Phố Thiền Quang và những ký ức đẹp về vị Tổng Bí thư giản dị, gắn bó với dân

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trong ký ức của những người hàng xóm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo đáng kính, bình dị, gần gũi, thường nghĩ cho người khác hơn cho bản thân.

Những ngày này, góc phố Thiền Quang – Trần Bình Trọng (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trở nên tĩnh lặng, trầm mặc. Góc phố chỉ cách nhà công vụ số 5, phố Thiền Quang vài bước chân, nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và gia đình sinh sống, gắn bó từ năm 1996 tới nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tham dự Ngày hội đại đoàn kết dân tộc tại khu phố 6, phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dịp tháng 11-2018.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tham dự Ngày hội đại đoàn kết dân tộc tại khu phố 6, phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dịp tháng 11-2018.

Bác Trọng lúc nào cũng nghĩ cho người khác

Ông Nguyễn Minh Quang, một cựu chiến binh, hiện giờ là thành viên của tổ an ninh trật tự cơ sở phường Nguyễn Du, cho hay từ khi Nhà nước thông báo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông và lực lượng giữ gìn an ninh trật tự của phường được huy động "chốt" ở góc phố này, làm công tác bảo đảm an ninh trật tự, chuẩn bị cho ngày Quốc tang vào 25 và 26-7 sắp tới.

Đây cũng vốn là nhiệm vụ thường xuyên của tổ an ninh trật tự phường, nhờ vậy có đôi lần ông Quang được tiếp xúc với Tổng Bí thư. “Đó là một nhà lãnh đạo đáng kính, giản dị” – ông Quang nói.

Ông kể có một chiều nọ, khi góc phố Thiền Quang – Trần Bình Trọng xảy ra ùn tắc, lực lượng dân phòng, an ninh trật tự của phường đang tuýt còi, dẹp đường thì chiếc xe Toyota Crown 80B-2089 (Ô tô công vụ đưa đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- PV) đi tới.

"Từ xa xe đã tấp vào lề, Tổng Bí thư bước xuống, ông tiến lại chào chúng tôi và nói: Tôi dừng ở đây đi bộ vào nhà có mấy bước thôi, nhiều người đang bận, cứ để họ đi trước là được” – ông Quang hồi ức lại và chia sẻ việc đó tuy nhỏ nhưng thể hiện cái tâm lúc nào cũng nghĩ cho người khác, người bình thường làm được còn khó, huống chi là người ở vị trí cao.

An ninh được thắt chặt tại phố Thiền Quang, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - đây là phố mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời đã sinh sống cùng gia đình. Ảnh: TP

An ninh được thắt chặt tại phố Thiền Quang, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - đây là phố mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời đã sinh sống cùng gia đình. Ảnh: TP

Tổng Bí thư luôn mong bà con thông cảm

Không chỉ ông Quang, những bà con lối xóm có nhiều năm gắn bó với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và gia đình ông cũng có chung cảm nhận như vậy.

Bà Nguyễn Thị Hiệp, Phó Bí thư Chi bộ 8 (Đảng bộ phường Nguyễn Du), cho hay gia đình bà chuyển tới số 9 phố Thiền Quang từ năm 2000 và có duyên làm hàng xóm với gia đình Tổng Bí thư từ đó đến nay.

“Bà con khu phố nghe tin Bác ấy mất ai đấy đều buồn. Bác ấy sống tình cảm, gắn bó. Bác ấy và gia đình là một tấm gương mẫu mực cho mọi người noi theo” – bà Hiệp nói.

Bà Hiệp cho hay những năm trước đây, mỗi lần đi làm về, ông hay xuống xe trước cửa nhà, đứng lại một lúc nhìn dãy phố, vẫy tay chào hỏi mọi người khi gặp gỡ.

“Ông Long - chồng tôi là tổ trưởng tổ dân phố xấp xỉ tuổi với Bác. Hai người thi thoảng trò chuyện với nhau. Có lần gặp, Bác ấy dí dỏm với ông Long: “Ông là tổ trưởng gương mẫu, còn tôi là công dân của phố”. Rồi Bác động viên chồng tôi: "Ông phải cố gắng giữ gìn sức khoẻ, làm việc cống hiến cho xã hội, cho bà con khu dân phố".

Là lãnh đạo lớn bận việc nước nhưng với khu phố lúc nào Bác ấy cũng mong mỏi mọi người cùng đồng lòng, hoà thuận, đoàn kết để xây dựng cuộc sống tốt hơn” - bà Hiệp nói.

Bà Hiệp kể lại dịp cuối năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Ngày hội đại đoàn kết dân tộc tại khu phố 6, phường Nguyễn Du. Tối đó, Tổng Bí thư cùng bà con hàng xóm đi bộ ra nơi tổ chức ngày hội, vừa đi vừa chuyện trò với bà con khu phố.

“Hôm đó, Bác có phát biểu "tôi vẫn khuyên mọi người trong khu cộng đồng dân cư là sống chan hoà, đoàn kết và giữ gìn trật tự khu phố, nhưng chính tôi lại là người gây ra sự mất trật tự ở khu dân cư. Tôi biết cứ 4-5 giờ sáng lại có những người khiếu kiện đến đầu phố kêu cứu, khiến bà con mất ngủ, đây là lỗi của tôi. Nhưng không thể làm khác được, vì dân có bức xúc thì họ mới phải đến kêu như thế. Các bác trong tổ dân phố thông cảm cho tôi nhé!” – bà Hiệp kể lại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Ngày hội đại đoàn kết dân tộc tại khu phố 6, phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dịp tháng 11-2018.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Ngày hội đại đoàn kết dân tộc tại khu phố 6, phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dịp tháng 11-2018.

Nhiều người dân ở phố Thiền Quang cho hay họ làm hàng xóm với gia đình Tổng Bí thư từ năm 1996, khi ông về nhận công tác tại TP Hà Nội. Trong ấn tượng của mọi người, gia đình ông là một gia đình mẫu mực, gia giáo, có cuộc sống và nếp sống sinh hoạt giống như bao gia đình khác, là tấm gương cho mọi người noi theo.

“Vợ Bác ấy là một phụ nữ chân chất, đảm đang, con cái, cháu chắt đều lễ phép. Dù Bác ấy ở địa vị cao nhưng con cái Bác cũng làm công chức bình thường như con chúng tôi, các cháu của Bác ấy cũng học trường công gần nhà như cháu chúng tôi” – một hàng xóm chia sẻ.

Căn tập thể 25 m2 của gia đình Tổng Bí thư

Ông Nguyễn Mạnh Cường (62 tuổi), cựu cán bộ, nhân viên của Tạp chí Cộng sản cho hay ông có cơ duyên làm hàng xóm với gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hơn 10 năm (giai đoạn 1986-1996) ở tập thể Tạp chí Cộng sản số 16, phố Nguyễn Thượng Hiền, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tập thể là một ngôi nhà xây kiểu Pháp cũ, cao 3 tầng gồm tám hộ gia đình ở, sử dụng chung hai nhà vệ sinh và một bể nước. Gia đình Tổng Bí thư lúc đó có năm người (gồm bà cụ thân sinh của Tổng Bí thư, vợ chồng ông và hai người con) sống trong căn phòng 25 m2 trên tầng ba. Còn nhà ông Cường ở dưới tầng 1.

“Tôi kém Tổng Bí thư 18 tuổi nên gọi ông là chú. Chú Trọng là người giản dị, gần gũi với bà con lối xóm. Còn cô Mận (phu nhân của Tổng Bí thư, bà Ngô Thị Mận – PV) là người hiền hậu, chất phác. Là hàng xóm nên thi thoảng tôi có lên nhà chú chơi. Nhà tập thể gia đình chú tuy nhỏ nhưng sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Con cái của chú đều được giáo dục gia giáo, là người lễ phép” – ông Cường nhớ lại.

Một góc căn phòng nhà ở tập thể Tạp chí Cộng sản số 16, phố Nguyễn Thượng Hiền, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng - nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh sống trước năm 1996. Ảnh: TP

Một góc căn phòng nhà ở tập thể Tạp chí Cộng sản số 16, phố Nguyễn Thượng Hiền, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng - nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh sống trước năm 1996. Ảnh: TP

Ông Cường cho hay tới năm 1996, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được phân công về TP Hà Nội công tác thì gia đình ông chuyển sang số 5 phố Thiền Quang sinh sống.

“Chỗ ở mới của gia đình chú ấy chếch ngay sau nhà tập thể này nhưng khác tổ dân phố, khác lối đi. Từ khi gia đình chú chuyển về chỗ ở mới, tôi ít được gặp chú hơn, chỉ có thi thoảng gặp cô Mận đi chợ. Mỗi lần gặp chúng tôi vẫn thăm hỏi cuộc sống của nhau. Dịp cưới con trai chú (Thời kỳ Tổng Bí thư làm Chủ tịch Quốc hội – PV), những bà con láng giềng đều được gia đình chú mời tới chia vui”.

Cũng theo ông Cường, sau khi gia đình Tổng Bí thư chuyển sang nhà công vụ tại số 5, phố Thiền Quang thì gia đình ông có cơ duyên được sử dụng lại căn phòng cũ của gia đình Tổng Bí thư. Sau đó, ông Cường có cải tạo lại căn phòng và để cho vợ chồng con gái ông sử dụng.

Ông Cường nói khi biết tin Tổng Bí thư mất nhiều bà con ở phố Nguyễn Thượng Hiền rất buồn và thương tiếc. Mọi người cùng hẹn nhau đến thắp nén hương tiễn biệt người hàng xóm đáng kính và chia buồn cùng gia đình ông.

Nguồn: [Link nguồn]

Trong hai ngày 25-26/7, người dân đến viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mang theo căn cước công dân hoặc điện thoại đã cài đặt VNeID kích hoạt mức độ 2.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRỌNG PHÚ ([Tên nguồn])
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN