Phó Chủ tịch Thừa Thiên - Huế kể giây phút Trạm 67 bị vùi lấp

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, may mắn sống sót đã kể lại giây phút kinh hoàng tại Trạm kiểm lâm 67 khi bị đất đá vùi lấp.

Sau những ngày tham gia chỉ đạo việc tìm kiếm cứu nạn, lo hậu sự cho các liệt sĩ, ông Nguyễn Thanh Bình vào ngày 19-10 có những chia sẻ về vụ sạt lở đất kinh hoàng này.

Những hình ảnh cuối cùng của đoàn công tác. Ảnh: Cắt từ clip

Những hình ảnh cuối cùng của đoàn công tác. Ảnh: Cắt từ clip

Ngày 12-10, sau khi nhận được thông tin về vụ sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3, một đoàn công tác của Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lên đường tiến cận hiện trường

Vào hơn 0 giờ ngày 13-10, khi đoàn đang nghỉ chân tại Trạm kiểm lâm 67 thì bị sạt lở núi vùi lấp 2/3 căn nhà khiến cho 13 người hy sinh, chỉ có tám cán bộ chiến sĩ may mắn thoát nạn. Trong đó có ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Ông kể với báo chí: Đối với anh em còn sống sót trở về thì đây là một câu chuyện rất là đau buồn. Một đoàn đi vào giờ sống sót chỉ có tám anh em. Sau sự việc hôm đó, anh em đã tập trung để làm sao tìm kiếm nhanh nhất những đồng đội của mình trong đoàn.

Đây là sự việc đáng tiếc, đau buồn nhưng nó thể hiện tinh thần của người lính, tinh thần giúp dân; như câu nói của anh Man (Thiếu tướng Nguyễn Văn Man) trong clip các bạn đã xem (clip ghi lại hình ảnh cuối cùng của đoàn công tác-pv): Vì việc gấp, vì nhiệm vụ, vì nhân dân mình phải làm thôi, quyết tâm đến cùng.

Ngày hôm đó, khi đoàn đi đến Khe Cát do nước ngập sâu không qua được, các phương tiện phải để lại, mọi người đi bộ vào trong. Trong đoàn lúc này có 21 người.

Trên đường đi, anh em đã vượt qua được khoảng 8, 9 điểm sạt lở, lúc đó phải bỏ dép ra ngoài vì bùn đất dính không đi được. Đi bộ suốt cho đến khoảng 22 giờ hơn thì lúc đó trời mưa to, mọi người mới quyết định dừng lại ở Trạm bảo vệ quản lý rừng Tiểu khu 67.

Thực ra đó là một điểm rất an toàn, lâu nay anh em kiểm lâm họ đã ở đấy, địa hình rất là chắc chắn. Trong đoàn có nhiều cán bộ có kinh nghiệm như anh Man, trực tiếp chỉ huy rất quyết tâm vì dân. Về dân sự chỉ có tôi, anh Bình - Chủ tịch Phong Điền (Nguyễn Văn Bình) và anh Hướng (Phạm Văn Hướng, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Vào đến đây thì khoảng 21 giờ, lúc đó có cắt cử một số anh em trinh sát đi thăm dò đường. Thực ra từ Tiểu khu 67 thì còn khoảng 3-4 km nữa sẽ đến thủy điện Rào Trăng 4 nhưng lúc đó mưa gió quá lớn, người trực tại kiểm lâm về trước một ngày, ngày đó kiểm lâm cũng lên lại nhưng không lên được vì tắc đường.

Lúc đó các anh em còn lại đi tìm củi, tìm quanh cũng có 1 ít gạo, cũng nấu một nồi cơm, rồi tìm được một ít nước mắm, muối mì tôm chia nhau ăn. Lúc đó, vừa đốt lửa vừa hong khô áo quần, rồi tìm áo khô của anh em kiểm lâm mặc vào và trao đổi kế hoạch cho ngày mai như thế nào.

Lễ viếng 13 liệt sĩ hy sinh khi vào cứu hộ cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3.

Lễ viếng 13 liệt sĩ hy sinh khi vào cứu hộ cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3.

Ăn cơm xong thì một số anh em mệt đi ngủ, căn nhà có ba gian, có một gian bếp. Cũng tùy thôi, không có phân công, ai nằm chỗ nào thì nằm. Tám anh em sống sót ngủ ở gian ngoài cùng bên phải là gian lồi, có hai giường.

Tám anh em cũng nằm ngủ thôi, trong đó có tôi và Ngô Nam Cương (Chỉ huy Trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế), khi các anh em đã thiu thiu ngủ, khoảng hơn 0 giờ 05 phút gì đấy thì nghe tiếng động rất to là ầm ầm, rào rào ụp xuống.

Thực ra lúc vùng dậy thì cũng chưa định hình được chuyện gì xảy ra, chỉ thấy Cường kêu vì bị hai tấm tường đè vào chân, rồi nhìn xuống dưới chân thì thấy bùn lầy, đất đai, bê tông trộn một khối.

Khi xảy ra sự việc có một cậu bên Cục cứu hộ, cứu nạn, Bộ Quốc phòng hô to: Các anh em tìm góc chữ A mà chạy vào, kinh nghiệm của người ta như vụ ở Quảng Trị (vụ sạt lở đất tại Đoàn 337, một người kể lại sống sót do nằm lọt vào gốc chữ A-PV) ấy tìm vô gốc chữ A thì có cơ hội sống.

Trạm 67 trước khi bị đất đá vùi lấp. Ảnh: CTV

Trạm 67 trước khi bị đất đá vùi lấp. Ảnh: CTV

Sau khi định hình lại, tám anh em giúp Cường xử lý chân thì tìm và kêu những người còn lại nhưng không nghe ai trả lời nữa.

Khi núi lở đánh xuống làm mất hơn 2/3 căn nhà, chỉ còn chừa lại cái phòng của anh em. Anh em khi đó mới phá cửa ra, quơ được hai cái đèn pin. Tôi thì có thói quen hay để điện thoại trên đầu giường nên khi xảy ra sự việc vùng dậy thì quơ trúng cái điện thoại.

Đứng một lúc kêu không có ai cả thì anh em bàn bạc, nhận định tình hình vô cùng nguy hiểm, vì lúc đó bắt đầu (căn phòng còn lại) lay động, anh em quyết định đi ra, chia làm hai tốp đi xuống hướng thành phố.

Khi đi xuống đến đường rồi mới thấy sự tàn phá của vụ việc. Khi đi lên còn cây cối, đến khi đi xuống chỉ thấy toàn bùn, đất, lội quá ngang bắp đùi. Anh em vừa trườn, bò để xuống.

Khi xuống đến đường, anh em mới đứng xốc lại tinh thần và họp bàn làm gì tiếp theo. Thế nhưng khi anh em mới ổn định được khoảng 5 phút thì lại nghe tiếng nổ bùng bùng tiếp.

Xác định nếu vẫn đứng quanh đó sẽ rất nguy hiểm, anh em mới hô nhau chạy, chân trần thôi. Biết chắc chắn là nó sẽ lở rồi, đứng lúc đó giờ phút đó thì chắc chắn không an toàn.

Địa điểm trạm Kiểm lâm 67 bị một lớp bùn đất đè lên. Ảnh: CTV

Địa điểm trạm Kiểm lâm 67 bị một lớp bùn đất đè lên. Ảnh: CTV

Đi lên cũng rất khó khăn rồi, đi về lại càng khó khăn hơn. Đoàn chạy về đến điểm sạt lở cuối giáp với Trạm bảo vệ quản lý rừng (cách khoảng 500 m) thì gặp anh Tham mưu trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Phong Điền cùng một cán bộ thông tin đang đi lên, rồi hỗ trợ anh em đi về.

Các anh em thay nhau dìu người bị thương đi về. Đến khoảng 2 giờ thì có sóng điện thoại Viettel, Anh Cường mới báo tin về cho anh Thọ (ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh) là đoàn gặp nạn.

Các anh em tiếp tục dìu nhau vượt qua các điểm sạt lở, đến điểm sạt lở ngoài cùng thì có chiếc xe máy do mấy anh em lên sau chuẩn bị. Khi đó ưu tiên để chở các em anh bị thương xuống trước còn những anh em khác lại tiếp tục đi bộ về chỗ Khe Cát để lên xe đặc chủng. Tôi ra xã đến UBND xã Phong Xuân khoảng 5 giờ sáng.

Lúc đó báo cáo lại tình hình cụ thể để ứng cứu. Sáng hôm sau, khi lên lại thì mới thấy cảnh tượng ghê gớm quá, mình không thể tưởng tượng được, nó hết sức tàn phá, mà có lẽ nếu anh em lúc đó chần chừ một tí nữa chắc cũng không còn.

Đây là câu chuyện rất đau xót, là sự thiếu may mắn, vì chỗ đó (Trạm 67)  tương đối an toàn, vì họ đã ở mấy chục năm rồi, vì kiểm lâm họ cũng đã tính trước khi chọn rồi. Nói thật trong thời điểm đó có cái như vậy là quá an toàn để nghỉ ngơi để mai tiếp tục đi vào.

Sau khi ra ngoài, những anh em đã thống nhất với nhau làm thế nào đó để lo chu đáo nhất cho những người nằm xuống. Trong anh em cũng sẽ có những việc làm nhằm giúp đỡ thêm cho người thân liệt sĩ qua đoạn này rồi còn tương lai nữa chứ.

Như Bình (Chủ tịch huyện Phong Điền) ra đi để lại hai đứa con còn nhỏ, rồi các chiến sĩ ở Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh cũng vậy, ra đi để lại những người con quá nhỏ...

Tảng đá “khủng” rơi xuống án ngữ đường đến Thuỷ điện Rào Trăng 3, quyết phá đá thông đường hôm nay

Đường vào khu vực 15 công nhân còn mất tích do sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 vẫn bị chia cắt do có nhiều điểm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGUYỄN DO ghi ([Tên nguồn])
Sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN