Phiên phúc thẩm thảm án Bình Phước sẽ hoãn lần 3?
Theo kế hoạch, phiên tòa phúc thẩm vụ thảm sát ở Bình Phước sẽ diễn ra tại TP.HCM vào sáng 18 và 19.7.
Các bị cáo Dương, Tiến, Thoại trong phiên xét xử sơ thẩm ở Bình Phước.
Theo kế hoạch, phiên tòa phúc phẩm Nguyễn Hải Dương và đồng bọn trong vụ thảm sát 6 người gia đình ông Lê Văn Mỹ ở Bình Phước sẽ diễn ra tại TP.HCM, kéo dài hai ngày 18 và 19.7.
Trước đó, phiên tòa phúc thẩm vụ án này đã tạm hoãn 2 lần: Lần đầu do bị cáo Vũ Văn Tiến xin đổi luật sư bào chữa, và lần thứ hai là do địa điểm xét xử lưu động tại Bình Phước không đảm bảo về cơ sở hạ tầng.
Trao đổi với PV chiều 17.7, luật sư Lê Văn Nam (luật sư bào chữa cho bị cáo Vũ Văn Tiến) khẳng định: Phiên tòa phúc thẩm vẫn được mở vào sáng 18.7. Tuy nhiên không loại trừ khả năng hội đồng xét xử sẽ quyết định tạm hoãn phiên tòa một lần nữa.
Lý do là bà Trần Thị Trinh (dì ruột của bị cáo Nguyễn Hải Dương), người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án vừa mới sinh con nhỏ, không thể tham gia phiên tòa. Do đó, tùy thuộc vào yêu cầu từ gia đình bị hại, viện kiểm sát và các luật sư mà hội đồng xét xử sẽ quyết định có tiếp tục phiên tòa hay không.
“Sự vắng mặt của bà Trinh không khiến phiên tòa bị hoãn liền. Giả sử người vắng mặt là bị can, bị cáo thì mới chắc chắn hoãn phiên tòa. Sáng mai, hội đồng xét xử sẽ xem xét thêm yêu cầu từ gia đình bị hại, viện kiểm sát và các luật sư liệu có cần phỏng vấn bà Trinh thêm điều gì hay không.
Trường hợp gia đình bị hại không kháng cáo nữa hoặc không đề nghị truy cứu trách nhiệm bà Trinh nữa thì bà Trinh không cần tham gia phiên tòa, và phiên toàn vẫn diễn ra bình thường. Ngược lại, nếu cần thiết phải có mặt bà Trinh trong phiên tòa thì phiên tòa sẽ phải hoãn một lần nữa”, luật sư Nam nói.
Trước đó, bà Trinh đã có đơn xin được hoãn phiên tòa theo quy định tại Khoản 2, Điều 245 Bộ luật Tố tụng hình sự.
“Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị được triệu tập tham gia phiên tòa. Nếu có người vắng mặt mà có lý do chính đáng thì Hội đồng xét xử có thể vẫn tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị cáo hoặc đương sự vắng mặt. Trong các trường hợp khác thì phải hoãn phiên tòa”, trích Khoản 2 Điều 245 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo nội dung vụ án, Dương có tình cảm với Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi, quê Bình Phước) nhưng đầu năm 2015 cả hai chia tay. Từ đó, Dương sinh ra hận thù và lên kế hoạch sát hại cả gia đình bạn gái cũ.
Rạng sáng ngày 5.7.2015, Dương cùng Thoại đến nhà Linh với mục đích giết người cướp tài sản nhưng bất thành. Sau đó, Thoại đổi ý, không muốn tham gia nữa nhưng mua một con dao Thái Lan đưa Dương gây án, không báo cho cơ quan chức năng ngăn chặn sự việc.
Do Thoại từ chối tham gia nên Dương đã chuyển sang rủ Tiến cùng thực hiện. Rạng sáng 7.7.2015, Dương cùng Tiến đột nhập vào căn biệt thự sau khi dụ được cháu của ông Mỹ ra mở cửa. Vào được căn nhà, Tiến lần lượt khống chế 6 người cho Dương trực tiếp ra tay giết hại. Sau khi giết 6 người trong nhà người yêu cũ (chỉ tha cho bé Na), cả hai lấy đi tài sản với tổng giá trị gần 50 triệu đồng.
Ngày 17.12.2015, TAND tỉnh Bình Phước đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lưu động và tuyên phạt Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang), Vũ Văn Tiến (24 tuổi, quê Bình Phước) mức án tử hình, Trần Đình Thoại (27 tuôi, quê Vĩnh Long) 16 năm tù cùng hai tội danh Giết người và Cướp tài sản. Sau đó, Tiến và Thoại có đơn xin kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, riêng Dương không kháng cáo. Trong khi đó, gia đình bị hại có đơn kháng cáo đề nghị tăng mức phạt đối với bị cáo Thoại và xem xét trách nhiệm của bà Trinh trong vụ án.