là câu chuyện của tương lai. Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, chủ trương không thể tiêm đồng loạt và tiêm quá nhiều. Đây không chỉ vấn đề kinh phí mà là không có vaccine nên chỉ tiêm cho những đối tượng ưu tiên, những người tiếp xúc nhiều và có nguy cơ cao hơn. Còn tiêm cho toàn dân thì đấy là câu chuyện không phải một sớm một chiều. |
“Công sức là của cả hệ thống”
“Dịch phát hiện vào thời điểm 29 tết, đêm 30 sau cuộc họp tôi về nhà cúng giao thừa, sáng mùng 1 đi chúc tết hai mẹ và đó là tất cả tết năm 2020. Một cái tết tôi không bao giờ muốn lặp lại” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cùng ngành y trải qua năm COVID-19 thứ nhất đầy vất vả.
Làn sóng dịch COVID-19 thứ hai bùng lên ở Đà Nẵng, chấm dứt 100 ngày không có ca nhiễm cộng đồng. Hình ảnh Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn xin Thủ tướng ở lại tâm dịch đến khi nào hết dịch mới trở về đã khiến nhiều người khâm phục.
Nhưng trong tâm thế của một bác sĩ, ông cho biết “đó là việc hết sức bình thường. Vì đó không chỉ riêng tôi mà là trách nhiệm của cả ngành y, của những người bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Ngay từ cuối tháng 12 chúng tôi đã chuẩn bị và đến giữa tháng đã xây dựng bốn kịch bản, kịch bản cao nhất lên mấy ngàn người nhiễm”. “Chúng tôi vẫn quyết tâm là kể cả mấy chục ngàn người nhiễm vẫn có các biện pháp để kiểm soát được. Tinh thần của chúng tôi là bao giờ cũng nghĩ đến tình huống xấu nhất và chuẩn bị để tình huống đó không bao giờ xảy ra nhưng luôn luôn sẵn sàng” - ông nói.
Thứ trưởng Sơn cho biết thêm ban chỉ đạo đã chuẩn bị báo cáo xây dựng tình huống thứ năm là tình huống khốc liệt, trên nguyên tắc kiểm soát mọi tình hình. Đối với y tế, để tránh tình trạng bệnh viện quá tải, chúng ta huy động tập trung tất cả cơ sở y tế từ xã đến huyện, tỉnh và trung ương, huy động toàn lực để chống dịch.
Nếu tình huống xấu nhất xảy ra, y tế vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ trang thiết bị y tế, trang phục, vật tư, cơ sở khám chữa bệnh để chống dịch.
Rất may là tình huống xấu nhất đã không xảy ra…
Nguồn: [Link nguồn]
Chiều 20-1, Việt Nam phát hiện thêm 4 ca mắc Covid-19 ở TP HCM là các ca bệnh nhập cảnh, được cách ly ngay tại Bệnh viện...