Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng: Linh hoạt để phục hồi kinh tế

Sự kiện: Thời sự

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về bức tranh kinh tế của thành phố trong năm 2022.

Phóng viên: Với chủ đề "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp", chiến lược phục hồi kinh tế TP HCM năm 2022 và tầm nhìn đến năm 2025 ra sao, thưa bà?

- Bà Phan Thị Thắng: Dự báo năm 2022 tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Dịch Covid-19 có thể kéo dài, xuất hiện các biến chủng mới như Omicron lây lan nhanh, phức tạp và nguy hiểm hơn. Với kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó với dịch Covid-19 được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Tiềm ẩn nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế nếu không kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.

Ảnh: Hoàng Triều

Ảnh: Hoàng Triều

Khó khăn, thách thức đối với kinh tế thành phố khi bước vào năm 2022 là: tăng trưởng kinh tế âm, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thiếu hụt nguồn nhân lực và nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải đóng cửa. Vì vậy, thành phố xác định tầm nhìn chiến lược cho năm 2022, đến năm 2025 là:

+ Huy động tối đa và hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế thành phố như: nguồn lực đất đai, nguồn lực từ ngân sách, nguồn thu từ các doanh nghiệp, nguồn vốn từ đầu tư công...

+ Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nền kinh tế, trong đó tập trung các ngành kinh tế hướng đến đổi mới sáng tạo; các phân khúc tạo giá trị gia tăng cao; phát huy hiệu quả hạ tầng khu công nghiệp - khu chế xuất hiện hữu và quy hoạch trong giai đoạn tới theo hướng ứng dụng công nghệ cao, giảm thâm dụng lao động; nông nghiệp công nghệ cao.

+ Tập trung phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh của thành phố; triển khai thực hiện đề án phát triển TP HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, đề án phát triển ngành logistics TP HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đề án xây dựng trung tâm điều hành du lịch thông minh, xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng và chủ lực của thành phố. Tiếp tục triển khai thực hiện "quy hoạch phát triển ngành thương mại thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Những "mũi nhọn" nào sẽ được làm đòn bẩy trong năm 2022 đưa kinh tế TP HCM phát triển mạnh mẽ trở lại?

- 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, với nhiệm vụ trọng tâm vừa phòng chống dịch vừa phục hồi kinh tế. Do vậy, mũi nhọn phải là:

+ Tập trung khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng từ lưu thông đến sản xuất, phân phối. Bảo đảm lưu thông trên địa bàn thành phố với các địa phương và các quốc gia một cách thông suốt, củng cố và mở rộng hệ thống phân phối gồm: chợ truyền thống, cửa hàng, trung tâm thương mại… Hỗ trợ mở rộng thị trường: Thường xuyên trao đổi, tiếp nhận ý kiến của các hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhằm chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đưa hoạt động sản xuất - kinh doanh nhanh chóng ổn định trở lại. Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại thành phố và các tỉnh, thành trong nước.

+ Hỗ trợ về tín dụng: Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình bình ổn giá; nắm bắt thông tin tình hình khó khăn của doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận và cập nhật các chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

+ Hỗ trợ tổ chức sản xuất - kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động thông qua triển khai các chính sách hỗ trợ về gia hạn thời hạn nộp thuế, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo đề xuất kịp thời với các cấp có thẩm quyền.

+ Tăng cường tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước nhằm nâng cao tỉ lệ nội địa hóa. Tiếp tục phát triển công nghiệp thời trang, ngành dệt may, da giày, công nghiệp thiết kế. Tập trung thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp trọng yếu.

Dự kiến bức tranh kinh tế TP HCM trong năm mới như thế nào, thưa bà?

- Thành phố đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng, gồm kịch bản bất lợi, kịch bản cơ sở và kịch bản thuận lợi. Qua phân tích và đánh giá thực trạng có cơ sở để năm 2022 tăng trưởng đạt 6%-6,5%. Cơ sở đó là:

+ Kinh tế vĩ mô ổn định, các thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa, bất động sản về cơ bản vẫn ổn định. Trong đó, một số điểm sáng về thị trường chứng khoán, thu ngân sách, hoạt động ngân hàng, bảo hiểm trong năm qua trên địa bàn thành phố vẫn duy trì và tăng trưởng.

+ Dù bị tác động rất nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 nhưng các cơ sở vật chất như: hệ thống giao thông, hạ tầng viễn thông, hạ tầng tài chính, ngân hàng, hạ tầng năng lượng, hạ tầng cấp nước, thoát nước; hệ thống các siêu thị, cửa hàng, chợ, cơ sở kinh doanh cá thể; cơ sở vật chất của hệ thống nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo vẫn còn nguyên.

+ Việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội và tiếp tục thực hiện Nghị quyết về xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh một cách nhanh chóng.

+ Mời gọi các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm để nhanh chóng đầu tư, hình thành, sớm đưa vào khai thác các trung tâm logistics theo quy hoạch của thành phố.

Với những cơ sở trên và quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân thành phố, tôi tin rằng việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng nêu trên là có tính khả thi và phù hợp với tình hình thực tế.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng phụ trách giúp chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo lĩnh vực kế hoạch - đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách. Bà Phan Thị Thắng trực tiếp chỉ đạo triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội; quản lý tài sản công; quản lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; ngân hàng, kho bạc; thuế; thương mại, dịch vụ, du lịch; xét duyệt các dự án đầu thuộc lĩnh vực phụ trách; chương trình kích cầu đầu tư theo lĩnh vực phụ trách...

Nguồn: [Link nguồn]

Dự kiến 3 giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch của TPHCM

Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, UBND TPHCM đã hoàn thiện dự thảo kế hoạch phòng, chống dịch...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Anh (thực hiện) ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN