Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM thông tin về việc xét nghiệm "quét" F0
TP.HCM không xét nghiệm toàn bộ người dân TP mà phân loại thành từng vùng mức độ nguy cơ để bóc tách F0. Sau những ngày đầu bỡ ngỡ, hiện nhiều người dân đã tự thực hiện test nhanh COVID-19.
Chiều 28-8, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã cung cấp những thông tin xoay quanh việc xét nghiệm và điều trị bệnh cho người dân.
Theo ông Hưng, từ ngày 23-8 đến nay, TP đã thực hiện xét nghiệm khoảng 1.436.922 mẫu test nhanh, trong số này phát hiện 54.498 người dương tính. Tỉ lệ ca bệnh phát hiện qua test nhanh không chênh lệch nhiều với số liệu ca dương tính phát hiện hằng ngày.
Trước thắc mắc việc xét nghiệm COVID-19 có được thực hiện đối với toàn bộ người dân TP, ông Hưng khẳng định không xét nghiệm toàn bộ người dân TP mà phân loại thành từng vùng mức độ nguy cơ để có xét nghiệm phù hợp, bóc tách và phát hiện sớm F0, có trọng tâm trọng điểm.
Người dân ở vùng cam ở quận 3 được hướng dẫn tự thực hiện test nhanh cho người thân. Ảnh: HL
Theo đó, các khu phố, ấp được chia thành 4 mức độ nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ và an toàn dựa theo số lượng ca mắc bệnh để xét nghiệm và khoanh vùng phù hợp.
Ở vùng đỏ và vùng cam, người dân được test nhanh 2 ngày một lần, vùng vàng và vùng xanh, được xét nghiệm khẳng định PCR mẫu gộp 5 và gộp 10 mẫu đối với vùng xanh 7 ngày một lần. Các vùng nguy cơ sẽ được cho xét nghiệm lại theo mức độ nguy cơ để “quét” hết F0 nếu có.
“Vùng này mang tính tương đối, thay đổi theo thời gian, căn cứ số lượng F0 được phát hiện trong khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn qua xét nghiệm, phân loại là vùng đỏ khi trong vòng 3 ngày có 3 ca F0”, - ông Hưng lý giải.
Theo ông Hưng, chiến dịch xét nghiệm lần này khác trước là nhân viên y tế lấy mẫu test nhanh hay test PCR hoặc chuyển mẫu test nhanh cho người dân tự lấy mẫu dưới sự hỗ trợ giám sát của nhân viên y tế chứ không giao khoán cho người dân.
“Sau những ngày đầu bỡ ngỡ, những ngày gần đây, số lượng người dân tự lấy mẫu ở địa phương tăng nhiều khi đã quen, cứ 2 ngày tự thực hiện test quét một lần xem là việc thường xuyên. Ban đầu, người dân tự thực hiện dưới sự hỗ trợ của nhân viên y tế, sau này mức độ hỗ trợ sẽ giảm dần”, - ông Hưng nêu.
Ông Hưng cho biết trong thời gian tới, TP sẽ đẩy nhanh số lượng test nhanh hằng ngày, tăng cường lực lượng hỗ trợ, giao các phường xã thống kê số hộ trong vùng của mình và theo dõi tiến độ xét nghiệm các hộ dân.
Liên quan chiến lược điều trị và giảm tử vong ca nhiễm COVID-19, ông Hưng cho rằng TP đang cố gắng đẩy mạnh tầng 1 gồm cách ly tại nhà, khu cách ly, các trạm y tế lưu động, phát túi thuốc cho F0 để hạn chế số ca bệnh chuyển nặng.
Dự báo TP tập trung chiến lược xét nghiệm F0, số ca bệnh sẽ tăng nhưng vẫn nằm trong dự báo, ông Hưng khẳng định TP vẫn đủ điều kiện chăm sóc tốt cho F0 mới phát hiện và có khoảng 45.000 F0 đang cách ly tại nhà.
“Qua quan sát ở 3 tầng, số tử vong ở tầng 2 nhiều hơn nên ngành y tế yêu cầu các quận, huyện ngoài các trường hợp chuyển viện thì cần quan sát, đánh giá sớm tình trạng của bệnh nhân để chuyển viện kịp thời, hi vọng số lượng tử vong thời gian tới sẽ giảm” – ông Hưng nêu.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy hoan nghênh ngành y tế đã có nhiều giải pháp để kiềm chế F0 như đưa người lang thang cơ nhỡ vào các cơ sở, đẩy nhanh tiêm vaccine và thực hiện quy trình vòng quay xét nghiệm bóc tách F0, khi phát hiện F0 mới thì cấp túi thuốc cho bệnh nhân.
Ông Khuê đề nghị cần quan tâm đến đời sống của nhân viên y tế tuyến đầu và ở cơ sở, phối hợp với các địa phương xây dựng quy trình thông suốt, nhắc nhở các quy trình kiểm soát để các chính sách đến với người dân kịp thời, trọn vẹn.
Nguồn: [Link nguồn]
TP.HCM đang nỗ lực xét nghiệm để phát hiện sớm các ca nhiễm COVID-19, nên số lượng ca nhiễm sẽ tăng trong khoảng thời...