Phi vụ đánh tháo hàng triệu lít xăng lậu ngoài khơi sau cuộc điện thoại ẩn danh
Trong lúc đang "xếp nốt" ở khu vực phao số 0, chờ đến lượt vào giao hàng thì Thuyền trưởng tàu Nhật Minh 09 nhận được cuộc điện thoại không xác định được người gọi, báo tin một tàu khác bị bắt và yêu cầu quay ra biển để đánh tháo số xăng lậu.
Cơ quan tố tụng xác định, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) và Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) cùng đồng phạm đã thiết lập một đường dây buôn lậu quy mô, có sự liên kết chặt chẽ giữa các đối tượng để tuồn gần 200 triệu lít xăng lậu vào Việt Nam, tổng giá trị hàng phạm pháp gần 2,6 ngàn tỷ đồng.
Một kho chứa xăng của đường dây buôn lậu xăng
Để các tàu chở xăng lậu 'thuận buồm xuôi gió', ông trùm Phan Thanh Hữu đã tìm cách tiếp cận, mua chuộc hàng loạt tướng, tá, sĩ quan Cảnh sát biển, Biên phòng và những cán bộ có chức trách nhiệm vụ thuộc lực lượng hải quan, cảnh sát giao thông.
Thậm chí, sau lần tiếp cận nhờ ông Phùng Danh Thoại (nguyên Đại tá, Trưởng phòng xăng dầu, thuộc cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) "chạy án" nhưng bị từ chối, ông trùm Phan Thanh Hữu và Đào Ngọc Viễn đã gạ ông Thoại góp vốn 5 tỷ đồng để buôn xăng lậu từ Singapore về Việt Nam. Lợi nhuận thu được từ việc buôn bán xăng giả, Hữu sẽ hưởng 40%, nhóm Thoại, Viễn và Cường hưởng 60%. Trước cám dỗ, ông Thoại đã không giữ được mình.
Ngoài ông Thoại, cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 4 - Lê Văn Minh bị cáo buộc "vì động cơ vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn" đã trực tiếp nhận và thông qua vợ con, nhận của "trùm" buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu tổng số tiền 6,9 tỷ đồng. Theo cáo trạng, mỗi khi nhập lậu xăng từ Singapore về vùng biển Việt Nam, Hữu đều gọi điện, nhắn tin báo cho Minh biết để được bảo kê, không bị kiểm tra bắt giữ.
Cảnh sát phong tỏa một cây xăng trong đường dây tiêu thụ xăng nhập lậu
Theo hồ sơ vụ án, Viễn là người giới thiệu và đưa danh thiếp của chủ hàng ở Singapore cho Hữu để liên hệ. Mỗi đợt nhập hàng, Hữu trực tiếp mang tiền Đô la Mỹ (từ 400.000 đến 1,2 triệu USD) đưa người đại diện chủ hàng Singapore tại TPHCM có tên A Hùng (người Hoa, quốc tịch Singapore, hiện chưa rõ lại lịch cụ thể).
Sau khi nhận được thông tin Hữu đã thanh toán tiền xăng thì Viễn điều động tàu Pacific Ocean hoặc tàu Western Sea từ vùng biển OPL (vùng biển tự do giáp ranh với các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia) sang Singapore để nhận xăng rồi đưa lậu về Việt Nam tiêu thụ.
Mỗi chuyến vận chuyển xăng về vùng biển Việt Nam, Viễn được hưởng từ phí vận chuyển 1,6 đến 2,6 tỷ đồng/chuyến tùy theo trọng lượng tàu; Hữu được hưởng phí vận chuyển từ các tàu nhỏ đưa xăng vào nội địa từ 1 tỷ đồng đến 1,8 tỷ đồng /lần. Ngoài ra Hữu đưa cho Viễn 2.000 USD/chuyến để Viễn trả công cho đối tượng Truân (hiện chưa rõ lai lịch) là người môi giới cho Viễn và Hữu mua xăng, kiểm tra hàng hóa của chủ hàng ở Singapore.
Trong suốt quá trình giao, nhận, vận chuyển xăng nhập lậu, Hữu không cho các thuyền viên trên tàu sử dụng điện thoại mà chỉ có thuyền trưởng các tàu được sử dụng điện thoại liên lạc với Hữu để tránh bị lực lượng chức năng theo dõi, phát hiện hành vi vận chuyển xăng nhập lậu.
Đêm 6/2/2021, Công an Đồng Nai phát hiện và bắt giữ tàu Nhật Minh 8 đang bơm xăng lậu qua tàu Nhật Minh 6 và Huỳnh Ngân 2. Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng thu giữ trên trên tàu Nhật Minh 6 số lượng 217.113 lít xăng, tàu Nhật Minh 8 số lượng 856.240 lít xăng, tàu Huỳnh Ngân 2 số lượng 540.391 lít xăng.
Trong lúc này, một tàu khác của đường dây là Nhật Minh 9 đang vận chuyển 1,5 triệu lít xăng về đến cửa biển Định An, neo đậu ở phao số 0 thuộc huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh để chờ đến lượt vào giao hàng thì thuyền trưởng tàu này nhận được điện thoại (không xác định được người gọi) báo tin tàu Nhật Minh 8 đã bị bắt và yêu cầu tàu quay ra biển đến tọa độ quy định bơm trả toàn bộ 1,5 triệu lít xăng về tàu Western Sea.
Nhận lệnh, thuyền trưởng tàu Nhật Minh 9 là Trịnh Xuân Mơ đã liên lạc với thuyền trưởng tàu Western Sea để thống nhất việc giao trả. Sau đó, tàu Nhật Minh 9 vận hành quay ra biển đến vị trí, tọa độ đã hẹn trước và bơm trả toàn bộ 1,5 triệu lít xăng lại cho tàu Western Sea.
Đáng chú ý, tại phiên tòa xét xử nhóm cựu tướng lĩnh, sĩ quan có hành vi nhận hối lộ bảo kê cho đường dây buôn lậu của Phan Thanh Hữu diễn ra hồi tháng 7 vừa qua, trước việc cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 có thái độ khai báo quanh co, đại diện Viện kiểm sát lập tức truy vấn về số tiền nhận hối lộ và tin nhắn báo toạ độ neo tàu cho ông trùm buôn lậu xăng.
Cụ thể, đại diện Viện kiểm sát đã truy: "Tại các bút lục bị cáo có khai nhắn cho anh Hữu về tọa độ neo tàu… bị cáo nên nhớ hành vi khai báo quanh co, không thành khẩn của bị cáo, Viện kiểm sát có thể rút lại các tình tiết giảm nhẹ". Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt ông Lê Văn Minh 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
Sau bản án sơ thẩm, ông Lê Văn Minh cùng 7 bị cáo khác đã nộp đơn kháng cáo.
Khi HĐXX công bố cáo trạng gần 150 trang, trùm đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng Phan Thanh Hữu cảm thấy khó thở, xin được ngồi nghe.
Nguồn: [Link nguồn]