Cà phê đường tàu: Nước ngoài quản lý như thế nào?

Sự kiện: Thời sự

“Tại Thái Lan, Singapore họ cũng có phố cà phê đường tàu và họ quản lý rất tốt”.

Du khách chụp ảnh trên phố đường tàu Phùng Hưng. Ảnh Lê Bảo

Du khách chụp ảnh trên phố đường tàu Phùng Hưng. Ảnh Lê Bảo

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Hà Nội giải toả các tụ điểm cà phê trong hành lang đường sắt vì mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, sau đó, nhiều chuyên gia giao thông, du lịch đã bày tỏ quan điểm, ý kiến trái chiều.

Phố cà phê đường tàu là nét mới, độc đáo

Khoảng 3 tháng trở lại đây, khu vực đường sắt, đoạn từ ngã tư giao cắt với phố Điện Biên Phủ đến Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội mọc lên hàng loạt quán cà phê nằm sát bên đường ray xe lửa. Dần dần, nơi này trở thành điểm hẹn của các bạn trẻ và du khách nước ngoài với mong muốn được trải nghiệm cuộc sống của người dân sống hai bên đường tàu, ngắm cảnh tàu hỏa chạy xuyên qua lòng phố cổ.

Dưới góc nhìn du lịch, anh Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Công ty Du lịch Kỳ nghỉ Của bạn cho biết, các quán cà phê bên đường tàu ở phố Phùng Hưng đã mở ra một nét văn hóa mới, một điểm đến thú vị, níu chân du khách trong nước và nước ngoài khi đến với Hà Nội.

Hiện nay, giới trẻ có xu hướng mới là thích du lịch trải nghiệm và khám phá văn hóa bản địa. Chính vì lẽ đó, mà phố cà phê đường tàu rất phù hợp với xu hướng mới này. Anh Thanh cho rằng, Hà Nội nên có giải pháp quản lý chặt chẽ các quán cà phê đường tàu chứ không nên xoá bỏ.

“Hiện nay du khách khi đến với Hà Nội ngoài việc thăm quan, tìm hiểu các danh lam thắng cảnh, lịch sử thì việc được ngồi uống cà phê gần đường tàu đi xuyên qua phố cổ và ngắm những con tàu chầm chậm lăn bánh là nét mới, điểm độc đáo mới của Hà Nội”, anh Thanh nói.

Theo vị này, chính quyền nên đưa ra các giải pháp quản lý các dịch vụ du lịch tại đây vì nơi này có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Hà Nội và nó sẽ tạo đòn bẩy cho ngành du lịch phát triển.

“Hiện địa điểm cà phê đường tàu không nằm trong chương trình của các hãng lữ hành song hiện nay có khoảng 10% khách du lịch khi đặt các tour của công ty chúng tôi đều có yêu cầu đưa ra con phố này để uống cà phê và yêu cầu này không ngừng tăng lên. Tôi cho rằng, chính quyền cần khảo sát thực tế vị trí nào có hành lang đủ an toàn thì có thể cho tồn tại các quán cà phê và lấy ý kiến người dân, chuyên gia để đưa ra giải pháp quản lý, đảm bảo an toàn nhất”, ông Thanh nói thêm.

Anh Hoàng Cường, Giám đốc công ty du lịch Group tour cho hay, ngoài việc uống cà phê, du khách còn thích chụp cuộc sống Hà Nội đời thường, đoàn tàu chạy qua. Do vậy, anh Cường cho rằng, việc xóa tụ điểm cà phê đường tàu sẽ gây tiếc nuối đối với nhiều người.

 Hoàng Cường, Giám đốc công ty du lịch Group tour.

 Hoàng Cường, Giám đốc công ty du lịch Group tour.

“Tại Thái Lan, Singapore họ cũng có phố cà phê đường tàu và họ quản lý rất tốt. Tại con phố này, họ yêu cầu các chủ kinh doanh ký cam kết đảm bảo an toàn hành lang đường sắt, bảo vệ du khách. Trước khi tàu chạy qua, chủ kinh doanh đều được thông báo để nhắc nhở, không cho du khách ra sát đường tàu mà thay vào đó họ phải đứng ở trong nhà, hoặc ban công, sân thượng ngắm tàu chạy qua. Và tôi nghĩ Việt Nam mình cũng hoàn toàn có thể tham khảo, áp dụng các giải pháp này thay vì đưa ra việc cấm, dẹp bỏ”, anh Cường nói.

Song song với đó, anh Cường cũng cho rằng, Hà Nội cần có đề án nghiên cứu cụ thể về các điểm du lịch đường sắt để có cách quản lý hiệu quả hơn. Chính quyền có thể xem xét tổ chức lực lượng cảnh giới bảo vệ du khách và thu phí của các hộ kinh doanh tại khu vực có đủ điều kiện. Ngành đường sắt nên lắp thêm chuông cảnh báo hoặc đèn cảnh báo tại các quán để chủ kinh doanh, du khách biết nhằm đảm bảo an toàn.

Ngồi uống cà phê đường tàu không khác gì “đùa giỡn tử thần”

Dưới góc độ giao thông, ông Quách Tuấn Anh, quản đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội đồng tình với đề xuất xoá bỏ phố cà phê đường tàu và cho biết, đoàn tàu chạy qua phố Phùng Hưng thường chạy với tốc độ tối đa là 25 km/h song các lái tàu thường điều khiển dưới 20 km/h và kéo còi liên tục để cảnh báo du khách. Ngày cuối tuần, trên tuyến phố này có 6 chuyến tàu đi qua, trong đó có 2 chuyến chạy ban ngày. Ngày thường, chỉ có 4 chuyến tàu chạy vào trước 6h sáng và sau 18h tối.

“Từ đầu năm đến nay ở khu vực phố đường tàu Phùng Hưng chưa xảy ra va chạm giao thông. Tuy nhiên, nhiều lái tàu tâm sự rằng, hiện nay mỗi lần chạy tàu qua khu vực họ rất căng thẳng, lo ngại xảy ra va chạm giao thông. Còn tại phố Khâm Thiên, cách đây 2 tháng cũng đã xảy ra va chạm giữa tàu và một du khách khiến người này bị xây xát”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Theo vị này, việc người dân bày bán quán cà phê ở ngay sát đường sắt là vi phạm luật đường sắt, gây ách tắc giao thông đường sắt. “Theo quy định của ngành đường sắt, hành lang an toàn giao thông mỗi bên phải đảm bảo cách đường ray 5,6m. Trường hợp, nhà dân ở gần đường sắt phải có rào chắn để đảm bảo an toàn. Trong khi đó, tại phố Phùng Hưng, người dân, du khách ngồi ngay cạnh đường tàu uống cà phê là rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao”, ông Tuấn Anh nói.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội đồng ý với đề xuất của Bộ GTVT và cho rằng tính mạng của người dân và du khách cần phải đặt lên hàng đầu, không thể vì mưu sinh mà người dân liều mình kinh doanh kiểu “đùa giỡn tử thần” như vậy được.

“Thời gian qua, đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng như ở Bình Thuận, Quảng Nam.. khiến nhiều người tử vong. Do vậy, tôi cho rằng việc dẹp phố cà phê đường tàu là hợp lý bởi nó gây mất an toàn hành lang giao thông đường sắt, tiềm ẩn các vụ tai nạn”, ông Liên nói.

Theo thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia, trong tháng 7/2019, tình hình tai nạn giao thông đường sắt diễn biến phức tạp, tăng về số vụ, tăng cao về số người chết so với tháng 7/2018 và tháng 6/2019 (tai nạn đường sắt làm 20 người chết, so với tháng 7/2018 tăng 9 người (+81,82%), so với tháng 6/2019 tăng 11 người chết (+122,2%).

Nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn là do người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông thiếu chú ý quan sát, kỹ năng lái xe kém khi qua các đường ngang đường sắt.

Quán cà phê đường tàu bị xóa sổ sau 2 ngày ”nổi tiếng”

Sau khi bất ngờ “nổi tiếng“, quán cà phê đường tàu liên tiếp đón các đoàn kiểm tra xuống làm việc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN