Philippines quyết “đập tan” luận điệu TQ về Biển Đông

Philiippines tự tin sẽ đánh bại luận điệu của Trung Quốc về Biển Đông tại phiên tranh tụng ở Tòa Trọng tài Thường trực.

Ngày 6.7, đoàn đại diện pháp lý của Philippines tuyên bố họ sẽ đập tan những luận điệu mạnh nhất của Trung Quốc trong vụ kiện “đường chín đoạn” trên Biển Đông của Bắc Kinh tại phiên tranh tụng trước Tòa Trọng tài Thường trực sẽ diễn ra từ ngày mai (7.7).

Luận điểm mà Trung Quốc khăng khăng đưa ra từ trước tới nay để bác bỏ vụ kiện của Philippines là Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay (Hà Lan) không có thẩm quyền để xem xét đơn kiện của Manila. Nói cách khác, Trung Quốc không thừa nhận thẩm quyền xét xử vụ kiện của tòa án này.

Philippines quyết “đập tan” luận điệu TQ về Biển Đông - 1
Trụ sở Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay

Trung Quốc cho rằng vấn đề cơ bản trong đơn kiện của Philippines là việc ai là người sở hữu các hòn đảo tranh chấp trên Biển Đông, và đây là vấn đề liên quan chủ yếu đến chủ quyền chứ không theo các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Trong khi đó, những vấn đề liên quan đến chủ quyền lại không nằm trong phạm vi điều chỉnh của UNCLOS nên không thể đem ra xét xử trước Tòa Trọng tài Thường trực. Trung Quốc cho rằng chỉ có Tòa án Công lý Quốc tế mới đủ thẩm quyền để xét xử các vụ tranh chấp chủ quyền, nhưng tòa án này không thể mở phiên tòa nếu bên bị kiện không chấp nhận theo kiện.

Tuy nhiên, chính phủ Philippines cho biết đội ngũ chuyên gia pháp lý của họ dưới sự dẫn dắt của luật sư nổi tiếng Paul Reichler đã sẵn sàng để chứng minh rằng luận điệu trên của Trung Quốc là hoàn toàn sai lầm.

Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định: “Nếu Tòa Trọng tài Thường trực khẳng định họ có thẩm quyền xét xử vụ kiện, Philipines sẽ được ra tranh tụng để trình bày lập luận của mình về tính hợp lý của yêu cầu mà chúng tôi đưa ra trong đơn kiện”.

Philippines quyết “đập tan” luận điệu TQ về Biển Đông - 2
Người dân Philippines phản đối việc Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough

Trong đơn kiện này, Philippines yêu cầu Tòa Trọng tài Thường trực tuyên bố rằng cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra để tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông là phi pháp. Từ trước đến nay, Trung Quốc chưa đưa ra được bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ tính hợp pháp của khái niệm “đường 9 đoạn” đầy mơ hồ này.

Đối tượng mà Philippines khởi kiện là tính hợp pháp của “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra chứ không phải tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, và căn cứ mà họ dựa vào để khởi kiện chính là UNCLOS, do vậy Tòa Trọng tài Thường trực hoàn toàn có thẩm quyền để xét xử vụ kiện này.

Philippines cho rằng thay vì khăng khăng theo đuổi “đường 9 đoạn” đầy mơ hồ, Trung Quốc cần phải tuân thủ các quy định của UNCLOS và tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của các quốc gia láng giềng.

Theo cách tiếp cận này, Philippines sẽ không đặt ra vấn đề “ai sở hữu bãi cạn Scarborough” trước tòa án, mà chỉ tranh luận rằng bãi cạn này nằm hoàn toàn trong EEZ của Philippines, bởi vậy ngư dân nước này hoàn toàn có quyền đánh cá trong khu vực đó.

Philippines quyết “đập tan” luận điệu TQ về Biển Đông - 3
Tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản tàu tiếp tế của Philippines trên Biển Đông

Bộ trưởng Tư pháp Philippines De Lima tuyên bố: “Tôi sẽ ngẩng cao đầu đến La Hay, vì tôi biết rằng lập trường của chúng tôi dựa trên quy định của pháp luật quốc tế. Chiến thắng ở vòng một sẽ là một dấu hiệu đủ ngọt ngào và tích cực cho chính nghĩa của Philippines”.

Về phần mình, luật sư Carpio, người sẽ đại diện cho Philippines tranh luận trước tòa, cho rằng Tòa Trọng tài Thường trực là “diễn đàn duy nhất nơi chúng tôi có thể đánh bại Trung Quốc”. Ông nói: “Trong phiên tòa của UNCLOS, tàu chiến, máy bay hay bom nguyên tử không hề có ý nghĩa. Họ chỉ quyết định vụ kiện dựa trên luật biển quốc tế”.

Ông Carpio nói thêm: “Tại diễn đàn đó, chúng tôi hoàn toàn bình đẳng với Trung Quốc, bất chấp sức mạnh quân sự của họ đến đâu đi nữa”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN