Phó Thủ tướng họp khẩn chống bão Rammasun

Trước diễn biến phức tạp của bão Rammasun, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có cuộc họp khẩn với các đơn vị ban ngành chuẩn bị phương án phòng chống bão. Dự báo, trưa ngày 16/7, bão Rammasun sẽ đổ bộ vào biển Đông.

Chiều ngày 15/7, tại Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có cuộc họp với các đơn vị, ban ngành chuẩn bị phương án phòng chống bão Rammasun.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, dự kiến vào trưa ngày 16/7, bão sẽ vào Biển Đông, giật cấp 11, 12. Sau khi vào Biển Đông, bão sẽ duy trì cấp 11 trong một thời gian nhất định, sau đó sẽ tăng cấp trở lại cấp 12. Vùng nguy hiểm được dự tính từ vĩ tuyến 13 giật lên phía bắc.

Khi vào đến Bắc Bộ bão giật cấp 9, 10. Đến ngày 19/7 bắt đầu ảnh hưởng đến vùng ven biển Bắc Bộ gồm các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng…

Từ ngày 19 đến 22/7, bão sẽ gây ra một đợt mưa lớn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trọng tâm mưa tập trung vào Bắc Bộ và vùng núi phía bắc. Lượng mưa phổ biến từ 200- 300 m, thậm chí có nơi có lượng mưa đến 500mm. Thủ đô Hà Nội cũng sẽ xảy ra mưa lớn.

Phó Thủ tướng họp khẩn chống bão Rammasun - 1

Cuộc họp chiều ngày 15/7 tại Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương

“Cơn bão Rammasun có nhiều dấu hiệu giống đường đi của cơn bão số 2 năm 1983. Cơn bão này sau khi vào biển đông có suy giảm cấp độ, nhưng sau đó lại tăng cấp trở lại. Cơn bão đã gây ảnh hưởng lớn cho người dân ở đồng bằng Bắc Bộ. Do vậy, các địa phương có khả năng ảnh hưởng bão phải hết sức đề phòng, theo dõi chặt diễn biến của bão”, ông Cường chia sẻ.

Khoảng ngày 19/7 bão bắt đầu ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, cường độ bão khi đó giật cấp 9, cấp 10.

Sau khi nghe diễn biến về cơn bão, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phải cập nhật thường xuyên diễn biến cơn bão. UBND các tỉnh có khả năng chịu ảnh hưởng của bão phải rà soát lại công tác phòng chống bão, chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó khi có bão vào.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải bố trí thời gian hợp lý để các tàu Cảnh sát biển, tàu Kiểm ngư đang hoạt động trên biển tránh trú bão an toàn. Cán bộ phải đi kiểm tra các hồ tích nước ở các địa phương để ra quyết định có được tích trữ nước hay không được tích nước khi mưa bão xảy ra.

“Cơn bão Rammasun được nhận định là cơn bão phức tạp, vùng ảnh hưởng rộng nên các địa phương phải hết sức chú ý, đề phòng. Người dân phải chủ động chằng chéo nhà cửa, đảm bảo an toàn cho người và tải sản trước khi bão vào”, Phó Thủ tướng nói.

Cũng trong chiều nay, Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có công điện gửi các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu phải chuẩn bị phương án phòng chống bão. Bộ đội Biên phòng các tỉnh phối hợp với địa phương kêu gọi tàu thuyền vào neo đậu, tránh trú khi có bão đổ bộ.

Các tỉnh miền núi phía Bắc phải rà soát lại ngay các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống để chủ động sơ tán dân, đảm bảo an toàn.

Theo báo cáo biên phòng các tỉnh, đến nay các địa phương đã phối hợp với địa phương, thông báo, hướng dẫn cho gần 60.000 tàu biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Bão số 2: Thần Sấm Rammasun Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN