Phim ảnh: Thận trọng từng cảnh cháy nổ
“Hãng phim Giải Phóng làm nhiều phim chiến tranh nhưng chưa xảy ra tai nạn gì ghê gớm. Tổ khói lửa đại đa số đều là những người kinh qua quân đội, có chuyên môn, kinh nghiệm, thực tế về lĩnh vực này. Vấn đề trong vụ nổ của anh Phương là tại sao anh lại mang thuốc nổ về nhà”.
Là diễn viên từng tham gia không ít phim chiến tranh, sau đó làm việc ở vai trò phó đạo diễn nhiều phim chiến tranh khác, đạo diễn Đào Bá Sơn chia sẻ về sự việc đáng tiếc quanh vụ nổ làm 10 người thiệt mạng sáng qua, 24/2.
Không được phép mang thuốc nổ về nhà
Tôi cũng mới nghe tin qua báo chí (thời điểm phỏng vấn là đầu giờ chiều qua – PV). Vụ việc xảy ra quá đau xót, toàn bộ gia đình anh Phương không còn ai… Dù chưa điều tra nhưng nếu vụ nổ tại gia, với sức công phá lớn như thế, lại ở nhà người chuyên làm khói lửa thì gần như chắc chắn là anh đã mang thuốc nổ và kíp mìn về nhà.
Vấn đề trong vụ nổ của anh Phương là tại sao anh lại mang (thuốc nổ và kíp mìn) về nhà. Trong khi không bao giờ được phép mang về, vô cùng nguy hiểm, nạn nhân thương đau.
Những việc như vậy hết sức đáng tiếc và hậu quả là vô cùng nguy hiểm. Qua sự việc này đặt ra vấn đề quan trọng là việc bảo quản thiết bị cháy nổ.
Chưa từng đạo diễn phim chiến tranh, nhưng Đào Bá Sơn có nhiều kinh nghiệm làm phim thể loại này, ở cả lĩnh vực diễn viên lẫn phó đạo diễn
Ngày xưa trong các hãng phim nhà nước, việc bảo quản vũ khí, thuốc nổ làm rất cẩn thận, chu đáo. Hằng năm đều có các cơ quan chức năng bên phía Công an, Quân đội kiểm tra, kiểm soát. Chúng tôi có những khu vực kho và bảo quản thiết bị nghiêm cẩn. Hãng phim Giải Phóng có nguyên cả một bộ phận phụ trách về khói lửa, nằm trong xưởng thiết bị, gồm 6-7 người. Việc bảo quản, lưu giữ kho làm rất chặt chẽ.
Chúng tôi có cả quy định cụ thể khi vận chuyển vũ khí, thiết bị cháy nổ tới những khu vực phục vụ quay cảnh đạn bom, khói lửa… thì xe của Hãng chở đồ phải đi với tốc độ bao nhiêu, để kíp nổ này cách kíp ra làm sao, rồi thùng đựng như thế nào tránh xa sự va chạm, va quệt, nhiệt độ cao…
Hãng phim Giải Phóng đã làm rất nhiều phim chiến tranh nhưng chưa bao giờ xảy ra gì. Bộ phận có nhiệm vụ thực hiện công việc khói lửa là đối tượng có tính chuyên nghiệp cao. Tổ khói lửa đại đa số đều kinh qua quân đội. Cả ở Hãng phim truyện Việt Nam nữa. Tôi nghĩ lực lượng làm nghề ở 2 hãng này là những công binh, đã được học hành bài bản và có chuyên môn, kinh nghiệm, về lĩnh vực này.
Hiện tại Hãng phim Giải Phóng vẫn còn 3-4 anh em làm bộ phận khói lửa. Những thế hệ trước có anh Tâm, anh Trí, giờ vẫn có các anh Sơn, anh Lý… làm khói lửa tốt.
Phim chiến tranh, khói lửa hết sức nguy hiểm
Tôi chưa làm đạo diễn phim chiến tranh (đạo diễn Đào Bá Sơn từng làm các phim nhựa Người tìm vàng, Biệt ly trắng, Người đàn bà hóa đá, Long thành cầm giả ca… hay phim video Cầu thang tối) nhưng có thời gian 6-7 năm làm phó cho đạo diễn Hồng Sến trong nhiều phim về chiến tranh như Mùa nước nổi, Chiến trường chia nửa vầng trăng, Còn lại một mình…
Nói chung là làm phim chiến tranh đòi hỏi những người đạo diễn trên trường quay phải có kinh nghiệm, kiến thức, hiểu biết dàn cảnh. Làm không kỹ lưỡng, không cẩn thận là chết người như chơi.
Phim chiến tranh thì ác liệt lắm. Tôi nhớ hồi làm phim Còn lại một mình, chúng tôi nổ tới 800 kg TNT. Một đặc thù của điện ảnh phải rất thật nên ngay bản thân Hollywood dù kỹ xảo hình ảnh hiện đại vẫn kết hợp giữa cháy nổ thật với nổ giả để tăng cường thêm hiệu quả.
Điện ảnh cách mạng Việt Nam từng có rất nhiều phim chiến tranh nhưng chưa từng xảy ra những tai nạn lớn
Trên trường quay, trước khi chính thức quay bao giờ cũng phải tập kỹ lưỡng. Không thể diễn thử cảnh nổ, rất tốn kém và phức tạp.
Ở mỗi trường đoạn, bộ phận phụ trách khói lửa sẽ tính toán để lập nên một sơ đồ cháy nổ. Họ sẽ cắm cọc vào những điểm nổ, ví dụ điểm này 200 gr thuốc nổ, điểm kia 500 gr. Cọc 200 gr thì diễn viên chạy đến cách bao nhiêu, 500 gr thì chạy đến cách bao nhiêu… Rồi cho diễn viên dàn tập, chạy cho đúng cự ly an toàn. Tập nhuyễn rồi mới được phép quay cảnh cháy nổ thật.
Tập dượt là thế nhưng khi vào thực tế vẫn có những điều ngoài dự trù. Chẳng hạn như có những diễn viên ít kinh nghiệm, lúc chạy tập thì không sao nhưng lúc có tiếng nổ thì sợ hãi, mất bình tĩnh nên chạy sai vị trí ban đầu, cũng bị thương khá nhiều.
Hoặc đôi khi có những ông khói lửa tự dưng lơ đễnh thế nào lại nhầm. Chẳng hạn như quy định cọc 500 gr TNT thì cách 5m là an toàn, nhưng ông viết nhầm là cọc 200 gr. Sức nổ khác nhau ghê lắm, anh diễn viên chạy vào biết ngay thế nào là lễ độ, văng ra xa đến 3m ngất đi đến mấy chục giây.
Quay những cảnh này cũng đòi hỏi bản lĩnh người diễn viên. Các vai chính của nước ngoài có cascadeur, rồi mặc áo nai nịt. Hồi xưa phim ta chủ yếu diễn viên diễn thật.
Hồi làm diễn viên phim Pho tượng Lasmi, tôi cũng từng bị sức ép về cháy nổ, do chạy vị trí hơi bị sai. Chạy qua vùng pháo kích, với hơn chục trái pháo và 30 lính Mỹ. Đất cát mọi thứ bắn lên. Các nhà làm khói lửa còn cho than, tro vào để tạo khung cảnh, hiệu quả dữ dội, ác liệt và mình thì lĩnh đủ.