Phó Giám đốc Công an TP HCM cảnh báo những chiêu lừa mới
Mạng internet, công nghệ phát triển giúp ích rất nhiều trong cuộc sống Tuy nhiên, tội phạm công nghệ cao cũng sinh sôi, nảy nở như nấm sau mưa...
Theo Công an TP HCM, mặc dù công an, truyền thông và báo chí liên tục thông tin những chiêu lừa đảo cũng như thủ đoạn hoạt động nhưng nhiều người vẫn “mắc bẫy”.
Những chiếc bẫy “ngọt ngào”
*Thưa Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP HCM, những chiêu lừa công nghệ mà tội phạm thường sử dụng hiện nay là gì?
Hiện nay, tội phạm công nghệ cao hoạt động rất bài bản khiến người dân khó phát hiện kể cả những người cảnh giác cao độ. Những chiêu lừa từ lâu như giả danh công an, viện kiểm sát hù dọa người dân vẫn còn. Bên cạnh đó, tội phạm đang sử dụng công nghệ mới nhất để chiếm đoạt SIM điện thoại sau đó rút tiền trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử.
*Ngoài chiếm đoạt SIM điện thoại là hình thức lừa đảo rất mới đang được cộng đồng quan tâm, ông có thể chỉ ra thêm một vài chiêu lừa để người dân tránh?
Gần đây nhất, người dân phản ánh nhận được tin nhắn họ bị truy nã. Nội dung tin nhắn này nêu rõ thời gian ra quyết định tội danh bị truy nã. Đồng thời, tin nhắn yêu cầu nạn nhân tự giác trình diện.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Phó Giám đốc Công an TP HCM cảnh báo những chiêu lừa mới
Ngoài ra, chỉ một thời gian ngắn sau khi Bộ Công an triển khai việc cấp tài khoản định danh điện tử đã xuất hiện những kiểu lừa đảo với chiêu bài kiểm chứng thông tin. Các đối tượng biết được số chứng minh nhân dân, ngày sinh, quê quán (do một lý do nào đó bị lộ) nên gọi điện để yêu cầu xác thực và chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Một thủ đoạn khác nữa đó là mời gọi mở các gian hàng online trên các sàn thương mại điện tử. Khi đó, các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đến một tài khoản khác để được chuyển lại đủ với khoản chênh lệch lớn, thông thường từ 10% đến 15%. Nạn nhân nhiều lần được hưởng một số tiền chênh lệch nhỏ nên sẽ tin tưởng, đến khi chuyển số tiền lớn thì kẻ gian sẽ khóa máy không liên lạc được.
*Công an có gửi "lệnh truy nã", "lệnh bắt" qua zalo, viber, facebook hoặc gọi điện thoại để xác thực thông tin hay không, thưa ông?
Người dân cần lưu ý là cơ quan công an không làm việc qua điện thoại. Nếu cần liên hệ thì công an sẽ gửi giấy mời, hẹn ngày giờ tại trụ sở để làm việc chứ không bao giờ điện thoại, gửi thông báo qua zalo, viber, facebook.
*Thưa đại tá Nguyễn Sỹ Quang, hiện nay có rất nhiều chiếc bẫy "ngọt ngào và tinh vi", nếu không tỉnh táo rất khó phát hiện. Ông nhận định vấn đề này như thế nào?
Nói về tội phạm công nghệ cao, hiện nay các đối tượng lừa đảo hoạt động theo băng nhóm và rất tinh vi. Từ đầu năm 2021 đến nay, Công an TP HCM đã phát hiện 33 vụ việc liên quan đến mua hàng, đầu tư tiền ảo trên mạng. Trong số này, chúng tôi đã khởi tố 2 vụ với 3 bị can và tiếp tục xác minh 31 vụ người dân trình báo.
Từ thông tin người dân cung cấp, chúng tôi thấy rằng họ bị dụ bằng những lời có cánh ngọt ngào, được hứa đầu tư sinh lời cao. Khi nạn nhân nộp tiền đủ nhiều thì tài khoản bị hack và kẻ lừa đảo cũng "mất tích". Đa số các vụ lừa đảo đều đánh vào lòng tham của con người nên người dân phải hết sức bình tĩnh với những khoản đầu tư nhẹ nhàng mà có lời nhiều.
Công an TP HCM khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai
*Ông có thể nói rõ hơn về việc đầu tư tiền ảo để người dân cảnh giác?
Công an TP HCM khuyến cáo hiện nay đầu tư tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam công nhận nên khi đánh cược tham gia hình thức đầu tư "sinh lời cao" này thì rủi ro cũng sẽ rất cao.
Những sàn tiền ảo bị công an phát hiện đều thực hiện với chiêu thức kết bạn làm quen trên mạng, kêu gọi đầu tư siêu lợi nhuận. Sau khi nạn nhân bắt đầu thấy ham các khoản lời thì các đối tượng gửi link tham gia đầu tư. Khi tiền đã vào tài khoản, "nhà đầu tư" có lời hoặc không lời muốn rút tiền phải nộp thêm vào. Hầu hết các trường hợp bị đánh sập tài khoản và mất hết tài sản.
Đừng tham đầu tư ít, sinh lời cao
*Lừa đảo công nghệ cao có khác với lừa đảo truyền thống không, thưa ông?
Dĩ nhiên là khác rất nhiều. Nhưng dù lừa đảo công nghệ cao hay truyền thống thì một điểm chung duy nhất là đánh vào lòng tham của con người.
Để người dân "xuống tiền" và rủ thêm người thân, bạn bè tham gia, các nhóm lừa đảo nghĩ ra những thủ đoạn cực kỳ tinh vi để che giấu. Kịch bản lừa đảo cũng dễ đi vào lòng người và hình ảnh sống động, trực quan hơn với đội ngũ "cò mồi" đông đảo giăng bẫy khắp nơi trên mạng xã hội.
*Trước những chiêu lừa mới, thủ đoạn hiện đại, người dân cần làm gì để tránh bị mất tài sản?
Mạng internet phát triển, công nghệ phát triển giúp ích rất nhiều trong cuộc sống. Tuy nhiên, tội phạm công nghệ cao cũng sinh sôi, nảy nở như nấm sau mưa. Người dân cần bình tĩnh trước những món quà, món tiền không mất phí; cần trang bị kiến thức, hiểu biết về các hình thức đầu tư được pháp luật cho phép và trái phép.
Khi được chào mời đầu tư sinh lời cao cần đặt câu hỏi "sinh lời cao tại sao họ không làm mà rủ người khác cùng làm?". Nếu lỡ bị sập bẫy cần thông báo ngay cho cơ quan công an quận, huyện nơi người dân sinh sống để hợp tác điều tra.
*Bên cạnh khuyến cáo, Công an TP HCM có kế hoạch nào để đối phó, truy xét các băng nhóm tội phạm công nghệ cao không thưa ông?
Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền đến người dân và tuyên truyền trên không gian mạng. Bên cạnh đó, Công an TP HCM chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Xin cảm ơn ông.
Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, tội phạm công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để lừa đảo ngày một tinh vi, phức tạp.
Nguồn: [Link nguồn]