Phó Cục trưởng Quản lý Đê điều trần tình về phát ngôn "người dân Đà Nẵng không chống ngập"
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) đã xin lỗi chính quyền và người dân Đà nẵng sau phát ngôn gây bức xúc tại buổi họp báo ngày 18-10 vừa qua.
Liên quan đến phát ngôn “100% hộ dân không ai thực hiện kê đồ lên cao, triển khai chống ngập” hôm 18-10 khiến người dân Đà Nẵng bức xúc, trưa 9-10, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) đã có một số chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM xung quanh vấn đề này.
Người dân không chấp hành hướng dẫn phòng chống lũ chỉ là thiểu số
Phóng viên: Người dân Đà Nẵng đang bức xúc trước câu "100% hộ dân không ai thực hiện kê đồ lên cao, triển khai chống ngập" của ông hôm 18-10. Ông có muốn chia sẻ thêm điều gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Tiến: Trong công tác phòng chống bão lũ những năm qua nói chung, cũng như đợt mưa lớn, ngập lụt những ngày qua nói riêng, chính quyền và người dân Đà Nẵng đã rất chủ động, triển khai toàn diện các biện pháp ứng phó với thiên tai.
Đầu tuần qua, đoàn công tác Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã trực tiếp tới địa phương để kiểm tra tình hình thực tế và chỉ đạo công tác ứng phó với ngập lụt. Đồng thời huy động thăm hỏi và hỗ trợ cấp phát 2.000 thùng mì tôm trực tiếp đến tay người dân địa phương.
Người dân Đà Nẵng kê cao đồ để tránh bị hỏng hóc khi ngập lụt. Ảnh: TẤN VIỆT
Chúng tôi đã ghi nhận, các đồng chí lãnh đạo UBND, HĐND tỉnh tới các ban, ngành, đoàn thể và người dân Đà Nẵng rất kịp thời và hiệu quả trong việc phòng chống lũ.
Đơn cử như kịp thời đưa người dân đi sơ tán đến nơi an toàn; cung cấp đầy đủ lương thực, nước uống cho người dân bị thiệt hại; chủ động bơm tiêu thoát nước, cắm biển cảnh báo tại khu vực ngập sâu…
Cách đây tròn một năm, chúng ta còn nhớ trận mưa lịch sử tại thành phố Đà Nẵng đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản với 7 người chết. Năm nay toàn hệ thống chính trị và người dân địa phương đã triển khai toàn diện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, qua đó giảm thiểu tối đa thiệt hại. Vì vậy, đợt ngập lụt vừa qua đã không xảy ra thiệt hại nào về người.
Tuy nhiên, do mưa lũ lớn bất thường, kéo dài, một số hộ dân không kịp thời thực hiện các biện pháp phòng, chống ngập lụt, bảo vệ tài sản, gây nên những thiệt hại đáng tiếc.
Tại cuộc họp giao ban hôm 18-10, bản thân tôi có phản ánh về tình trạng người dân không chấp hành tốt các khuyến nghị, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng.
Song tôi xin đính chính lại, đó chỉ là những trường hợp thiểu số mà đoàn công tác đã đi thực tế và chứng kiến.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai dẫn đầu đoàn công tác thăm hỏi một số gia đình bị ảnh hưởng ngập lụt tại Khu dân cư Đà Sơn, phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng ngày 15-10. Ảnh: VPTT BCĐ
Chúng tôi muốn lấy những trường hợp thiệt hại, mất mát do sự chủ quan đó để cảnh báo người dân. Nhất là trong bối cảnh cơn bão số 5 còn đang diễn biến phức tạp trên Biển Đông, tiếp tục gây mưa lớn trong những ngày tới.
"Xin lỗi và mong nhận sự thông cảm"
Cũng tại buổi họp ngày 18-10, ông có chia sẻ về giải pháp ứng phó với ngập lụt đô thị, như dùng bạt vít xuống nền nhà kết hợp với đất sét, mỡ bò sẽ ngăn cho nước không vào nhà… Ông có thể làm rõ hơn về các biện pháp ứng phó mà mình đã đưa ra?
Thực tế đây là những biện pháp dân gian đã được nhiều địa phương áp dụng. Ngay cả gia đình tôi cũng từng áp dụng hiệu quả khi có ngập lụt để ngăn nước vào nhà như đóng cánh phai, dùng khung bạt có độ chắc cắm áp vào nền nhà, áp vào bên tường. Nếu ép không hết độ thấm, có thể dùng đất sét có sẵn ở nhiều địa phương để nén ép chặt để ngăn nước vào nhà.
Trong tình trạng ngập lụt và nước dâng nhanh, người dân có thể áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, linh động xử lý tình hình trong điều kiện phù hợp với thực tế. Trong đó việc kê cao đồ đạc có lẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để tránh các thiệt hại, hư hỏng về tài sản.
Ông có lời chia sẻ nào đến Chính quyền và người dân Đà Nẵng sau vụ việc này cũng như các phương hướng để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng thời gian tới?
Tôi chân thành gửi lời xin lỗi đến người dân và Chính quyền Đà Nẵng về những trao đổi kỹ thuật chưa thật sự chính xác, rõ ràng đã dẫn đến những bức xúc, hiểu lầm. Qua đó, làm ảnh hưởng trực tiếp đến người dân Đà Nẵng vốn đã rất vất vả để ứng phó với đợt ngập lụt vừa qua.
Tôi cũng rất mong nhận được sự thông cảm từ địa phương. Do giới hạn về thời gian trong khuôn khổ cuộc họp chỉ đạo ứng phó ngày hôm qua, tôi đã đưa ra một số giải pháp nhưng chưa phân tích được cặn kẽ, rõ ràng hết nghĩa trong việc chống ngập.
Một lần nữa, tôi khẳng định Đà Nẵng luôn là một địa phương tích cực, chủ động đi đầu trong trong công tác phòng chống thiên tai với phương châm “bốn tại chỗ”, hành động sớm trong phòng ngừa, ứng phó dựa vào cộng đồng.
Thiệt hại khi thiên tai xảy ra là điều không ai mong muốn. Chúng ta đều nhận thức rõ việc chủ động phòng ngừa sẽ làm giảm rủi ro và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Tôi mong rằng chúng ta sẽ tiếp tục cố gắng, tìm và áp dụng nhiều giải pháp tốt hơn nữa trong công tác ứng phó với thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người dân trong thời gian tới.
Cảm ơn ông.
Người dân vùng bị ngập lụt ở Đà Nẵng rất bức xúc trước thông tin cho rằng “100% hộ dân không ai thực hiện kê đồ lên cao, triển khai chống ngập cả”.
Nguồn: [Link nguồn]