Phiến quân Algeria chặt đầu con tin người Pháp

Nhóm phiến quân Algeria thân Nhà nước Hồi giáo (IS) tung đoạn video khẳng định đã chặt đầu con tin người Pháp tên Herve Gourdel hôm 24/9.

Theo Reuters, nhóm Jund al-Khilafah cho biết đã chặt đầu ông Gourdel, một du khách Pháp đến từ Nice.Thông tin nói trên được tổ chức tình báo SITE (Mỹ), chuyên giám sát hoạt động các phần tử cực đoan trên mạng, đăng trên trang mạng xã hội Twitter.

Ông Gourdel, 55 tuổi, bị bắt cóc ở vùng Kabylie thuộc Đông Bắc Algeria hôm 21/9. Hai ngày sau, Jund al-Khilafah ra tối hậu thư buộc Pháp ngừng không kích IS ở Iraq trong vòng 24 giờ. Đáp lại, cả Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Manuel Valls hôm 23/9 đều công khai bác bỏ đòi hỏi trên.

Phiến quân Algeria chặt đầu con tin người Pháp - 1

Công dân Pháp Herve Gourdel bị phiến quân Hồi giáo bắt ở Algeria. Ảnh: RT

Hiện chính phủ Pháp và Algeria chưa có phản ứng chính thức về video mới nhất của Jund al-Khilafah. Nhóm này tuyên bố trung thành với IS hôm 14/9.

Pháp bắt đầu không kích IS ở Iraq từ ngày 19/9 nhưng không tham gia chiến dịch tương tự ở Syria. Chính quyền Paris đã ra cảnh báo về nguy cơ khủng bố tới 30 đại sứ quán, lãnh sự quán nước này ở Trung Đông và châu Phi.

Cùng ngày 24/9, tại Philippines, nhóm Abu Sayyaf – cũng đã thề trung thành với IS - đe dọa giết hại 2 con tin người người Đức nếu Berlin không dừng ủng hộ Mỹ truy quét các tay súng IS ở Iraq và Syria.

Trong một thông điệp đăng tải trên Twitter, Abu Sayyaf tuyên bố sẽ sát hại ông Stefan Okonek, khoảng 70 tuổi, và Henrike Dielen, khoảng 50 tuổi, nếu yêu cầu về tiền chuộc và việc Berlin ngừng hỗ trợ Mỹ không được thực hiện trong vòng 15 ngày.

Hai người Đức này bị bắt giữ trên một con thuyền ở khu vực giữa đảo Borneo của Malaysia và phía nam Philippines hồi tháng 4 vừa qua, theo các quan chức Philippines. Nhóm phiến quân đòi tiền chuộc 5,6 triệu USD cho 2 người.

Phiến quân Algeria chặt đầu con tin người Pháp - 2

Hai con tin người Đức đang bị Abu Sayyaf dọa giết. Ảnh: SITE

Một người thuộc tình báo quân đội của Philippines nhận định Abu Sayyaf sẽ không hành quyết con tin mà thay vào đó thương lượng với mức tiền chuộc thấp hơn. Nhóm này nổi lên từ đầu những năm 2000 và khét tiếng với hoạt động bắt cóc các con tin nước ngoài.

Đức đã loại trừ khả năng tham gia các cuộc không kích cùng Mỹ nhưng lại gửi vũ khí cho lực lượng người Kurd ở Bắc Iraq để chống trả IS.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Ngọc (Người lao động/Reuters, BBC, International Business Times)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN